Tài khoản

Không ngờ huyết áp thấp khi mang bầu lại nguy hiểm thế này

Mẹ Su Linh 3 năm trước 8 bình luận

Huyết áp thấp rất dễ xuất hiện ở mẹ trong giai đoạn thai kỳ và có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi.

Xem nhanh

  • Dấu hiệu huyết áp thấp của mẹ bầu
  • Nguy hiểm mà mẹ bầu huyết áp thấp dễ gặp phải
  • Biện pháp giúp mẹ cải thiện tình trạng huyết áp thấp khi mang thai

Ngưỡng huyết áp bình thường đo được thường nằm trong khoảng 120/80mmHg đến 140/90mmHg, một người được coi là huyết áp cao nếu chỉ số này lớn hơn mức 140/90mmHg và người có huyết áp thấp là khi chỉ số đo được thấp hơn hoặc bằng 100/60mmHg.

Mẹ bầu là đối tượng dễ bị huyết áp thấp do lưu lượng máu trong cơ thể tăng cao hoặc do tăng tiết hormone progesterone khiến mẹ dễ bị giãn mạch máu, hạ huyết áp.

Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, thiếu máu, tâm lý căng thẳng, lo âu,... cũng là một số nguyên nhân khiến mẹ dễ bị huyết áp thấp khi mang bầu.

Huyết áp thấp khi mang thai là tình trạng thường gặp và khá nguy hiểm nếu mẹ không được chăm sóc cẩn thận (Ảnh: Internet)

1Dấu hiệu huyết áp thấp của mẹ bầu

Mẹ có thể có chỉ số huyết áp thấp nếu thường xuyên có những dấu hiệu sau:

  • Mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống, da dẻ nhợt nhạt

  • Khó thở, thở dốc

  • Hoa mắt, đau đầu, xây xẩm, chóng mặt, nhất là những lúc thay đổi tư tế

  • Khó tập trung vào công việc

  • Hay cảm thấy khát nước

  • Tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt

  • Ớn lạnh nhưng có thể vẫn toát mồ hôi

  • Ngất xỉu

  • Thị lực thay đổi hoặc có vấn đề.

Đối với những mẹ đã có các bệnh nền như bệnh tim, rối loạn chức năng thận, thiếu máu, rối loạn nội tiết, dị ứng, suy tuyến giáp... thì càng phải lưu ý đến các dấu hiệu này vì mẹ có nguy cơ cao dễ bị tụt huyết áp khi mang thai.

Mẹ bầu cần được đo huyết áp thường xuyên để nắm chắc tình trạng sức khỏe (Ảnh: Internet)

2Nguy hiểm mà mẹ bầu huyết áp thấp dễ gặp phải

Không chỉ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của mẹ mà tình trạng huyết áp thấp còn có thể khiến mẹ và bé gặp nguy hiểm vì khi tụt huyết áp đột ngột, mẹ rất dễ bị ngất xỉu, té ngã và bị thương, đặc biệt là khi đang tham gia giao thông hoặc lên xuống cầu thang.

Huyết áp của mẹ bị hạ xuống thấp còn có thể khiến cho dòng máu lưu thông đến thai nhi gặp trở ngại, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con, thậm chí có thể dẫn đến một số nguy cơ như sinh non, thai nhẹ cân, thai chết lưu hay băng huyết sau sinh.

3Biện pháp giúp mẹ cải thiện tình trạng huyết áp thấp khi mang thai

Mẹ thường không được chỉ định dùng thuốc điều trị huyết áp thấp  trong thai kỳ. Thật may là mẹ bầu hoàn toàn có thể cải thiện chỉ số huyết áp của mình tốt hơn nếu chú ý thay đổi các thói quen sinh hoạt.

  • Thay đổi tư thế từ từ để hạn chế tình trạng choáng váng do máu chưa lưu thông được khắp cơ thể

  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý

  • Uống nhiều nước và bổ sung đủ chất dinh dưỡng (nhất là sắt) để giúp cơ thể sản sinh nhiều máu hơn

  • Ăn nhiều muối hơn vì natri trong muối có thể giúp huyết áp của mẹ tăng lên

  • Giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

Mẹ cũng nên đi khám thai định kỳ đúng lịch để các bác sĩ có thể theo dõi huyết áp của mẹ thường xuyên nhé!

Theo Bibabo.vn
Xem thêm