Tài khoản

Những biến chứng thai kỳ thường gặp mẹ bầu cần biết (Phần 1)

Thùy Linh 4 năm trước 8 bình luận

Biến chứng thai kỳ là tình trạng ít gặp nhưng tương đối nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. 

Xem nhanh

  • Thai ngoài tử cung
  • Sảy thai
  • Tiểu đường thai kỳ

Hầu hết các trường hợp biến chứng thai kỳ nếu được hỗ trợ điều trị kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều, mẹ và bé đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, mẹ bầu cần nắm chắc những kiến thức về một số loại biến chứng thai kỳ thường gặp nhất, từ đó có biện pháp phòng tránh và xử lý đúng đắn nhất. Bài viết này hi vọng cung cấp thêm cho mẹ bầu thông tin về những biến chứng này. 

Những biến chứng thai kỳ nếu không được điều trị kịp thời rất nguy hiểm tới sức khỏe của mẹ và thai nhi (Ảnh: Internet)

1Thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng được thụ tinh và làm tổ bên ngoài tử cung (ống dẫn trứng, vết sẹo sinh mổ cũ, cổ tử cung,...) thay vì bên trong tử cung như mang thai thông thường. Cứ 100 mẹ thì có 2 mẹ bầu gặp phải biến chứng này. Và kết thúc thai kỳ là lựa chọn duy nhất. 

Thai ngoài tử cung rất nguy hiểm, mẹ dễ mất thai (Ảnh: Internet)

Mẹ bầu từ 35 tuổi trở lên, mẹ bầu từng có tiền sử mang thai ngoài tử cung, mẹ bầu bị lạc nội mạc tử cung hoặc mẹ bầu từng phẫu thuật ống dẫn trứng sẽ dễ mang thai ngoài tử cung hơn những mẹ bầu khác. 

Khám thai là cách chính xác nhất để phát hiện tình trạng này. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy đau bụng hoặc đau vùng chậu ở một bên, chảy máu âm đạo bất thường, đau vai hoặc có dấu hiệu bị sốc (mạch yếu, chóng mặt, ngất xỉu, da nhợt nhạt) thì rất có thể mẹ đang mang thai ngoài tử cung, hãy đi khám bác sĩ ngay nhé.

2Sảy thai

Sảy thai là tình trạng thai hỏng, mất thai trong 20 tuần đầu của thai kỳ. Trong đó, 50 - 70% số ca sảy thai là do bất thường nhiễm sắc thể trong phôi thai gây ra.  

Sảy thai thường sảy ra trong 20 tuần đầu thai kỳ, mẹ bầu hết sức cẩn thận (Ảnh: Internet)

Những nguyên nhân gây sảy thai phổ biến nhất có thể kể đến như tuổi của mẹ từ 40 tuổi, mẹ có tiền sử sảy thai trước đó, mẹ bị bệnh mãn tính hoặc mắc các rối loạn nội tiết tố, tử cung mẹ yếu hoặc ngắn bất thường, mẹ sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, caffein hoặc bổ sung thực phẩm không đúng cách; mẹ dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ dẫn tới sảy thai,...

Khi mẹ bầu sảy thai, đau bụng và chảy máu âm đạo là hai dấu hiệu phổ biến và rõ ràng nhất. Do vậy, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, nếu thấy những dấu hiệu này bất thường, mẹ nên đi khám để được kiểm tra sức khỏe. 

3Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ hiểu đơn giản là bệnh lý khi lượng đường trong máu của mẹ quá cao. Khi kết thúc thai kỳ, mặc dù chứng tiểu đường sẽ giảm dần nhưng mẹ bầu sẽ dễ bị mắc tiểu đường tuýp 2 sau này. 

Tiểu đường thai kỳ nếu được điều trị kịp thời sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của mẹ và thai (Ảnh: Internet)

Khoảng 5 - 10% phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu thừa cân, mẹ bầu mắc hội chứng buồng trứng đa nang, mẹ bầu có tiền sử bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước hoặc có người thân từng bị tiểu đường,... sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn những người khác. Thói quen ăn nhiều đồ ngọt, nhiều dầu mỡ,... trong thai kỳ cũng là một lý do quan trọng làm tăng khả năng mẹ bầu mắc bệnh lý này. 

Tiểu đường thai kỳ rất khó để phát hiện vì nó không có triệu chứng rõ ràng nào. Khi thai được 24 - 28 tuần, mẹ bầu sẽ được đặt lịch tiến hành xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ. Lúc này, phần lớn mẹ bầu mới biết mình có mắc tiểu đường thai kỳ hay không. 

Nếu bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu không cần lo lắng. Mẹ chỉ cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh (ăn nhiều rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc,... để giải phóng lượng đường trong máu), cộng thêm chế độ luyện tập đúng đắn để giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể,... Sau một thời gian, tùy theo chế độ sinh hoạt và luyện tập, lượng đường trong máu mẹ bầu sẽ trở về mức bình thường, đảm bảo cho mẹ và bé khỏe mạnh mà không gây nhiều vấn đề về sức khỏe.

Những biến chứng thai kỳ nguy hiểm hơn sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết sau. Các mẹ muốn biết thêm thông tin về biến chứng nào thì comment nhé, mình sẽ tìm và chia sẻ cùng các mẹ. 

Mời các mẹ đón đọc Phần 2!

Theo Bibabo.vn