Tài khoản

Mũi tiêm trưởng thành phổi và những điều mẹ bầu nên biết

Thảo Phương 4 năm trước 25 bình luận

Tiêm trưởng thành phổi thường được chỉ định cho các mẹ bầu có nguy cơ sinh non để hạn chế tối đa biến chứng mà con yêu có thể gặp phải.

Xem nhanh

  • Thuốc trưởng thành phổi được tiêm khi nào?
  • Loại thuốc và tác dụng của thuốc trưởng thành phổi
  • Tác dụng phụ không mong muốn khi tiêm thuốc trưởng thành phổi

1Thuốc trưởng thành phổi được tiêm khi nào?

Chức năng của các cơ quan trong cơ thể trẻ sinh non (chào đời khi mới được 22 đến 37 tuần) vẫn chưa phát triển hoàn thiện, nhất là phổi. Vì vậy trẻ sinh non thường phải đối mặt với một số biến chứng như suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, có nguy cơ nhiễm trùng cao hay thậm chí là tử vong,...

Để giảm thiểu tối đa các biến chứng này, các bác sĩ sản khoa thường sẽ chỉ định cho mẹ bầu tiêm mũi trưởng thành phổi nếu mẹ có các dấu hiệu sinh non trong giai đoạn từ 28 đến 34 tuần tuổi hoặc có nguy cơ sinh non trong vòng 7 ngày tới, sau 7 ngày nếu mẹ chưa sinh con thì có thể sẽ được tiếp tục tiêm thêm một đợt thuốc nữa.

Một số dấu hiệu sinh non mà mẹ cần lưu ý là: Vỡ ối, rỉ ối, có cơn gò chuyển dạ, đau bụng dưới, đau vùng thắt lưng, ra máu báo,... Những mẹ đã từng có tiền sử sinh non, sảy thai, có tử cung dị dạng, cổ tử cung ngắn, gặp biến chứng tiền sản giật, nhau tiền đạo,... cũng là đối tượng có nguy cơ sinh non cao cần đặc biệt cẩn thận.

Mũi tiêm trưởng thành phổi giúp làm giảm biến chứng suy hô hấp của trẻ sinh non

2Loại thuốc và tác dụng của thuốc trưởng thành phổi

Có hai loại thuốc trưởng thành phổi thường được sử dụng là thuốc Betamethasone và Dexamethasone, hai loại thuốc này đều có tác dụng giúp phổi của thai nhi phát triển nhanh chóng hơn bằng cách:

  • Giúp cơ thể con tổng hợp và giải phóng nhiều surfactant hơn, đây là một chất chỉ được sinh ra khi thai nhi đủ 32 tuần và có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch phế nang trong phổi, hạn chế biến chứng xẹp phổi và suy hô hấp cho em bé sinh non.

  • Giúp tăng thể tích của phổi và làm giảm bớt chất lỏng có trong phổi của thai nhi.

  • Giúp phổi tăng khả năng chuyển phế bào I thành phế bào II.

3Tác dụng phụ không mong muốn khi tiêm thuốc trưởng thành phổi

Hai loại thuốc trưởng thành phổi kể trên đều là thuốc nằm trong nhóm Corticosteroid và có khả năng gây ra một số tác dụng phụ cho cả sản phụ và thai nhi:

  • Làm suy yếu hệ thống miễn dịch của mẹ nên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng sơ sinh cho con và nhiễm trùng hậu sản ở mẹ

  • Có hiện tượng giảm vận động ở thai nhi sau khi được tiêm trưởng thành phổi

  • Có thể gây ra nhiễm độc thần kinh ở thai nhi nếu dùng thuốc liều cao hoặc chậm phát triển thần kinh ở những em bé đã từng được tiêm 3 đợt thuốc trưởng thành phổi

  • Có thể ảnh hưởng đến cân nặng và chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh

  • Có khả năng làm tăng đường huyết của mẹ trong vòng vài ngày sau khi tiêm

Nhiều mẹ rất lo lắng khi biết đến các tác dụng phụ này khi được phải tiêm thuốc trưởng thành phổi trong thai kỳ. Nhưng mẹ cũng nên nhớ rằng, khi bác sĩ đã chỉ định tiêm thuốc thì có nghĩa là thuốc này thực sự cần thiết và có thể tăng cơ hội sống của con yêu lên rất nhiều. Khi tiêm thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc thật kĩ về liều lượng cũng như thời gian tiêm, và sau khi tiêm thuốc, mẹ và con cũng sẽ được theo dõi liên tục để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xuất hiện.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm