Tài khoản

NHỮNG DINH DƯỠNG CẦN BỔ SUNG TRONG THỜI KỲ TAM CÁ NGUYỆT THỨ 2!

Cửa hàng Bibabo 4 năm trước

Chào mừng mẹ đã gia nhập Bibabo

Cám ơn mẹ đã chọn Bibabo làm người bạn đồng hành trên con đường làm mẹ vừa khó khăn vừa hạnh phúc.

Bibabo đảm bảo rằng mẹ sẽ nhận được những thông tin cực kỳ hữu ích và thú vị hàng ngày thông qua người bạn Trợ lý bầu

Sau đây là thông tin đầu tiên dành cho mẹ - một thông tin hay nhất, cần thiết nhất mà mẹ bầu nào trong giai đoạn "tam cá nguyệt thứ 2" như mẹ cũng cần phải biết.

****************

NHỮNG DINH DƯỠNG CẦN BỔ SUNG TRONG THỜI KỲ TAM CÁ NGUYỆT THỨ 2!

3 tháng giữa thai kỳ là thời gian bé yêu trong bụng mẹ phát triển rất nhanh về mọi mặt. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý về chế độ dinh dưỡng để có thể bổ sung hợp lý nhất, giúp mẹ và bé đều khỏe mạnh. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Bibabo tìm hiểu về nguyên tắc dinh dưỡng trong tam cá nguyệt thứ 2 mẹ nhé.


1. Cân đối dinh dưỡng giữa các nhóm thực phẩm:

Ba tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian thai nhi tăng tốc phát triển. Vì vậy, mẹ bầu trong giai đoạn này cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để đáp ứng được nhu cầu này của em bé. Cụ thể, trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ cần nạp khoảng 2300 - 2500 calo. Trung bình mỗi tháng, mẹ cần tăng thêm 2 - 2,5 kg để đảm bảo sức khỏe cũng như phục vụ cho sự tăng trưởng “thần tốc” của bé yêu.

Theo các Chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu cần cố gắng cân đối giữa 4 nhóm thực phẩm cơ bản sau:

- Nhóm tinh bột: Gạo, mì, ngô, khoai,..

- Nhóm vitamin - khoáng chất và chất xơ: Rau xanh, củ, quả,...

- Nhóm chất đạm: Thịt, cá, trứng, tôm, các loại đậu,...

- Nhóm chất béo: Dầu, vừng, đậu phộng,...

2. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết:

- Axit folic: Axit folic đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp các tế bào máu cho cơ thể, chúng giúp tạo ra các tế bào mới, bao gồm hồng cầu. Thai phụ nếu thiếu lượng lớn axit folic sẽ có nguy cơ sảy thai cao, sinh non, dễ mắc chứng rối loạn tâm thần sau sinh, suy dinh dưỡng bào thai. 


Mẹ có thể tìm thấy Axit folic qua các loại rau như: Rau chân vịt, bông cải, rau diếp, đậu bắp,... cùng các loại đậu  như đậu khô, đậu Hà Lan,... Ngoài ra, các loại trái cây như chuối, dưa gang,... cũng chứa nguồn Axit Folic dồi dào.

- Sắt: Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hồng cầu và cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Nếu mẹ bầu không bổ sung đầy đủ lượng sắt cần thiết sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng hậu sản, băng huyết sau sinh, suy nhược cơ thể... Còn đối với thai nhi, việc thiếu máu, thiếu sắt là yếu tố nguy cơ của suy dinh dưỡng bào thai, non tháng, nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ sau này.


Sắt có nhiều trong các thực phẩm hàng ngày như các loại thịt có màu đỏ, tim, gan, thịt gia cầm, cá, nghêu, hàu, lòng đỏ trứng, các loại đậu, ngũ cốc, các loại rau có lá xanh đậm, bông cải, bí ngô, và trái cây khô.

- Canxi: Nhu cầu canxi trong tam cá nguyệt thứ 2 rơi vào khoảng 1000mg/ngày. Trong thời kỳ có thai, mặc dù cơ thể của mẹ bầu đã phân giải phần nào hợp chất canxi có trong xương và phóng thích vào máu để đáp ứng nhu cầu tăng cao nhưng sự đáp ứng này thường là chưa đủ. Nếu không được đáp ứng đầy đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi không thể tránh khỏi những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này như: hiện tượng chậm phát triển, bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè, dị dạng xương,...

Mẹ có thể bổ sung Canxi qua các thực phẩm như các món hải sản: Tôm, cua, sò, cá,... hoặc qua các loại rau như: Rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây,...

- Kẽm: Bổ sung đầy đủ Kẽm trong thời gian mang thai sẽ giúp mẹ hạn chế được tình trạng mệt mỏi, nghén ngẩm và sinh con nhẹ cân. Việc thiếu kẽm sẽ gây ra các tình trạng khó ăn uống khiến cho mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.


Những thực phẩm giàu kẽm mà mẹ có thể bổ sung như: Hạnh nhân, ngũ cốc, thịt đỏ, thịt gia cầm,...

- DHA: Ở tam cá nguyệt thứ 2 này, mẹ cần tăng tốc chất lượng nguồn DHA cho thai nhi vì não của bé phát triển liên tục và mạnh mẽ nhất với hơn 250.000 tế bào thần kinh hình thành trong mỗi phút. Nếu mẹ không bổ sung đầy đủ DHA trong giai đoạn này sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, tiền sản giật cũng như chứng trầm cảm sau sinh. Đối với thai nhi, hệ thần kinh trung ương và võng mạc mắt của bé sẽ phải chịu tác động nghiêm trọng, khả năng nhận thức - học tập sẽ kém hơn so với những bé cùng trang lứa được bổ sung đầy đủ DHA.


DHA có nhiều trong các loại cá biển (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi,...), lòng đỏ trứng, ngũ cốc,...

3. Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng mẹ bầu cần nhớ:

- Tránh các món tái sống, vì các món ăn không được chế biến kỹ có thể chứa nhiều ký sinh trùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.

- Mẹ bầu cần nói KHÔNG với các loại đồ uống có chứa chất kích thích, đồ uống có cồn.

- Tuyệt đối không được bỏ bữa. 

- Uống đủ nước, ít nhất là 1,5 - 2 lít nước/ngày. 

-----------------------

Hy vọng thông qua bài viết này mẹ bầu đã có câu trả lời về chế độ dinh dưỡng cần thiết trong tam cá nguyệt thứ 2. Bibabo rất muốn nghe mẹ chia sẻ về những thắc mắc trong quá trình làm mẹ. 

Comment ngay dưới đây mẹ nhé.

Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc.

-----------------------

Đọc thêm các thông tin hữu ích khác  TẠI ĐÂY  nhé mẹ

Theo Bibabo.vn