Tài khoản

Lịch khám thai định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Mẹ Su Linh 4 năm trước 37 bình luận

Trong suốt thai kỳ, đảm bảo khám thai đầy đủ, đúng lịch là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất.

Xem nhanh

  • Lần khám thai đầu tiên
  • Lần khám thai thứ hai
  • Lần khám thai thứ ba
  • Lần khám thai thứ tư
  • Lần khám thai thứ năm

Xem thêm

Việc khám thai giúp mẹ bầu theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường và điều trị sớm nhất. 

Bộ Y tế khuyến cáo mẹ bầu nên khám thai ít nhất 3 lần, 1 lần trong tam cá nguyệt thứ nhất, 1 lần trong tam cá nguyệt thứ hai và 1 lần trong tam cá nguyệt thứ ba. 

Nếu khám thai đầy đủ, mẹ bầu với sức khoẻ tốt, thai kỳ bình thường cần được khám 7 lần. Trong trường hợp sức khoẻ mẹ bầu và thai nhi xuất hiện một số biến chứng bất thường như huyết áp cao, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ,... mẹ bầu nên khám nhiều hơn, tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Khám thai đầy đủ, đúng lịch hẹn đặc biệt quan trọng (Ảnh: Internet)

1Lần khám thai đầu tiên

  • Thời gian: Sau khoảng 3 tuần bị chậm kinh, khoảng tuần thứ 5 của thai kỳ. Cơ thể mẹ bầu xuất hiện một số dấu hiệu mang thai sớm như mệt mỏi, buồn nôn và nôn, ngực căng tức và nhạy cảm, đau bụng dưới,...

  • Nội dung khám: 

  • Kiểm tra chính xác mẹ bầu có mang thai hay không, thai đã vào tổ chưa, thai phát triển như thế nào. 

  • Tiến hành làm xét nghiệm máu

  • Kiểm tra tiền sử mắc bệnh của mẹ và những người thân trong gia đình để đánh giá nguy cơ mẹ bầu mắc một số biến chứng bất thường. 

  • Kiểm tra sức khoẻ phụ khoa

  • Từ kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ có nên giữ thai hay không, cách chăm sóc sức khoẻ trong thai kỳ như thế nào và đặt lịch hẹn cho lần khám thai tiếp theo. 

2Lần khám thai thứ hai

  • Thời gian: Giữa tuần 11 - 12 của thai kỳ.

  • Nội dung khám: 

  • Siêu âm xác định chính xác tuổi thai và tính ngày dự sinh 

  • Kiểm tra sự phát triển của thai nhi

  • Đo độ mờ da gáy, làm xét nghiệm sàng lọc nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down (thông qua xét nghiệm Double Test hoặc siêu âm 3D, 4D)

3Lần khám thai thứ ba

  • Thời gian: Khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ

  • Nội dung khám: 

  • Kiểm tra sự phát triển của thai nhi

  • Tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của mẹ, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm xét nghiệm nếu cần. 

  • Từ kết quả kiểm tra thai nhi, sự tăng cân của mẹ, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ thay đổi chế độ dinh dưỡng trong trường hợp thai quá to hoặc quá bé so với tuổi thai. Với một số bà mẹ mắc các biến chứng thai kỳ, từ khả năng phục hồi và điều trị bệnh, bác sĩ sẽ cho mẹ những lời khuyên điều trị thích hợp. 

4Lần khám thai thứ tư

  • Thời gian: Tuần thứ 21 - 22 của thai kỳ

  • Nội dung khám:

  • Kiểm tra sự phát triển của thai nhi

  • Siêu âm hình thái thai để phát hiện những bất thường, có thể siêu âm 3D, 4D

  • Trường hợp mẹ bầu bị các vấn đề phụ khoa như hở eo tử cung, có khối u buồng trứng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thủ thuật trong thời gian này. 

5Lần khám thai thứ năm

  • Thời gian: Khoảng tuần thứ 26 của thai kỳ

  • Nội dung khám: 

  • Kiểm tra sức khoẻ như những lần khám trước đó. 

  • Tiêm phòng mũi uốn ván đầu tiên (với mẹ bầu mang thai lần đầu) và mũi uốn án nhắc lại (với mẹ bầu mang thai lần hai)

6Lần khám thai thứ sáu

  • Thời gian: Tuần thứ 31 - 32 của thai kỳ

  • Nội dung khám: 

  • Khám, theo dõi và siêu âm như những lần khám thai trước đó. 

  • Tiêm mũi uốn ván lần 2 (với mẹ bầu mang thai lần đầu)

  • Chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng của thai nhi và khung chậu của mẹ để tiên lượng việc sinh sắp tới là dễ hay khó, có nguy cơ gì không. 

7Lần khám thai thứ bảy

  • Thời gian: Khoảng tuần thứ 36 của thai kỳ

  • Nội dung khám: 

  • Khám, theo dõi sức khoẻ của mẹ và bé, tiên lượng về phương pháp sinh an toàn hơn cho mẹ bầu: Sinh thường hay sinh mổ. 

  • Lên lịch sinh mổ chủ động (khoảng tuần thứ 38) trong một số trường hợp như mẹ bầu nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp,...

Mặc dù việc khám thai nhiều không gây ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi, tuy nhiên, mẹ bầu không nên lạm dụng. Hãy khám thai theo đúng lịch và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để có một thai kỳ khoẻ mạnh, an toàn.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm