Tài khoản

Mẹo tập cho con ti bình mẹ yên tâm đi làm trở lại

Hà Trang 4 năm trước 9 bình luận

Nhiều mẹ đang rất đau đầu vì đã đến tháng phải đi làm mà con nhất định chỉ bú mẹ trực tiếp, không chịu bú bình với sữa được trữ đông.

Xem nhanh

  • Lựa chọn bình sữa, núm ti phù hợp với con
  • Thời điểm thích hợp tập ti bình cho trẻ
  • Cho quen làm quen từ từ với sữa trữ đông
  • Cố định các cữ tập bú bình của trẻ
  • Để người thân tập bú bình cho con

Thông thường các mẹ sẽ phải đi làm trở lại khi con được khoảng 6-7 tháng, đồng nghĩa với việc ít nhất 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày mẹ sẽ không thể ở nhà để cho con bú trực tiếp đúng cữ như trước được. Lúc này, mẹ thường có 2 lựa chọn: Hoặc là cai sữa hoặc là tập cho con ti bình để con tiếp tục được hưởng dinh dưỡng từ sữa mẹ.

Cai sữa trong giai đoạn con được 6-7 tháng có lẽ là hơi sớm và rất ít mẹ lựa chọn cách này, thế nhưng việc tập cho con ti bình lại không phải là chuyện đơn giản, nhất là đối với những em bé đã quen với việc được bú mẹ trực tiếp hoàn toàn ngay từ khi chào đời.

Vì thế mẹ nên tập cho con ti bình sớm, trước khi mẹ đi làm ít nhất một vài tháng để con dễ làm quen và chấp nhận việc bú bình. Nếu mẹ đang không biết phải bắt đầu công việc này từ đâu, mẹ có thể tham khảo một vài mẹo nhé.

Tập cho bé ti bình trở lại không khó như mẹ nghĩ (Ảnh: Internet)

1Lựa chọn bình sữa, núm ti phù hợp với con

Các loại núm ti thường được chia size S, M, L hoặc 1, 2, 5,... theo từng tháng tuổi và bình sữa thường được chia size theo thể tích, mẹ có thể dựa vào thông tin và lượng ăn của con để chọn dụng cụ cho ăn phù hợp.

Mẹ nên lưu ý chọn các dòng sản phẩm an toàn, chất lượng, thông khí tốt (giúp con giảm đầy hơi, chướng bụng), có tốc độ chảy sữa ổn định và phù hợp để con bú sữa dễ dàng hơn.

Lựa chọn bình sữa, núm ti phù hợp là điều rất quan trọng quyết định thành bại của việc tập cho con ti bình.

2Thời điểm thích hợp tập ti bình cho trẻ

Mặc dù tập bú bình sớm sẽ giúp con dễ làm quen hơn nhưng mẹ cũng chỉ nên bắt đầu tập cho con bú bình khi con đã bú mẹ thành thạo, ăn hiệu quả và có khớp ngậm chuẩn (thường là khi con được vài tuần tuổi).

Mẹ chỉ nên tập cho bé bú bình khi bé bú thành thạo (Ảnh: Internet)

3Cho quen làm quen từ từ với sữa trữ đông

Sữa mẹ trữ đông có thể sẽ có mùi hơi khác với sữa mẹ mới được hút, kể cả khi đã được rã đông và hâm ấm. Vì thế để con dễ làm quen với việc bú bình, mẹ có thể cho con ăn sữa mới hút vào những lần đầu tiên, sau đó mới cho con làm quen dần với sữa trữ đông bằng cách pha sữa trữ đông với sữa mới theo tỉ lệ tăng dần.

Khi con đã quen với việc ăn sữa trữ đông, mẹ có thể yên tâm hút sữa để tủ và đi làm cả ngày mà không phải quá lo lắng về chuyện con có chịu bú bình với sữa cũ hay không.

4Cố định các cữ tập bú bình của trẻ

Khi con mới làm quen với việc ti bình, mẹ nên cho con bú bình một cữ cố định trong ngày và kiên trì cho đến khi con chấp nhận việc ăn sữa từ bình thì thôi. Có nghĩa là nếu con từ chối ăn, mẹ hãy kiên trì mời lại con một vài lần hoặc có thể nhỏ vài giọt sữa lên môi con để con biết đó là bình sữa.

Nếu con vẫn từ chối ăn, mẹ nên giải thích với con rằng vì con từ chối nên bữa này con sẽ không được ăn và phải chờ tới cữ sau. Trong thời gian giữa hai cữ, mẹ không nên cho con ăn dặm thêm để con hiểu rằng, nếu cữ trước con không chịu ăn thì con sẽ phải chịu đói cho đến cữ sau (mẹ nên kiên nhẫn trong trường hợp này).

Dần dần, khi con đã quen với việc bú bình, mẹ có thể tăng dần các cữ bú bình của con lên 2 cữ, 3 cữ cho đến khi con bú bình hoàn toàn và không đòi bú mẹ nữa.

5Để người thân tập bú bình cho con

Nhiều trẻ dễ nhõng nhẽo khi được mẹ tập bú bình vì con nhìn thấy mẹ và ngửi thấy mùi sữa quen thuộc từ ti mẹ. Vì thế để việc tập ti bình cho con đạt hiệu quả tốt hơn, mẹ nên nhờ bố hoặc bà (người nào sẽ chăm sóc bé khi mẹ đi làm là tốt nhất) làm và mẹ nên tránh mặt trong thời gian con tập bú bình.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm