Tài khoản

Mẹ nào chưa biết làm thế nào cho con tự ngủ thì đọc bài này của mình xem nhé

Linh Linh 5 năm trước

Như đã hứa từ lâu với các mẹ nhưng bận quá chưa viết được. Cộng thêm tối qua rảnh rỗi ngồi lướt facebook, mình tình cờ đọc được bài viết của một mẹ trong page Tâm sự eva nói về việc cho con ngủ. Bạn ấy bị stress nặng vì cứ phải thức đêm để ru con ngủ và con thường hay quấy khóc. Mình thấy nhiều mẹ nuôi con rất vất vả, một phần là do tính cách của từng đứa bé nhưng một phần mình nghĩ là do cách chăm sóc và rèn luyện giờ giấc sinh hoạt cho con. Vì vậy, hôm nay mình quyết định chia sẻ kinh nghiệm và các bước thực hiện bedtime routine cho con giúp các mẹ chăm con nhàn hơn nhé!

Do mình là một người khá chau chuốt nên trước khi làm một việc gì đó thường lên kế hoạch trước rồi mới triển khai. Việc sinh con cũng vậy. Trong thời gian mang bầu mình thường tìm kiếm và đọc các kiến thức, tài liệu về cách chăm con như chế độ ăn uống, giấc ngủ của trẻ sơ sinh,…Sau khi sinh mình thấy quãng thời gian mang bầu đó không hề uổng phí chút nào. Mình chăm con khoa học và nhàn hơn rất nhiều. Đối với vấn đề cho con ngủ thì sau quá trình tìm hiểu, chắt lọc các kinh nghiệm của các mẹ, mình đã quyết định thực hiện các bước bedtime routine cho con và rất thành công.

Bước đầu tiên là quan sát tín hiệu ngủ hoặc thời gian thức tối ưu của con. Các mẹ có thể dùng bản năng làm mẹ của mình để quan sát các tín hiệu ngủ của con hoặc có thể vào google gõ từ khóa: “sinh hoạt ăn ngủ easy của trẻ theo độ tuổi” để biết được thời gian thức của con theo từng độ tuổi.

Bước 2: Thay vì bế, đu võng để ru con ngủ thì mẹ nên quấn con. Đây là bước rất quan trọng trong việc thực hiện bedtime routine cho con. Bởi, khi quấn sẽ giúp con bình tĩnh, giảm thời gian quấy khóc. Hoặc để con dần thích nghi với môi trường bên ngoài, các mẹ nên cho con nghe white noise (tiếng ồn trắng). Khi quấn, con có thể đang khóc nhưng các mẹ cần bình tĩnh quấn chậm và sử dụng tiếng Shhhh.. như một tiếng ồn trắng để con được trấn tĩnh. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau nên một số bé vẫn không thể bình tĩnh sau bước này thì các mẹ cũng đừng lo lắng mà có thể giúp con bình tĩnh ở các bước sau.

Bước 3: Là bước giới thiệu không gian ngủ cho con. Mẹ bế con ra đóng cửa, kéo rèm, tắt đèn và nói với con “mẹ đưa con đi ngủ nhé”. Phòng ngủ lý tưởng giúp các con dễ ngủ và ngủ ngon là tối, có tiếng ồn trắng, lạnh và con có cũi riêng.

Bước 4: Bước này hết sức quan trọng nhé các mẹ. Đây là bước giúp con thư giãn, là giai đoạn chuyển giao giữa trạng thái thức sang trạng thái ngủ. Mẹ bế con với tư thế bế vác con, người mẹ hơi ngửa ra sau để con có thêm điểm tựa, đầu con dựa nơi hõm cổ mẹ. Mẹ một tay đỡ dưới một tay hơi vỗ nhẹ vào lưng con, hơi đưa người. Nếu con gồng mẹ tạo tiếng shhhh…(tiếng ồn trắng) bên tai cho đến khi con mềm người thả lỏng.

Bước 5: Mẹ đặt con xuống khi mà con đã thả lỏng và mẹ đi ra ngoài chờ thời gian, 3, 5, 7 hay 10 phút (tùy thuộc vào khả năng của từng bé). Đây là thời gian mà mẹ tạo điều kiện cho con tự ngủ.

Bước 6: Bước trấn an. Nếu như sau bước trên mà con vẫn còn khó, không tự ngủ được thì mẹ đi vào và hỗ trợ con. Cho con nằm nghiêng (mẹ có thể lấy gối chèn một bên để giúp con nằm nghiêng). Sau đó, đặt cánh tay của mẹ lên vỗ nhẹ đồng thời tạo tiếng ồn trắng. Mẹ có thể dùng thêm ti giả cho con nhưng nếu con không ngậm thì bỏ qua. Sau này, khi con đã tự ngủ thành thạo thì mẹ không cần phải dùng đến bước này nữa. Khi con đã ngủ thì mẹ đặt con nằm ngửa trở lại, có thể duy trì tiếng ồn trắng.

Các bước bedtime routine được lặp đi lặp lại một cách nhất quán ở mọi giấc ngủ sẽ tạo được kỹ năng tự ngủ, đó là một thói quen, một phản xạ có điều kiện là khi con mệt, được mẹ quấn, đưa vào phòng tối, được nghe tiếng ồn trắng hoặc được ngậm ti giả thì con sẽ tự mình đưa vào giấc ngủ mà không khóc nữa. Khi con lớn hơn mẹ có thể cai quấn, tiếng ồn trắng, cai ti giả và con vẫn giữ được kỹ năng tự ngủ.

Trên đây là phương pháp cho con ngủ của mình, nếu mẹ nào thấy có ích thì tham khảo nhé! Chúc các mẹ thành công!

Theo Bibabo.vn