Tài khoản

Hướng dẫn xử lý khi trẻ bị sốt từ Bệnh viện Nhi Trung Ương

Linh Nguyễn 4 năm trước

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ. Trẻ bị sốt cao cần được xử lý ngay và đúng cách, giúp bé giảm bớt khó chịu và nhanh khỏi bệnh. 

Xem nhanh

  • Khi nào trẻ được coi là sốt?
  • Phân loại sốt ở trẻ
  • Làm thế nào để xác định trẻ bị sốt hay không?
  • Cần làm gì khi trẻ bị sốt?
  • Phòng ngừa trẻ sốt co giật

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị sốt phải kể đến tình trạng trẻ mọc răng, sốt do tiêm phòng, sốt do thay đổi thời tiết, sốt do nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh,... Đặc biệt trong thời điểm giao mùa khoảng tháng 9, tháng 10, nguy cơ trẻ mắc bệnh và sốt nhiều hơn, ba mẹ cần cảnh giác với các vấn đề sức khỏe của trẻ. Nắm chắc các kiến thức xử lý sốt ở trẻ nhỏ và xử lý nhanh chóng, kịp thời là các kỹ năng cần thiết ba mẹ cần áp dụng nhuần nhuyễn khi chăm sóc bé! 

Dưới đây là hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị sốt từ Bệnh viện Nhi Trung ương, mình xin chia sẻ lại để các ba mẹ tham khảo. Share về tường phòng khi cần đến ba mẹ nhé!

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị sốt (Ảnh: Internet)

1Khi nào trẻ được coi là sốt?

- Nhiệt độ bình thường ở trẻ từ 36 - 37.4 độ. 

- Số là tình trạng nhiệt độ cơ thể trẻ tăng hơn mức bình thường, tức là từ 37.5 độ trở lên được coi là SỐT.

2Phân loại sốt ở trẻ

- Sốt nhẹ: 37.5 độ C - 38 độ C. 

- Sốt vừa: > 38 độ C - 39 độ C. 

- Sốt cao: > 39 độ C - 40 độ C. 

- Sốt rất cao: > 40 độ C. 

3Làm thế nào để xác định trẻ bị sốt hay không?

a/ Dùng dụng cụ đo: 

Sử dụng nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế điện tử

  • Nhiệt kế thủy ngân đo kết quả nhiệt độ chính xác hơn nhưng mất nhiều thời gian hơn, và mức độ nguy hiểm khi nhiệt kế bị vỡ là rất cao, ba mẹ cần cân nhắc khi sử dụng. 

  • Nhiệt kế điện tử cơ động hơn, thời gian đo ngắn hơn, tiện lợi hơn nhưng kết quả đo nhiệt độ không chính xác bằng nhiệt kế thủy ngân. 

Dùng nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế điện tử đo nhiệt độ cho bé đều được (Ảnh: Internet)

Do đó, ba mẹ hãy cân nhắc lựa chọn loại nhiệt kế phù hợp nhất cho gia đình. 

b/ Cách đo: 

  • Đo nhiệt độ cho trẻ tại các vị trí: Tai, trán, miệng, nách, hậu môn. Tùy theo từng loại nhiệt kế mà cách đo có thể khác nhau, ba mẹ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi dùng.  

  • Mức chênh lệch nhiệt độ giữa các vị trí: Nhiệt độ ở nách thấp hơn nhiệt độ ở miệng và hậu môn khoảng 0.3 độ C đến 0.5 độ C. Vì vậy, khi nhiệt độ ở nách > 37.2 độ thì được coi là trẻ sốt. 

4Cần làm gì khi trẻ bị sốt?

a/ Xử lý khi trẻ bị sốt: 

  • Để trẻ nằm trong phòng thông thoáng, tránh gió lùa, hạn chế người ra vào, qua lại. 

  • Nới bớt quần áo cho trẻ. Nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. 

  • Tiến hành chườm ấm hạ sốt cho trẻ. 

Chườm ấm cho trẻ là một trong những nguyên tắc quan trọng giúp trẻ hạ sốt (Ảnh: Internet)

b/ Tiến hành chườm ấm cho trẻ: 

* Chuẩn bị dụng cụ chườm ấm: 

  • 5 khăn nhỏ: Chọn loại khăn có khả năng thấm nước tốt. 

  • 01 nhiệt kế.

  • Pha nước ấm theo tỉ lệ 1 nóng : 2 lạnh. Có thể nhúng khuỷu tay vào thau nước để có cảm giác ấm ấm như nước tắm em bé là được. 

* Tiến hành chườm ấm: 

  • Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ. 

  • Bước 2: Đặt trẻ nằm ngửa trên giường. 

  • Bước 3: Cởi bỏ bớt, nới rộng quần áo trên người trẻ. 

  • Bước 4: Dùng khăn nhúng vào chậu nước ấm, sau đó vắt kiệt nước và bắt đầu lau toàn thân trẻ, chủ yếu lau tập trung ở trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, lòng bàn chân - đây đều là những vị trí nhiệt độ của trẻ tương đối cao. Có thể đặt khăn trên trán trẻ, 2 bên hõm nách, 2 bên bẹn một lúc. 

  • Bước 5: Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước rồi lặp lại hành động như trên cho đến khi thấy nhiệt độ cơ thể bé giảm. 

  • Bước 6: Khi nước trong chậu hết ấm thì thay bằng chậu nước khác hoặc cho thêm nước nóng, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ. 

  • Bước 7: Đo lại thân nhiệt của trẻ sau 15 - 30 phút để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng việc chườm nóng khi trẻ hết sốt, tức là nhiệt độ dưới 37.5 độ C. 

  • Bước 8: Lau khô người và mặc lại quần áo thoáng mát cho trẻ. 

*** Lưu ý khi chườm ấm cho trẻ: Thao tác nhẹ nhàng, không chà xát mạnh gây tổn thương da, đau rát khó chịu. 

*** Lưu ý: Tuyệt đối không chườm mát cho trẻ, hoặc không chườm khi khăn đã nguội lạnh vì khi chườm lạnh, nhiệt độ thấp làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt không thoát được ra ngoài, trẻ sẽ càng sốt cao hơn. 

c/ Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

  • Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ ở nách từ 38 độ C.

  • Tốt nhất nên dùng Paracetamol với liều từ 10 - 15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

  • Cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước. 

Lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ (Ảnh: Internet)

5Phòng ngừa trẻ sốt co giật

  • Trẻ có thể bị sốt co giật tùy theo tình trạng sốt, hiệu quả của việc chườm ấm hạ sốt và tác dụng của thuốc hạ sốt với trẻ. 

  • Trường hợp trẻ đã có tiền sử sốt co giật, ba mẹ cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn thuốc dự phòng co giật. 

  • Đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra. 

Tóm lại, trẻ có thân nhiệt từ 37.5 độ C được coi là sốt và trẻ sốt cao khi thân nhiệt ở 39 độ C trở đi. Khi trẻ bị sốt, ba mẹ lưu ý CHƯỜM ẤM cho trẻ, KHÔNG CHƯỜM LẠNH vì chườm lạnh không có hiệu quả, sẽ khiến trẻ sốt cao hơn. Và ba mẹ chỉ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng sẽ nguy hiểm với trẻ. Đừng quên theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, đề phòng trẻ bị sốt co giật nhé!

Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ba mẹ có kiến thức xử lý sốt cho trẻ hiệu quả và khoa học nhất. 

Theo Bibabo.vn