Tài khoản

Hướng dẫn bổ sung sắt đúng cách khi mang thai

BIBABO 4 năm trước

Việc bổ sung sắt đầy đủ và đúng cách không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mà còn giúp thai nhi nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy để phát triển tốt nhất.

Xem nhanh

  • Tại sao mẹ bầu cần bổ sung đủ sắt khi mang thai?
  • Mẹ bầu cần bổ sung bao nhiêu sắt trong thai kỳ?
  • Điều gì xảy ra nếu bạn không bổ sung đủ sắt trong thai kỳ?
  • Điều gì xảy ra nếu bạn bổ sung quá nhiều sắt trong thai kỳ?
  • Những thực phẩm nào giàu sắt?

Xem thêm

Trong thai kỳ, nhu cầu về sắt của cơ thể tăng lên đến 50% so với trước khi mang thai. Bổ sung sắt đầy đủ là điều cực kỳ cần thiết cho cơ thể mẹ bầu khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt trong suốt thai kỳ. 

1Tại sao mẹ bầu cần bổ sung đủ sắt khi mang thai?

Sắt đóng vai trò quan trọng, tham gia vào cấu trúc tế bào máu và vận hành hoạt động cơ thể hiệu quả. 

Ngay cả trước khi mang thai, bạn vẫn cần bổ sung sắt đầy đủ vì: 

  • Sắt rất cần thiết để tạo ra tế bào hồng cầu.

  • Sắt là thành phần quan trọng của myoglobin - một loại protein giúp cung cấp oxy cho các tế bào bên trong cơ thể và collagen - một loại protein có trong xương, sụn và các mô liên kết - và nhiều enzyme khác.

  • Sắt giúp duy trì hệ thống miễn dịch của mẹ bầu khoẻ mạnh trong suốt thai kỳ. 

Bổ sung đầy đủ sắt khi mang thai đặc biệt quan trọng (Ảnh: Internet)

Đặc biệt với phụ nữ mang thai, vai trò của việc bổ sung đủ sắt quan trọng hơn bao giờ hết:

  • Tổng lượng máu cơ thể cần trong thai kỳ tăng lên khoảng 50% so với trước khi mang thai. Mẹ bầu cần nhiều sắt để đáp ứng đủ nhu cầu đó. 

  • Sắt rất quan trọng giúp thai nhi phát triển khoẻ mạnh, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. 

  • Mẹ bầu thiếu máu do thiếu sắt từ trước khi mang thai cần bổ sung nhiều sắt trong suốt thai kỳ.

Trong trường hợp cơ thể không nhận đủ lượng sắt cần thiết, dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, mọi hoạt động của cơ thể mẹ sẽ bị ảnh hưởng, nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi sẽ không được đáp ứng. 

Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng sinh non, nhẹ cân và tử vong ở trẻ sơ sinh. 

2Mẹ bầu cần bổ sung bao nhiêu sắt trong thai kỳ?

Không có con số chính xác đúng với tất cả mẹ bầu vì sức khoẻ trước khi mang thai và trong suốt quá trình mang thai của mỗi mẹ bầu là khác nhau. 

Trung bình, trước khi mang thai, cơ thể phụ nữ cần khoảng 18mg sắt mỗi ngày. Trong thai kỳ, nhu cầu sắt tăng cao, mẹ bầu cần bổ sung khoảng 27 - 30mg sắt/ngày. 

Bạn có thể không cần chia nhỏ lượng sắt mục tiêu bổ sung theo từng ngày vì con số này khá ít. Thay vào đó, hãy đặt mục tiêu bổ sung đủ sắt khoảng 3 ngày 1 lần hoặc 1 tuần/lần. Bạn chỉ cần đảm bảo bổ sung đủ tổng lượng sắt cơ thể cần là được. Cách chia như thế này cũng sẽ dễ dàng hơn cho bạn trong việc lên kế hoạch bổ sung sắt. 

Ngoài sắt, bạn nên uống thêm axit folic mỗi ngày để đảm bảo thai nhi phát triển tốt nhất. 

Mẹ bầu nên bổ sung axit folic cùng sắt giúp thai nhi phát triển tốt nhất (Ảnh: Internet)

3Điều gì xảy ra nếu bạn không bổ sung đủ sắt trong thai kỳ?

Nếu cơ thể bạn không được cung cấp đủ sắt, các cơ quan trong cơ thể sẽ nhanh chóng bị suy giảm chức năng. 

Nếu không đủ sắt để tạo hồng cầu, bạn sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt, dẫn đến trạng thái mệt mỏi, suy nhược cơ thể nghiêm trọng, tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc thai lưu, tử vong ở trẻ sơ sinh.

 Một số nghiên cứu còn tìm ra mối liên hệ giữa thiếu sắt khi mang thai và trầm cảm sau khi sinh. 

4Điều gì xảy ra nếu bạn bổ sung quá nhiều sắt trong thai kỳ?

Nếu bạn bổ sung quá nhiều sắt trong thai kỳ (> 45mg sắt/ngày), nồng độ sắt trong máu sẽ tăng cao gây ra một số vấn đề sức khoẻ bất thường cho mẹ và bé. 

Dư thừa sắt có thể làm tăng nguy cơ mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, một số vấn đề về tim và huyết áp cao. Do đó, mẹ bầu chỉ nên bổ sung sắt theo sự hướng dẫn của bác sĩ. 

5Những thực phẩm nào giàu sắt?

Trong các loại thực phẩm, sắt tồn tại dưới hai dạng: Sắt heme và sắt non - heme. Trong đó: 

  • Sắt heme có nguồn gốc động vật, và loại sắt này hấp thu dễ dàng hơn, khoảng 15 - 35%. 

  • Sắt non - heme có nguồn gốc thực vật, trong các thực phẩm tăng cường bổ sung sắt. Cơ thể hấp thụ sắt non - heme kém hơn sắt heme, chỉ khoảng 2 - 20%.

Thịt đỏ, thịt gia cầm và cá là một trong những nguồn bổ sung chất sắt tốt nhất. Nếu bạn không thích ăn thịt từ các loại động vật, bạn có thể bổ sung sắt từ các loại đậu, rau và ngũ cốc. 

Thịt đỏ, rau, đậu, ngũ cốc đều là nguồn bổ sung sắt tự nhiên tốt, cơ thể dễ dàng hấp thụ (Ảnh: Internet)

Dưới đây là bảng thông tin cho thấy lượng sắt heme và sắt non - heme có trong một số thực phẩm giàu sắt, bạn nên tham khảo để lựa chọn thực phẩm bổ sung sắt tốt nhất trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Lượng sắt heme có trong một số thịt động vật phổ biến: 

  • 85g thịt bò nạc: 3.2mg

  • 85g thịt bò nạc thịt thăn: 3mg

  • 85g gà tây nướng: 2mg

  • 85g thịt ức gà tây: 1.4mg

  • 85g thịt đùi gà nướng: 1.1mg

  • 85g thịt ức gà nướng: 1.1mg

  • 85g cá ngừ 3 ounce đóng hộp: 1.3mg

  • 85g thịt lợn thăn băm: 1.2mg

Lượng sắt non - heme trong một số thực vật phổ biến:

  • 1 chén ngũ cốc ăn liền có bổ sung sắt: 24mg

  • 1 chén bột yến mạch ăn liền tăng cường: 10mg

  • 1 chén đậu nành đun sôi: 8.8mg

  • 1 chén đậu lăng nấu chín: 6.6mg

  • 1 chén đậu thận nấu chín: 5.2mg

  • 1 cốc đậu xanh: 4.8mg

  • 1 chén đậu lima nấu chính: 4.5mg

  • 1 ounce hạt bí ngô rang: 4.2mg

  • 1 chén đậu đen hoặc pinto nấu chín: 3.6mg

  • 1 muỗng canh mật mía: 3.5mg

  • ½ chén đậu phụ cứng, thô: 3.4mg

  • ½ chén rau bina, luộc: 3.2mg

  • 1 cốc nước ép mận: 3mg

  • 1 lát bánh mì nguyên cám hoặc bánh mì trắng làm giàu: 0.9mg

  • ¼ cốc nho khô: 0.75mg

6Bổ sung sắt đúng cách khi mang thai

Bạn không cần ăn thật nhiều thịt lợn cùng lúc để đáp ứng đủ nhu cầu về sắt của cơ thể. Ngoài thịt, hãy ăn thêm cá hoặc thịt gà để giúp cơ thể hấp thụ sắt từ nhiều nguồn khác nhau, lượng sắt đa dạng hơn. 

Một số mẹo nhỏ giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt hiệu quả (Ảnh: Internet)

Một số mẹo dưới đây sẽ giúp bạn hấp thụ sắt từ các loại thực phẩm tốt nhất: 

  • Nấu ăn trong chảo gang. 

  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, dâu tây, bông cải xanh ăn cùng với thực phẩm giàu sắt. Vitamin C giúp tăng khả năng cơ thể hấp thụ sắt lên 6 lần. 

  • Hạn chế ăn các thực phẩm gây ức chế sắt, cản trở sự hấp thụ sắt như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cafe, trà xanh, đậu nành, rau bina, canxi trong sữa,... cùng lúc với ăn các thực phẩm giàu sắt. 

  • Uống thuốc bổ sung sắt khoảng 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn vì sắt được hấp thu dễ dàng nhất trong khi đói. Bổ sung nước cam khi uống viên sắt sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ sắt hơn. Không uống sắt với sữa, cafe hoặc trà. 

  • Canxi làm cản trở hấp thụ sắt. Nếu bạn bổ sung đồng thời viên sắt và viên canxi trong thai kỳ, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách uống đúng nhất để khả năng hấp thu các chất này của cơ thể là cao nhất. 

7Có cần bổ sung thêm viên uống sắt?

Mặc dù khi mang thai cơ thể bạn hấp thu sắt từ thực phẩm khá tốt nhưng lượng sắt đó có thể vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sắt hàng ngày, nhất là với các mẹ bầu bị thiếu máu do thiếu sắt. Do đó, bạn cần bổ sung thêm viên uống sắt. 

Trong lần khám thai đầu tiên, tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của bạn, bác sĩ sẽ giới thiệu cho bạn một số loại vitamin bầu cung cấp khoảng 30mg sắt mỗi ngày khi uống đúng liều lượng. 

Nếu không được bác sĩ chỉ định bổ sung thêm thuốc, bạn tuyệt đối không nên tự ý bổ sung. 

8Một số tác dụng phụ khi uống viên sắt

Tăng cường bổ sung sắt trong thai kỳ bằng một số loại thực phẩm chức năng làm tăng nguy cơ mẹ bầu mắc các vấn đề về đường tiêu hoá, điển hình là tình trạng táo bón thai kỳ. 

Khi bị táo bón, bạn nên thử uống nước ép mận thường xuyên, nó sẽ hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa và bổ sung sắt cho bạn. 

Ngoài ra, bổ sung sắt có thể khiến bạn bị buồn nôn hoặc tiêu chảy. Nếu bạn buồn nôn khi uống sắt, hãy thử ăn uống sắt kèm chút đồ ăn nhẹ hoặc uống sắt trước khi đi ngủ. 

Lời khuyên là bạn nên bổ sung sắt một cách từ từ, lượng ít trước, sau đó tăng dần lên đến liều lượng được bác sĩ khuyến cáo. Hoặc bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi loại sắt để phù hợp với hệ tiêu hoá của bạn. 

Cuối cùng, đừng lo lắng nếu thấy phân của bạn chuyển thành màu xanh hoặc màu tối. Đây là tác dụng của việc uống sắt, và nó không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.

Theo Bibabo.vn