Tài khoản

Phòng tránh bệnh rubella ở trẻ em và mẹ bầu

ℳẸ BẮP☘ XOÀI 5 năm trước

PHÒNG TRÁNH BỆNH RUBELLA Ở TRẺ EM VÀ MẸ BẦU


Bệnh Rubella thường xuất hiện vào mùa đông xuân và đối tượng phổ biến của nó là trẻ em. Vì thế để chăm sóc tốt cho bé, bố mẹ hãy cùng CYCM trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về bệnh Rubella ở trẻ em để có biện pháp phòng tránh và điều trị hiệu quả.


 1. RUBELLA (BỆNH SỞI ĐỨC) LÀ BỆNH GÌ?


Bệnh Rubella do virus gây ra và rất dễ truyền nhiễm qua đường hô hấp. Bệnh Rubella đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và có thể gây nên những tổn hại nghiêm trọng như điếc, dị tật mắt ảnh hưởng thị lực. Nguy hiểm hơn là các bệnh liên quan đến tim, não bộ khiến trẻ chậm phát triển thể lực và cả trí tuệ, ngoài ra trẻ cũng có nguy cơ gặp nhiều vấn đề ở gan, tủy xương và lá lách.


 2. NGUYÊN NHÂN BỆNH RUBELLA?


Bệnh nhân Rubella có nguy cơ truyền bệnh cao nhất 1 tuần trước khi phát ban và 1 tuần sau đó. Người bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng cũng dễ lây lan. Bé bị hội chứng Rubella bẩm sinh có thể mang virus trong nước tiểu, dịch mũi và cổ họng trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn và truyền bệnh cho người chưa được tiêm phòng.


 3. TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP?


Bé có thể không có triệu chứng nào khi mắc bệnh Rubella. Thông thường, bệnh phải mất từ 2 đến 3 tuần sau khi phơi nhiễm mới có triệu chứng.


 4. CÁC BIỂU HIỆN TRIỆU CHỨNG BỆNH RUBELLA Ở TRẺ EM:


- GIAI ĐOẠN Ủ BỆNH:


Đây là giai đoạn trẻ mới tiếp xúc với nguồn bệnh, thường kéo dài khoảng 12-23 ngày. Giai đoạn này, bé chưa có biểu hiện bệnh rõ rệt dù đó nhiễm virus Rubella.


- GIAI ĐOẠN PHÁT BỆNH:


Một số biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn này như sau, bé có dấu hiệu sốt kèm theo cơ thể mệt mỏi, nhức đầu hay quấy khóc, đau họng, chảy nhiều nước mũi, dịch trong, đôi khi cũng xuất hiện mắt đỏ. Ban bắt đầu nổi từ mặt sau đó phát ban lan rộng ra toàn thân. Khác với bệnh tay chân miệng lòng bàn tay, bàn chân của bé không có ban. Ban phát thành từng đốm, dát sần. Một số trường hợp bé cũng bị nổi hạch sau tai, khớp tay khớp chân bị đau. Những bé nhỏ thường có biểu hiện bệnh nặng hơn bé lớn.


- GIAI ĐOẠN KHỎI BỆNH:


Bệnh phát và kéo dài khoảng 2-4 ngày rồi sau đó tự khỏi. Một số triệu chứng như đau khớp, mệt mỏi có thể kéo dài hơn do cơ thể chưa thực sự hồi phục. Nhìn chung bệnh Rubella là một bệnh không nguy hiểm, sau khi mắc bệnh Rubella lần đầu bé sẽ không mắc trở lại và có khả năng miễn dịch suốt đời. Khi bé có những dầu hiệu khởi phát bệnh, ba mẹ cần nhanh chóng phát hiện và điều trị dứt điểm các triệu chứng của bệnh. Khi bệnh bé sẽ khó chịu, quấy khóc và bỏ ăn, bỏ bú dẫn đến sụt cân, giảm sức đề kháng. Diễn biến bệnh kéo dài bất thường có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Tốt nhất khi phát hiện những bất thường ở bé, bố mẹ nên cho bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.

 5. LÀM SAO ĐỂ PHÒNG NGỪA BỆNH RUBELLA Ở TRẺ EM?


Có thể phòng tránh Rubella bằng vắc xin. Các Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng Rubella đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lây lan, giúp ngăn ngừa những dị tật bẩm sinh do hội chứng Rubella bẩm sinh gây nên. Vắc xin Rubella thường nằm trong Chương trình tiêm chủng MMR (phòng bệnh sởi, quai bị và Rubella). Trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi được tiêm mũi MMR thứ nhất. Mũi thứ hai được áp dụng từ 4 - 6 tuổi, và không quá 11 - 12 tuổi. Vắc xin Rubella không dành cho phụ nữ có thai hoặc người có thể thụ thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm. Hãy thử máu để biết chắc là cơ thể đã miễn dịch đối với virus Rubella trước khi mang thai. Nếu không, hãy tiêm phòng trước khi mang bầu ít nhất 1 tháng. Những thai phụ chưa được chủng ngừa cần cách ly với bệnh nhân và tiêm phòng sau khi sinh để chuẩn bị cho lần mang thai sau.


 6. ĐIỀU TRỊ BỆNH RUBELLA (SỞI ĐỨC)


- Các triệu chứng bệnh khá mờ nhạt nên phải hết sức chú ý chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh khác có triệu chứng tương tự. Chẩn đoán xác định khi cần thiết được thực hiện bằng cách phân ly virus từ bệnh phẩm phết họng hoặc xét nghiệm tìm kháng thể chống virus trong máu. Bệnh Rubella là một bệnh lành tính, không có biến chứng nguy hiểm nên có thể để bệnh nhân tại nhà để chăm sóc.


- Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng: cho người bệnh ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây. Người bệnh cần được vệ sinh mũi họng (nhỏ mũi và súc họng) hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý Nếu nhức đầu nhiều hoặc đau khớp có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau. Đối với trẻ nhỏ cần giặt khăn bằng nước ấm lau mình mẩy hàng ngày cho bé.


 7. KHI NÀO BẠN CẦN GẶP BÁC SĨ?


Bạn cần đi khám hoặc đưa trẻ đến bệnh viện khi bạn thấy bạn hoặc trẻ bị phát ban hoặc có bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Khi mang thai, bạn sẽ được bác sĩ phụ sản cho xét nghiệm Rubella và tiêm vắc xin khi cần. Tuy vậy, nếu bạn có thai hoặc nghĩ mình đang mang thai và đồng thời phát hiện có triệu chứng của Rubella, bạn phải nhập viện ngay lập tức để bác sĩ theo dõi.


Hy vọng những chia sẻ của CYCM sẽ giúp cho bố mẹ có thêm kiến thức về bệnh Rubella  để từ đó có cách phòng tránh một cách tốt nhất cho bé và gia đình. Nếu có lo lắng hay có những vấn đề cần tư vấn đừng ngại chia sẻ cùng nhau nhé!

Theo Bibabo.vn