Tài khoản

Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì dễ thụ thai?

Kim Chi 4 năm trước

Độ dày niêm mạc tử cung ảnh hưởng nhiều đến khả năng thụ thai ở phụ nữ. Niêm mạc tử cung quá mỏng có thể dẫn tới tình trạng hiếm muộn.

Xem nhanh

  • Niêm mạc tử cung là gì? 
  • Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường?
  • Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì dễ thụ thai? 
  • Phụ nữ niêm mạc tử cung mỏng phải làm sao để dễ thụ thai? 
  • Phụ nữ niêm mạc tử cung dày phải làm sao để dễ thụ thai? 

Trong một chu kỳ kinh nguyệt, niêm mạc tử cung ở phụ nữ sẽ dày dần lên bắt đầu từ ngày đèn đỏ đến thời kỳ hình thành nang trứng, trứng rụng và sau khi trứng rụng. 

Vậy niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì dễ thụ thai. Mời ba mẹ tham khảo bài viết này nhé. 

1Niêm mạc tử cung là gì? 

Niêm mạc tử cung hay còn gọi là nội mạc tử cung là cụm từ dùng để chỉ lớp phủ toàn bộ mặt trong của tử cung. 

Niêm mạc tử cung có hai phần: 

  • Nội mạc dưới đáy: Mỏng, độ dày không thay đổi. 

  • Nội mạc tuyến: Độ dày thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. 

Niêm mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng thụ thai (Ảnh: Internet)

2Niêm mạc tử cung bao nhiêu là bình thường?

Độ dày mỏng của nội mạc tuyến chịu tác động của sự tăng hoặc giảm nồng độ hormone nội tiết tố nữ trong từng thời điểm của chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể: 

  • Trong ngày đèn đỏ: Niêm mạc tử cung mỏng nhất, dưới 3mm. 

  • Sau ngày đèn đỏ: Niêm mạc tử cung dày khoảng 3 - 4mm. 

  • Khoảng ngày rụng trứng: Niêm mạc tử cung dày khoảng 8 - 12mm. 

  • Sau ngày rụng trứng, trước ngày đèn đỏ tiếp theo: Niêm mạc tử cung dày khoảng 12 - 16mm.

Nếu mẹ thụ thai thành công, lớp niêm mạc tử cung sẽ ngày càng dày lên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phôi thai phát triển. Nếu mẹ không thụ thai thành công, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra và gây chảy máu, tạo thành ngày đèn đỏ. 

Niêm mạc tử cung dày trên 20mm là tình trạng tử cung bất thường, khó thụ thai. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ đang gặp một số vấn đề bệnh lý như đa nang buồng trứng, rối loạn phóng noãn hay vô kinh hoặc rong kinh,...

Niêm mạc tử cung dày 8 - 12mm trong khoảng ngày rụng trứng có khả năng thụ thai cao nhất (Ảnh: Internet)

3Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì dễ thụ thai? 

Độ dày niêm mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ thai và cũng như nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Vậy niêm mạc tử cung dày bao nhiêu là dễ thụ thai nhất? 

Độ dày lí tưởng của niêm mạc tử cung dễ thụ thai nhất là vào khoảng ngày rụng trứng, khi niêm mạc dày từ 8 - 12mm. Vào thời điểm này, trứng gặp tinh trùng và thành hợp tử. Hợp tử di chuyển qua ống dẫn trứng vào bên trong tử cung, gặp môi trường niêm mạc tử cung dày lí tưởng (8 - 12mm) để làm tổ, phát triển thành thai nhi khỏe mạnh. 

Niêm mạc tử cung mỏng dưới 8mm hoặc quá dày trên 12mm đều có khả năng thụ thai thấp hơn rất nhiều. Đây không phải thời điểm thích hợp để quan hệ và săn bé. 

Ba mẹ nên săn bé vào khoảng ngày rụng trứng (Ảnh: Internet)

4Phụ nữ niêm mạc tử cung mỏng phải làm sao để dễ thụ thai? 

Phụ nữ niêm mạc tử cung quá mỏng là trường hợp niêm mạc tử cung mỏng hơn 8mm. Phụ nữ trong trường hợp này gặp nhiều khó khăn trong quá trình thụ thai và thai nhi làm tổ ở tử cung. 

Tại sao lại vậy? Lớp niêm mạc tử cung mỏng quá mức không đủ khả năng giữ thai nhi lại. Thai nhi càng phát triển, khả năng sảy thai hoặc thai chết lưu càng cao do tử cung dễ bị bong ra, thai dễ bóc tách. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ niêm mạc tử cung mỏng như việc nạo phá thai quá nhiều khiến niêm mạc tử cung bị tổn thương, thiếu máu kéo dài hoặc thiếu hụt nội tiết tố estrogen,... Tùy theo nguyên nhân của tình trạng này, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau, phù hợp với cơ thể của từng người. 

5Phụ nữ niêm mạc tử cung dày phải làm sao để dễ thụ thai? 

Phụ nữ niêm mạc tử cung dày là trường hợp niêm mạc tử cung dày hơn 20mm. Phụ nữ trong trường hợp này cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thụ thai và thai nhi làm tổ. 

Cụ thể, lớp niêm mạc tử cung quá dày khiến thai nhi rất khó làm tổ. Lượng hormone estrogen được sản xuất ra nhiều ở phụ nữ có niêm mạc tử cung dày sẽ gây hiện tượng đa nang buồng trứng, rối loạn phóng noãn,... ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ thai. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng niêm mạc tử cung dày như béo phì, đa nang buồng trứng hoặc sử dụng liên tục các thuốc chứa estrogen nhưng không kèm theo progesterone. 

Trong trường hợp này, bác sĩ có thể tiến hành điều trị bằng hormone để tạo sự cân bằng estrogen và protesterone, giúp tăng khả năng thụ thai. 

Lời khuyên cho mẹ, nếu hai vợ chồng quan hệ đều đặn nhưng 1 năm vẫn không có bé, hãy đi khám cả hai vợ chồng để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt nhé. Chúc mẹ sớm có tin vui. 

Theo Bibabo.vn