Tài khoản

NÓI DỐI VÀ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG Ở TRẺ - ĐÂU LÀ GIỚI HẠN BỐ MẸ CẦN CAN THIỆP?

Mẹ Sóc Vin 4 năm trước

Xem nhanh

  • Trí tưởng tượng của trẻ “mất dần như thế nào”?
  • “Tưởng tượng và nói dối”: Khi nào cần can thiệp vào những câu chuyện tưởng tượng của trẻ?
  • Làm thế nào để nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ?

Einstein từng nói “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”, trong thời đại mà công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, khái niệm “trí tưởng tượng” lại càng được nhấn mạnh hơn, bởi đến một ngày trí tuệ nhân tạo có thể làm thay con người rất nhiều việc, ngoại trừ “tưởng tượng” và “sáng tạo”

Nuôi dưỡng một đứa trẻ có trí tưởng tượng và sáng tạo là một việc dễ mà khó. Dễ là bởi vì trẻ vốn sinh ra với tính tò mò tự nhiên và khả năng tưởng tượng vô biên. Khó là bởi chính người lớn trong quá trình nuôi dưỡng trẻ đã vô tình “bóp nghẹt” trí tưởng tượng của trẻ vì sợ trẻ nói dối, vì muốn giúp trẻ nhanh chóng nhận thức thế giới, vì mệt mỏi với những tò mò và câu hỏi bất tận của trẻ….

1Trí tưởng tượng của trẻ “mất dần như thế nào”?

Những đứa trẻ dưới 2 tuổi rưỡi hầu hết không nhận thức được sự khác biệt giữa tưởng tượng và sự thật. Vì chưa biết giới hạn của “chiếc hộp”, trẻ dễ dàng “think outside the box” - suy nghĩ vượt khỏi những lối mòn giới hạn và với chúng dường như không có điều gì là không thể. Vì còn chưa nhận thức, hiểu biết thế giới đầy đủ, tư duy logic chưa phát triển mạnh, trẻ buộc phải thử nghiệm mọi cách để khám phá thế giới và giải quyết những vấn đề mà chúng gặp phải. Nếu một đứa trẻ 4 tuổi muốn lấy bánh từ trên chỗ cao, trẻ sẽ bắc ghế vì biết cách này hiệu quả. Nhưng một đứa trẻ 2 tuổi có thể sẽ thử trèo hay xếp chồng hết đống sách truyện, đồ chơi và thú bông để thử đứng lên cao, vì chúng chưa biết cách gì sẽ hiệu quả nên buộc phải sáng tạo những cách khác, thử và sai.

Theo giáo sư Susan Engel, tác giả của cuốn sách “Real Kids: Creating Meaning in Everyday Lives” những đứa trẻ trên 2 tuổi rưỡi đã nhận thức được khoảng cách giữa tưởng tượng và thực tế nhưng từ 3-7 tuổi, trẻ vẫn có những mơ hồ nhất định giữa thực và ảo, như tin vào ông già Noel hay nàng tiên răng. Dù biết đến ranh giới này, chúng vẫn thích chơi những trò chơi đóng vai, tận dụng mọi cơ hội để tưởng tượng và sáng tạo. Khi chơi, chúng dường như quên mất khoảng cách giữa thực và ảo, thế giới thật và tưởng tượng.

2“Tưởng tượng và nói dối”: Khi nào cần can thiệp vào những câu chuyện tưởng tượng của trẻ?

Trẻ bắt đầu có thể nói dối từ khoảng 2 tuổi vì trẻ biết rằng bạn không thể biết hết được mọi chuyện và đôi khi, chỉ đơn giản là trẻ muốn tránh khỏi những rắc rối mỗi khi bị căn vặn “Có phải con làm vỡ cốc không?” từ bố mẹ mà thôi. Từ 5 tuổi trở lên, những lời nói dối của trẻ có thể rất thuần thục, phối hợp cả với âm điệu, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể.

Vì trẻ vẫn có sự mơ hồ giữa thật và ảo trong giai đoạn 3-7 tuổi nên chúng thường tưởng tượng những câu chuyện và cố gắng đưa chúng vào đời sống thực mà đôi khi người lớn cho rằng hoang tưởng, nói dối và phạt trẻ vì điều đó.

Minh chứng rõ ràng cho những câu chuyện tưởng tượng này chính là trong cuốn sách “Olivia cứu tinh của rạp xiếc”, bố mẹ có thể thấy hình dáng của con mình trong cô bé Olivia khi cô bé hào hứng kể câu chuyện về kì nghỉ hè và cứu tinh của rạp xiếc như thế nào. Khi thầy giáo hỏi đi hỏi lại cô bé vẫn tự tin khẳng định là thật bởi vì sự mơ hồ giữa thực và ảo này, cô bé thực sự mong điều đó xảy ra. Những tưởng tượng này của Olivia hoàn toàn vô hại nên chúng ta có thể chọn cách cư xử như thầy giáo, chỉ đơn giản là im lặng bỏ qua để nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho cô bé.

Nhưng người lớn nên “vạch trần” những lời nói dối của trẻ và xử lí thích đáng khi:

1️. Trẻ nói dối để lấy đồ của người khác và không tỏ ra hối lỗi

2️. Trẻ nói dối và có ít bạn, có vấn đề về hành vi như bạo lực, gây nguy hiểm cho mọi người bản thân và đồ vật, phá hoại….

3Làm thế nào để nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ?

Có lẽ không phải tất cả các bố mẹ đều muốn có một đứa con giàu trí tưởng tượng, vì đôi khi những mơ mộng và tưởng tượng của trẻ mang đến rất nhiều rắc rối. Nhưng hãy nghĩ đến con số 50% nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất vào năm 2050, trí tuệ nhân tạo đã có thể tự nghiên cứu và phát minh, thời đại của con cái chúng ta chính là thời kì mà trí tưởng tượng hay sự sáng tạo là một trong những kĩ năng quan trọng nhất để trẻ có thể tồn tại và thích nghi. Vì thế, hãy nuôi dưỡng và khuyến khích trí tưởng tượng, sáng tạo ở trẻ bằng một số gợi ý như sau:

Tặng con đồ chơi sáng tạo

Hãy mua cho trẻ những món đồ chơi sử dụng được nhiều cách, nhiều lần, là nguyên liệu để trẻ sáng tạo như các khối gỗ xây lâu đài, mô hình con vật, đồ nghề bác sĩ, nấu ăn, xếp hình lego…. Những đồ chơi này mỗi lần trẻ có thể chơi theo một cách khác nhau và khuyến khích trẻ sáng tạo ra nhiều thứ từ những nguyên liệu có sẵn, nhất là trò chơi tưởng tượng đóng vai như làm sở thú, bác sĩ, đầu bếp…

Và quan trọng hơn, hãy cho trẻ một không gian an toàn với những đồ chơi an toàn, nơi mà bạn có thể tự tin để trẻ tưởng tượng, thỏa sức chơi trong đó mà không phải lo lắng con bị hóc, bị thương…. và can thiệp thường xuyên. Trẻ cần có không gian và chất liệu để sáng tạo.

Thời gian nhàm chán và tự chơi

Nhiều đứa trẻ hiện nay quá bận rộn với lịch trình đi học ở trường rồi các lớp năng khiếu, học thêm…nên chẳng còn thời gian cho tưởng tượng và sáng tạo. Trẻ cần có những khoảng thời gian nhàm chán, những lúc mà chúng chẳng biết phải làm gì, bạn cũng không cần bày trò cho trẻ mà để trẻ phải nghĩ cách để tự giải trí, chơi tự do, đó là những lúc trí tưởng tượng của trẻ sẽ phát huy cao độ. Đương nhiên, để thực hiện điều này, bố mẹ cần hạn chế thời gian cho trẻ xem thụ động tivi, ipad, điện thoại, luôn có sẵn các nguyên liệu có thể sáng tạo và chấp nhận sự bày bừa của trẻ.

Chơi đóng vai

Trẻ thích nhất là được chơi đóng vai mẹ, đầu bếp, bác sĩ… với bạn nhưng ở nhà mẹ cũng có thể chơi những trò này với bé. Bạn hãy cố nghĩ ra thật nhiều tính huống bệnh tật để bác sĩ bé phải nghĩ cách chữa trị hợp lí, những đòi hỏi của con cái để nhân vật mẹ phải đáp ứng…. Quá trình này vừa khuyến khích bé học về cuộc sống, kĩ năng xã hội và phát triển khả năng ngôn ngữ, bên cạnh trí tưởng tượng.

Chơi cát, nước, bùn

Trẻ có thể làm mọi thứ trên đời với cát, nước và bùn, từ đào hố, đào mương, xây nhà, xây hang, làm bánh, làm bếp nướng, bể bơi…. từ trí tưởng tượng vô tận của mình. Vì thế, mỗi cuối tuần hãy tận dụng cơ hội cho trẻ đến sân chơi cát hay được chơi nước trong nhà tắm, ban công, sân vườn nhé!

Hỏi đáp tình huống và đọc sách sáng tạo

Câu hỏi đơn giản nhất để kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ là “nếu...thì”. Khi trẻ đưa cho bạn 1000 câu hỏi vì sao mỗi ngày, thay vì trả lời ngay, hãy hỏi lại xem trẻ nghĩ thế nào. Nếu trẻ hỏi “Vì sao núi lại có đá?” hãy bảo trẻ đoán thử xem “nếu núi không có đá thì nên có gì, núi sẽ ra sao”. Việc này vừa giúp bố mẹ đỡ đau đầu với những câu hỏi củ chuối của trẻ, vừa cho trẻ không gian để tưởng tượng, suy nghĩ.

Khi đọc sách cho trẻ, bố mẹ hãy thử hỏi trẻ những câu hỏi tại sao, nghĩ cái kết khác cho câu chuyện, nếu bạn này không làm thế này mà làm thế kia thì chuyện gì sẽ xảy ra… Cách này đặc biệt hiệu quả chống nhàm chán khi trẻ đòi đọc đi đọc lại một cuốn sách nhiều lần.

Để trẻ tự đưa ra phương án và thử nghiệm

Như đã nói ở trên, vì thiếu khả năng nhận thức và logic nên khi gặp một tình huống mà chưa biết cách nào giải quyết hiệu quả, trẻ sẽ nghĩ ra thật nhiều cách và cố gắng thử những cách này. Vì thế, dù trong mắt người lớn, những cách này thật ngớ ngẩn thì bạn cũng đừng vội ngăn cản những thử nghiệm này của trẻ, hãy để trẻ thử và sai, hiện thực những tưởng tượng của mình để tiếp tục suy nghĩ xem nên làm thế nào (dù bố mẹ sẽ phải chấp nhận mất thời gian chờ đợi và dọn dẹp đống bày bừa, chấp nhận ngồi im nhìn con làm mà chắc chắn sẽ thất bại - một cảm giác thật chẳng dễ chịu chút nào khi chúng ta luôn muốn giúp con, muốn con nhanh chóng học được điều này điều kia).

Thử và sai là cách học khiến trẻ nhớ lâu nhất và hiệu quả nhất. Đôi khi, bố mẹ còn nên khuyến khích trẻ tự suy nghĩ, giải quyết và thử nghiệm, biết đâu lại có sáng kiến bất ngờ.

Chuẩn bị sẵn kho nguyên liệu thủ công

Hãy chuẩn bị cho bé sẵn một hộp giấy có đầy đủ các nguyên liệu để có thể tự làm thủ công như kéo, giấy màu, băng dán, màu vẽ, que kem, lõi giấy vệ sinh…. Mỗi khi có một ý tưởng nào đó trẻ có thể thực hiện ngay và bày bừa với những nguyên liệu này.

Vẽ không cần thành hình

Một trong những “dấu hiệu” để bố mẹ nhìn nhận khả năng sáng tạo của trẻ chính là thông qua những bức vẽ. Nhưng người lớn lại thường đánh giá trẻ qua bức vẽ như không ra hình người, hình vật, vẽ cái này phải thế này thế kia, cái này phải màu này màu kia…. Những bức tranh là nơi trẻ sáng tạo và thể hiện trí tưởng tượng của mình, sự vật đâu nhất thiết phải đúng hình dạng nhận biết như ngoài đời thường đâu? Và còn có những trường phái tranh trừu tượng cơ mà, hãy cho là bé đang đi theo trường phái ấy đi. Bố mẹ chỉ cần lắng nghe trẻ kể về bức tranh của chúng và tán thưởng, khuyến khích trẻ sáng tạo thôi.

Nuôi dưỡng một em bé sáng tạo, tràn ngập trí tưởng tượng và năng lượng là một hành trình tốn rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn, công sức dọn dẹp và cả những cơn đau tim khi nhìn con làm mà mình biết chắc là chúng sẽ thất bại, hay thậm chí còn có thể bị những vết thương nho nhỏ nhưng phần thưởng lại cực kì ngọt ngào, đó chính là những đứa trẻ luôn tràn ngập năng lượng, sự tự tin và niềm vui như Olivia - cô bé có khả năng khiến mọi người và chính mình mệt lử mệt lả.

(Tài liệu tham khảo từ: Brighthorizons, Parents, Scarymommy)
St...


Theo Bibabo.vn