Tài khoản

Nguyên nhân và cách xử lý đúng đắn khi bé 3 tuổi bị chảy máu cam

Nguyen Thi An 4 năm trước

Trẻ nhỏ rất dễ bị chảy máu cam và hầu hết tình trạng này không gây nguy hiểm nhưng lại khiến các bậc phụ huynh hết sức hoang mang. Nếu như bé 3 tuổi bị chảy máu cam thường xuyên sẽ gây mất máu nhiều và tăng nguy cơ u xơ vòm mũi họng. 

Chảy máu mũi được chia thành 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau. Những trẻ 3 tuổi bị chảy máu cam mũi trước chiếm khoảng 90%. Trong đó phần lớn các nguyên nhân là do chấn thương cục bộ (ngoáy mũi, day mũi chạm đến mạch máu), và còn lại những trường hợp chảy máu mũi sau do bệnh lý viêm mũi, viêm xoang nặng gây ra.

Nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị chảy máu cam

Do va chạm gây tổn thương vách ngăn mũi: Phần lớn các trường hợp trẻ bị chảy máu cam là do những tổn thương xảy ra ở màng vạch vách ngăn mũi. Các bé vận động nhiều và chẳng may va chạm vào đồ chơi, đụng vào người bạn khác sẽ dễ gây ra tình trạng này.

Do thời tiết: Nếu như thời tiết khô hanh thì mũi của trẻ cũng rất dễ bị nứt nẻ từ bên trong do màng  nhầy không đủ cung cấp. Lúc này, vách ngăn mũi sẽ giảm độ co giãn và vô cùng nhạy cảm khi con vô tình dụi mũi, móc mũi cũng có thể gây ra vỡ mạch máu.

Thiếu dưỡng chất: Trẻ 3 tuổi bị chảy máu cam có thể là do con bị thiếu vitamin C – một loại vitamin giúp con tăng cường miễn dịch trước các bệnh truyền nhiễm. Nếu con không nhận đủ lượng Vitamin  cần thiết sẽ dễ khiến vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp và gây ra tình trạng chảy máu cam.

Trẻ bị nóng trong người: Nếu trẻ thường xuyên được mẹ tẩm bổ, ăn nhiều thịt cá mà lại ít rau củ sẽ phát sinh nhiệt cho cơ thể. Tình trạng trẻ nóng trong người chảy máu cam sẽ được cải thiện nhanh chóng bằng cách cho con uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây.

Viêm mũi: Bệnh viêm mũi ở trẻ sẽ gây ra những tổn thương nhất định đến thành mạch máu, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch. Vậy nên có đôi khi trong nước mũi của bé có kèm theo máu là do nứt các mạch máu nhỏ bên trong mũi do tác động nhẹ từ bên ngoài.

Trẻ bị u mũi: U mũi có dấu hiệu ban đầu là chảy máu cam, đây có thể là hiện lành tính và cũng có thể là ác tính nhưng chủ yếu khối u lành tính. Tuy nhiên bố mẹ của bé cũng nên có sự kiểm tra cẩn thận cho bé để bác sỹ có thể chẩn đoán và điều trị cho bé.

Sơ cứu cho trẻ bị chảy máu cam đúng cách

Khi trẻ 3 tuổi bị chảy máu cam, hầu hết máu sẽ ngừng chảy trong vòng 15 – 20 phút sau nếu bố mẹ biết cách cầm máu đúng cách. Cơ bản những điều bố mẹ cần thực hiện là:

  • Để trẻ tự xì mũi hoặc xì mũi giúp con thật nhẹ nhàng để loại bỏ phần máu đông đã hình thành bên trong mũi. Mặc dù lượng máu chảy sẽ nhiều hơn một chút nhưng sau đó máu sẽ không xuất hiện nữa.
  • Bố mẹ đặt con ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước để máu không bị chạy xuống họng. Tuyệt đối bố mẹ không nên cho trẻ nằm hay ngả đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.
  • Nên nhẹ nhàng dùng ngón trỏ và ngón cái để bóp chặt hai bên cánh mũi con để cầm máu, mẹ có thể yêu cầu bé thở bằng miệng trong vòng 30s.
  • Sau đó mẹ nên dùng túi đá chườm lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá để làm chậm quá trình tụ máu.

Các biện pháp phòng ngừa chảy máu cam

Ở lứa tuổi càng nhỏ và càng năng động thì con sẽ dễ gặp phải những tổn thương gây chảy máu hơn. Để phòng tránh triệu chứng chảy máu cam ở trẻ, bố mẹ cần lưu ý:

  • Bố mẹ nên sắp xếp lịch sinh hoạt cho bé cụ thể, ăn uống đủ bữa và ngủ đủ giấc để tăng cường đề kháng trước bệnh tật.
  • Vào mùa khô hanh, mẹ có thể làm ẩm niêm mạc mũi bằng kem làm ẩm hoặc nước muối sinh lý.
  • Không cho trẻ uống đồ nóng, thức ăn nóng hay tắm nước nóng và bổ sung đầy đủ các loại Vitamin, đặc biệt là vitamin C.
  • Nên rửa mũi cho trẻ mỗi tuần/1 lần để mũi con sạch sẽ, không có vi khuẩn và đảm bảo lượng chất nhầy được cân bằng bảo vệ hệ hô hấp.
  • Bố mẹ nên dạy trẻ 3 tuổi cách tự bảo vệ bản thân và vui chơi cẩn thận để không bị tổn thương.

Nguồn: conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn