Tài khoản

Mẹ bầu không nên chủ quan với triệu chứng khó thở trong thai kỳ

Nguyen Thi An 4 năm trước 28 bình luận

Hoài thai một em bé trong bụng khiến mọi hoạt động của mẹ thay đổi, và cả việc tưởng chừng đơn giản nhất - hít thở đôi khi cũng trở nên thật khó khăn.

Xem nhanh

  • Nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở khi mang bầu
  • Biện pháp cải thiện tình trạng khó thở cho mẹ bầu
  • Khi nào thì mẹ bầu khó thở cần đến bệnh viện?

Hầu hết mẹ bầu đều sẽ cảm thấy khó thở nhưng thời điểm có thể không giống nhau, có mẹ ngay từ khi cấn thai đã cảm thấy khó thở, có mẹ lại bắt đầu khó thở khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai và nhiều mẹ lại nếm trải cảm giác này vào giai đoạn cuối thai kỳ.

1Nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở khi mang bầu

Cũng giống như phần lớn các thay đổi khác của mẹ bầu, khó thở cũng có một phần nguyên nhân là do sự thay đổi hormone trong cơ thể gây ra, cụ thể ở đây là hormone progesterone - loại hormone đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Sự gia tăng nồng độ hormone này kích thích hô hấp, khiến mẹ thở nhanh và nhiều hơn nên dễ cảm thấy khó thở.

Sự dày lên của cơ hoành (dải cơ ngăn cách giữa tim và phổi với bụng) ngay từ đầu thai kỳ cũng là một nguyên nhân làm mẹ bầu thường xuyên khó thở. 

Bên cạnh đó, không thể không kể đến nguyên nhân do sự gia tăng kích thước đáng kể của tử cung khiến các cơ quan trong cơ thể mẹ, đặc biệt là cơ hoành, lồng ngực bị chèn ép gây ra tình trạng khó thở.

Ngoài ra, mẹ còn có thể bị khó thở do mắc một số bệnh như hen suyễn, thiếu máu, thuyên tắc phổi, phù nề, bệnh tim,...

Khi mang thai, tim của mẹ phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu nuôi dưỡng thai nhi khiến mẹ bầu dễ bị khó thở. (Ảnh: Internet)

2Biện pháp cải thiện tình trạng khó thở cho mẹ bầu

Dù không thể khắc phục triệt để tình trạng khó thở nhưng trong suốt thai kỳ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau để giúp cải thiện sự khó chịu này:

  • Thay đổi tư thế nằm và ngồi: Ngồi thẳng lưng, hơi đẩy vai ra đằng sau và nằm nghiêng sang bên trái sẽ giúp mẹ hít thở dễ dàng hơn.

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Khi cảm thấy khó thở, mẹ nên dừng công việc đang làm và nghỉ một chút để ổn định hơi thở tốt hơn.

  • Vận động nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh để hạn chế tạo áp lực lên tim, phổi.

  • Tập các bài tập thể dục phù hợp giúp điều hòa nhịp thở theo chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt để cải thiện tình trạng thiếu máu trong thai kỳ.

Ngồi thẳng lưng, hơi đẩy vai ra phía sau giúp mẹ hít thở dễ dàng hơn (Ảnh: Internet)

3Khi nào thì mẹ bầu khó thở cần đến bệnh viện?

Tình trạng khó thở ở mẹ bầu phần lớn là do sự thay đổi của cơ thể khi mang thai gây ra, thường không gây nguy hiểm cho hai mẹ con và sẽ tự hết sau khi mẹ sinh em bé. Tuy nhiên nếu mẹ khó thở kèm theo một vài biểu hiện sau thì rất có thể đây là dấu hiệu báo động đáng lo về sức khỏe và mẹ cần đến bệnh viện kiểm tra ngay:

  • Đau tức ngực kéo dài khi thở

  • Thở gấp, tim đập nhanh, nhịp tim tăng cao

  • Sốt, ớn lạnh, ho nhiều, thở khò khè

  • Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu

  • Ngón tay, ngón chân, môi chuyển sang màu xanh

  • Mẹ có bệnh hen suyễn hoặc một số bệnh lý khác

Theo Bibabo.vn
Xem thêm