Tài khoản

Kinh nghiệm tập cho bé bú bình hiệu quả

Nguyễn Thu Quỳnh 4 năm trước 66 bình luận

Tập cho bé bú bình không khó, chỉ cần ba mẹ làm đúng cách và kiên nhẫn với con chút xíu là thành công. 

Xem nhanh

  • Tại sao bé không chịu bú bình? 
  • Chuẩn bị tập cho bé ti bình
  • Thực hành cho bé ti bình
  • Duy trì sữa mẹ khi cho bé ti bình

Mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm tập cho trẻ bú sữa mẹ bằng bình sữa của bản thân. Bé nhà mình rất khó nên tập cho bé bú bình chẳng dễ dàng gì, trầy trật nghiên cứu mãi mới thành công các mẹ ạ. Mẹ nào muốn tập cho bé bú sữa công thức có thể tham khảo. 

1Tại sao bé không chịu bú bình? 

Mình rút ra một số lí do thế này: 

- Bé không thích núm ti bình. Ta nói ti mẹ mềm mại, thơm nức mùi sữa, muốn cắn thế nào thì cắn, kéo thế nào thì kéo bé lại chả thích. Núm ti silicon hay núm ti nhựa chắc chắn không mềm bằng ti mẹ, chắc chắn không thơm dịu bằng ti mẹ. Bé không thích núm ti bình nên không chịu bú. Để "ép" bé ti bình, mẹ cần giấu núm ti mẹ đi. 

- Tốc độ dòng chảy sữa quá nhanh so với nhu cầu của bé. Tùy theo thiết kế từng loại núm ti mà có loại đầu ti chữ Y, có loại đầu ti nhiều lỗ. Lỗ đầu núm ti ảnh hưởng tới tốc độ dòng chảy sữa vào cổ họng bé. Nếu sữa chảy vào nhiều cùng một lúc, bé có thể bị sặc, cũng giống như người lớn mình tự dưng uống nhiều nước cũng rất dễ bị sặc. Bé sẽ không cảm thấy thoải mái tí nào, thậm chí là sợ ti bình, sợ bị sặc. Bé sẽ không muốn ti bình nữa. 

Núm ti không phù hợp có thể là nguyên nhân chính khiến trẻ không chịu ti bình (Ảnh: Internet)

2Chuẩn bị tập cho bé ti bình

Chuẩn bị dụng cụ ti bình:

  • Bình sữa. Bình nhựa nhẹ hơn bình thủy tinh. Bình nào cũng được tùy theo điều kiện của mẹ. 

  • Lưu ý chọn núm ti bình: Núm ti ưu tiên núm ti mềm mại, càng giống ti mẹ càng tốt, tốc độ dòng chảy sữa từ núm ti (dựa trên số lỗ đầu ti) cần phù hợp với nhu cầu ti sữa và độ tuổi của bé. 

  • Máy hút sữa. Mình nghĩ máy hút sữa rất cần để đảm bảo mẹ duy trì được sữa cho bé bú bình. Bé không ti mẹ trực tiếp, sữa sẽ giảm rất nhanh. Nếu không có biện pháp dùng máy hút sữa hoặc vắt bằng tay, mẹ rất dễ mất sữa. 

Chuẩn bị tinh thần: 

  • Tinh thần quan trọng nhất chính là sự kiên trì. Những ngày đầu bé không quen ti bình chỉ bú được 1 tí, thậm chí cắt bú luôn 1, 2 ngày. Xót xa con lắm nhưng phải cố thôi các mẹ ạ, tập luôn thôi chứ để bé lớn hơn tí nữa là khó tập. 

  • Tinh thần đứng từ xa nhìn người khác cho con ăn. Mẹ cần "giấu ti" để bé không nhớ ti mẹ, không đòi vạch áo, không bện mẹ. Mẹ nhờ bố hoặc nhờ bà cho bé ti sẽ nhanh thành công hơn mẹ tự đánh vật cùng bé. Đợi khoảng 1 tuần bé quên ti mẹ đi rồi, lúc đó mẹ cho con ti vẫn được. Nhà mình khổ nỗi không có người, ba nó cũng phải đi làm nên mẹ phải tự xử hết thôi không tránh được. 

Mẹ chuẩn bị thật tốt sẽ giúp bé ti bình dễ dàng hơn (Ảnh: Internet)

3Thực hành cho bé ti bình

Mình vẫn tiếp tục duy trì cho bé ngày 7 cữ bú: 7h30, 10h30, 14h, 16h30, 19h, 22h, 2h. Cữ 2h sẽ cắt khi bé được 4 tháng tuổi để luyện ngủ xuyên đêm. 

Ngày thứ 1: Nhịn suốt 16 tiếng. 

Sáng dậy mẹ cho ăn bình cữ 7h30 không ăn. Không ăn thì thôi mẹ bỏ đó. Cữ 10h30 tiếp tục cho ăn cũng không ăn. Lại bị bỏ đói. Cữ 14h tương tự cữ 10h30. Đến cữ 16h40 chắc đói lắm rồi nên bé chỉ mút mát tí đầu ti được 2 hơi, liếm liếm thêm 1 tí nữa là được khoảng 25ml. Bé cũng không chịu ăn đêm luôn, khóc vì đói mà đưa bình vào nhất định không bú. Mình cũng kệ không cho con bú bình. Bà thì mắng, bố thì sốt ruột mà vớ phải mẹ cứng đầu nên không ai làm gì. Mẹ mất ngủ cả đêm vì lo cho con. Nhưng mình vẫn tin, nếu bé phát triển bình thường thì sẽ không bao giờ để bản thân mình bị đói quá mức. Mình thấy hợp lý nên nuốt nước mắt vào trong mà cố gắng, QUYẾT TÂM không cho con ti mẹ, luyện một lần thôi không dây dưa gì. 

Ngày thứ 2: Nhịn 12 tiếng

Ngày thứ 2 vẫn tiếp tục như ngày thứ nhất nhưng đã rút ngắn lại, bé chỉ chịu đói được 12 tiếng. cữ lúc 14h mút mát được 60ml lại thôi không ti nữa. Đêm con lại khóc, mẹ cũng khóc, nhưng vẫn không được ti mẹ. 

Ngày thứ 3: Bắt đầu vào vào guồng ^^

Cữ 7h30 bé bú được 60ml, cữ 10h30 bú được 80ml, cữ 14h bé bú được 110ml, cữ 16h30 bé bú được 130ml, cữ 19h, cữ 22h mỗi cữ 150ml, cữ 2h bú được 130ml. Ôi zời ơi sang ngày hôm nay thì thái độ của bé thay đổi chóng hết cả mặt các mẹ ạ. Bé nhìn thấy bình là với với đòi ti lấy ti để. Cữ sáng ti được ít hơn vì bé còn "ngượng", còn "dỗi" mẹ nhưng đến cữ sau là vồ vập, là chỉ sợ mẹ lấy mất bình thôi. Trộm vía yêu thương lắm các mẹ ạ. Lúc này thì mình biết là đã cho con ti bình thành công rồi. 

Ngày thứ 4 trở đi: Vào guồng ti bình 

Dường như bé quên hoàn toàn ti mẹ, không hề nhớ đến ti mẹ là gì. 

Giờ thì bà không còn mắng, bố nó mừng lắm vì bé đã có thể ti bình, mẹ nhàn đi bao nhiêu rồi. Giờ có thể nhờ bà cho bé ăn mà bé không đòi mẹ nữa, đỡ quấy mẹ bao nhiêu. 4 ngày, bao nhiêu cảm xúc, nước mắt có, cô đơn có, buồn tủi có, sung sướng có, hạnh phúc có... Nhưng chỉ cần con ti được bình, bao nhiêu mẹ cũng đánh đổi. 

Các mẹ có thể cho rằng mình tồi tệ, mình không thương con. Nhưng các mẹ ơi, con mình mình là người xót đầu tiên, mình không thương con thì ai thương đây? Thôi thì ai nói gì cũng được. Mình chấp nhận.

Luyện cho con ti bình thành công cần đánh đổi rất nhiều... (Ảnh: Internet)

4Duy trì sữa mẹ khi cho bé ti bình

Mình không cho con ti mẹ trực tiếp nhưng vẫn muốn cho bé ti được sữa mẹ. 

- Nếu mẹ không vắt/hút sữa ra và để sữa trong cơ thể mẹ quá lâu, cơ thể sẽ hiểu là mẹ đang dư sữa, từ đó GIẢM SỮA mẹ cực nhanh, rất dễ dẫn đến mất sữa. 

- Nếu mẹ vẫn muốn tiếp tục duy trì nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ nhớ duy trì vắt/hút sữa ĐÚNG CỮ, có thể dùng tay, có thể dùng máy hút sữa là tùy điều kiện gia đình mình. Mẹ tranh thủ vắt buổi sáng và buổi chiều để có đủ sữa cho bé bú giấc tối và đêm khi mẹ cho ăn trực tiếp.

Mình xin nhắc lại đây hoàn toàn là kinh nghiệm của mình, cơ sở từ chính thực tế áp dụng mà ra chứ không có trong sách vở nào cả, cho nên các mẹ tham khảo nhé. Mẹ nào đòi bằng chứng khoa học thật sự mình không có đâu, chỉ biết là bản năng mách bảo vậy thì làm vậy thôi. Chúc các mẹ thành công. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm