Tài khoản

Mẹ bầu siêu âm quá nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Mẹ Cún 4 năm trước 14 bình luận

Siêu âm thai là cần thiết để kiểm tra sự phát triển của con yêu trong suốt thai kỳ, thế nhưng siêu âm thai nhiều có tốt hay không?

Xem nhanh

  • Phương pháp siêu âm được thực hiện như thế nào?
  • Những lý do mẹ bầu cần đi siêu âm thai là gì?
  • Khi nào mẹ bầu cần được siêu âm?
  • Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?

1Phương pháp siêu âm được thực hiện như thế nào?

Siêu âm thai là phương pháp sử dụng sóng âm có tần số rất cao (không thể nghe được bằng tai) truyền qua thành bụng của mẹ và ghi lại các hình ảnh của thai nhi trong tử cung rồi hiển thị lên màn hình siêu âm.

2Những lý do mẹ bầu cần đi siêu âm thai là gì?

Siêu âm thai kỳ rất quan trọng vì đây là cách duy nhất giúp bạn kiểm tra "tận mắt" sự phát triển của thai nhi. Cụ thể: 

  • Ở giai đoạn đầu thai kỳ, siêu âm thai sẽ giúp mẹ xác định chắc chắn xem mình đã có thai hay chưa và vị trí của thai nhi nằm trong hay ngoài tử cung. Nếu phát hiện thai ngoài tử cung, mẹ sẽ được can thiệp kịp thời để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
  • Kiểm tra xem chiều dài, cân nặng, các cơ quan của con có phát triển tương ứng với tuổi thai hay không để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mẹ cho phù hợp.
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về hình thái cũng như các dị tật bẩm sinh của thai nhi.
  • Kiểm tra tình trạng nước ối (trong hay đục, đủ hay quá nhiều/quá ít), nhau thai và dây rốn.

Siêu âm thai giúp mẹ có thể ngắm nhìn và theo dõi sự phát triển trong từng giai đoạn của con yêu trong bụng (Ảnh: Internet)

3Khi nào mẹ bầu cần được siêu âm?

Mẹ bầu có thể siêu âm nhiều lần hoặc ít lần tùy theo tình trạng sức khỏe, dù vậy, có một số mốc siêu âm quan trọng mà mẹ không nên bỏ qua:

  1. Siêu âm lần đầu ngay từ khi phát hiện có thai để xác định vị trí và tình trạng của phôi thai.
  2. Siêu âm mốc 11-13 tuần để phát hiện sớm các dị tật của thai nhi và đo độ mờ da gáy kết hợp cùng xét nghiệm sàng lọc Double Test để đánh giá nguy cơ một số rối loạn di truyền như hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau,...
  3. Siêu âm mốc 22-24 tuần để phát hiện các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch hay các dị dạng khác trong cơ quan nội tạng.
  4. Siêu âm mốc 28-32 tuần để theo dõi sự phát triển của con cũng như tình trạng nước ối, nhau thai trong giai đoạn gần cuối thai kỳ.

Mỗi mẹ bầu sẽ có lịch siêu âm khác nhau, trong đó nhất định phải đảm bảo những mốc siêu âm quan trọng (Ảnh: Internet)

4Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Đa phần các mẹ bầu đều đi siêu âm định kỳ theo lịch khám thai cũng như chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên có nhiều mẹ lại “nghiện” siêu âm đến mức mỗi tuần đi siêu âm một lần để được nhìn ngắm và theo dõi sự phát triển của con yêu.

Hiện nay, mặc dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh ảnh hưởng cụ thể của sóng siêu âm đến sự phát triển của thai nhi và siêu âm thai vẫn đang là một phương pháp được đánh giá là khá an toàn cho cả mẹ và con thì mẹ bầu cũng không nên đi siêu âm quá nhiều lần trong thai kì vì vừa mất thời gian mà còn phát sinh thêm những khoản chi phí đáng kể cho mỗi lần siêu âm.

Theo các bác sĩ, ngoại trừ các mẹ được chẩn đoán có bất thường trong thai kỳ cần được thăm khám, siêu âm thường xuyên thì đối với các thai phụ có sức khỏe và thai kỳ bình thường, việc siêu âm quá nhiều lần trong thai kỳ là việc làm không thật sự cần thiết.

Theo Bibabo.vn