Tài khoản

Quy trình sàng lọc trước sinh - Những điều cần biết

Mẹ Sóc Vin 4 năm trước


Cảm ơn  Ths. Bs Nguyễn Ngọc Tú đã chia sẻ bài viết này. Mình thấy rất hữu ích nên chia sẻ lại lên đây để các mẹ cùng tham khảo kiến thức nhé.

(Bài viết hơi dài, mẹ nào muốn tóm tắt có thể kéo xuống dưới cùng để đọc và nắm bắt thông tin. Mặc dù vậy, bài rất chi tiết và tỉ mỉ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về SÀNG LỌC TRƯỚC SINH, rất khuyến khích các mẹ nên đọc bài). 

-----

Trong vài thập kỷ gần đây, sàng lọc trước sinh là một phần quan trọng trong công tác chăm sóc và quản lý thai nghén. Nó giúp cho việc phát hiện các nguy cơ đối với thai nhi và cách giải quyết các nguy cơ đó.

Trên thế giới, việc áp dụng một chương trình sàng lọc trước sinh đã trở nên thống nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chương trình sàng lọc trước sinh không được thống nhất vì nhiều lý do khác nhau. Điều đó làm giảm tỷ lệ phát hiện dị tật và làm tăng tỷ lệ phát hiện muộn hay bỏ sót đối với những trường hợp này. Điển hình là chỉ định làm xét nghiệm Double Test và Triple Test.

  • Double test: Là xét nghiệm máu định lượng ra 2 chất bao gồm beta hCG tự do và PAPP-A, cũng nhằm mục đích phát hiện ra các bệnh trên trừ dị tật ống thần kinh (vì không định lượng AFP). Xét nghiệm này được làm từ 11- 13 tuần 6 ngày (quý 1). Cùng thời điểm đo khoảng sáng sau gáy (phần quan trọng nhất trong sàng lọc trước sinh)
  • Triple test: Đó là xét nghiệm máu định lượng bộ ba chất bao gồm AFP, hCG và uE3. Xét nghiệm này được thường thực hiện ở tuần 15 - tuần 18 (quý 2) nhằm phát hiện ra nguy cơ của thai nhi với một số bệnh như Trisomi 21 (3 nhiễm sắc thể 21 - bệnh Down), Trisomi 18 (3 nhiễm sắc thể 18), Trisomy 13 (3 nhiễm sắc thể 13) và dị tật ống thần kinh (thông qua chất AFP).

Hiện nay, rất nhiều người cho rằng sau khi đo độ mờ da gáy, nếu kết quả bình thường, thì không cần phải làm xét nghiệm gì trong số 2 loại xét nghiệm trên. Hơn nữa, việc đo độ mờ da gáy được thực hiện bởi những người không được tập huấn kỹ, không tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm khắc, dẫn đến kết quả sai lệch nhiều.

Do vậy, xin đưa ra bảng (trích dẫn trong tạp chí Prenatal diagnosis) để nói lên tầm quan trọng của việc làm các xét nghiệm này:

Cách thức sàng lọc - Tỷ lệ phát hiện bệnh Down (%) - Tỷ lệ dương tính giả (%):

  • Dựa vào tuổi mẹ - 30% - 5%
  • Tuổi mẹ + đo độ mờ da gáy (NT) - 75-80% - 5%
  • Tuổi mẹ + beta hCG và PAPP-A (double test) - 60-70% - 5%
  • Tuổi mẹ + double test + NT - 85-95% - 5%
  • Tuổi mẹ + double test + NT + đánh giá một số chỉ tiêu siêu âm quý I - 93-96% - 2.5%
  • Tuổi mẹ + AFP, hCG và uE3 (triple test) - 60-65% - 5%
  • Tuổi mẹ + triple test + chất inhibin A trong máu mẹ- 65-70% - 5%
  • Tuổi mẹ + AFP, beta hCG, uE3 và inhibin A (quadruple test) - 70-75% - 5%
  • Tuổi mẹ + NT + PAPP-A + quadruple test - 90-94% - 5%

Dựa vào bảng trên, chúng ta có thể thấy, tỷ lệ phát hiện cao nhất khi làm sàng lọc ở quý I (từ tuần 11 đến 13 tuần 6 ngày) đạt tới 93 - 96%

=> NÊN: Đo độ mờ da gáy VÀ làm Double Test.

=> KHÔNG NÊN:

  1. Đo độ mờ sau gáy, rồi không làm Double Test 
  2. Đo độ mờ da gáy rồi chờ đến 16 tuần làm xét nghiệm Triple Test.

Nhiều người cho rằng Triple Test hơn Double Test vì có thêm khả năng phát hiện dị dạng ống thần kinh. Tuy nhiên, dị tật này có thể phát hiện qua siêu âm.

-----

VẬY KHI SÀNG LỌC BẰNG ĐO ĐỘ MỜ DA GÁY VÀ DOUBLE TEST XONG, CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

Chúng ta sẽ được bác sĩ thông báo cho kết quả, kết quả đó sẽ tính nguy cơ thai nhi bị bệnh Down hoặc Trisomi 13 hoặc Trisomi 18 theo 1 tỷ lệ. Ví dụ: Nguy cơ với bệnh Down là 1/400, có nghĩa là trong 400 trường hợp như vậy, sẽ có 399 trường hợp bình thường, 1 trường hợp em bé sinh ra sẽ mắc bệnh Down.

Nếu nguy cơ cao, chúng ta sẽ được tư vấn làm các quy trình khác nhau:
- THỦ THUẬT XÂM LẤN: Bao gồm Sinh thiết gai nhau (tiến hành khi thai được 11-15 tuần) hoặc Chọc ối (tiến hành khi thai được 16 tuần trở đi) với tỷ lệ sẩy thai khoảng 1/300. 

  • Sinh thiết gai nhau: Là thủ thuật dùng kim đi qua bụng mẹ vào vùng nhau bám, lấy ít tổ chức nhau thai, rồi đi làm xét nghiệm. Lợi ích có thể thực hiện sớm, không cần chờ đợi đến 16 tuần để chọc ối. Nhược điểm: có 1-2% trường hợp, bánh nhau không cùng bộ nhiễm sắc thể với thai nhi, nên có thể gây kết quả không chính xác. (kỹ thuật này chỉ ở 1 số bệnh viện, ở Hà nội chỉ có bv chúng tôi là đơn vị duy nhất thực hiện)
  • Chọc ối: Là thủ thuật dùng kim đi qua bụng mẹ vào ối thai nhi. Chỉ thực hiện sau 16 tuần

- XÉT NGHIỆM KHÔNG XÂM LẤN (NIPT): Trong máu mẹ, sẽ có 1 số DNA tự do có nguồn gốc từ bánh nhau của thai. Xét nghệm này sẽ phân tích tín hiệu đó, cho tỷ lệ phát hiện bệnh Down và 1 số bất thường nhiễm sắc thể hay gặp lên tới > 99%.

Khi đó, dựa vào từng tỷ lệ, sẽ làm các quy trình như sau (xin đưa ra quy trình của bệnh viện chúng tôi)

  • Nếu nguy cơ cao (1/50-1/1): Sinh thiết gai nhau (11-15 tuần) hoặc chọc ối (16 tuần trở đi)
  • Nếu nguy cơ cao (1/250-1/51): Sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối hoặc NIPT. Lúc này, bác sỹ sẽ tư vấn lợi ích và nguy cơ của xét nghiệm, để thai phụ tự lựa chọn
  • Nếu nguy cơ thấp (1/2500-1/251): theo dõi bằng siêu âm thai hoặc nếu thai phụ có điều kiện, có thể làm NIPT
  • Nếu nguy cơ rất thấp (<1/2500): theo dõi bằng siêu âm thai

Ngoài ra, sau khi ta có tỷ lệ sàng lọc ở quý 1, đến thời điểm 18 - 22 tuần, bác sĩ sẽ đánh giá 1 số dấu hiệu trên siêu âm (siêu âm các soft maker) và tính toán lại tỷ lệ đó. Từ đó, khiến tỷ lệ phát hiện bệnh Down chính xác hơn.

-----

TÓM LẠI, quy trình sàng lọc trước sinh được áp dụng trên thế giới hiện nay là: Đo độ mờ da gáy và một số chỉ số trên siêu âm, sau đó làm xét nghiệm Double Test (dều được thực hiện từ 11 - 13 tuần 6 ngày). Tuỳ từng tỷ lệ của độ mờ da gáy và xét nghiệm Double Test, bác sĩ sẽ tư vấn các quy trình khác nhau.

- LƯU Ý: 
1. Không nên làm xét nghiệm Triple Test sau khi làm theo quy trình trên. Chỉ làm Triple Test nếu thai phụ không sàng lọc quý 1. Hoặc tốt nhất nếu không làm Double Test, thì nên làm NIPT nếu có điều kiện.
2. Nếu độ mờ da gáy >= 3.5 mm thì chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau. KHÔNG LÀM Double test hay NIPT.
3. Song thai và những trường hợp đặc biệt sẽ không theo quy trình này.
4. Đo độ mờ da gáy cần được in ra ảnh để chứng minh tính chính xác cao, vì không phải bác sĩ nào đo cũng chuẩn.
5. Sàng lọc không có nghĩa là loại trừ được hết các trường hợp Down. Sàng lọc tốt thì khả năng phát hiện càng cao.

Xin cảm ơn và hãy chia sẻ để sàng lọc trước sinh được tốt nhất.

Theo Bibabo.vn