Tài khoản

SAI LẦM QUÁ LỚN TRONG CÁCH DẠY CON CỦA MẸ VIỆT

Hoài An 4 năm trước

Đọc bài chia sẻ này lại thấy mình đâu đó trong đây mấy mom ơi. Đúng là nên xem xét lại quá nè.

"

Con bị vấp cái ghế té, khóc thì đánh cái ghế "cái ghế hư" mà không dạy con cách bước qua chướng ngại vật, tự đứng dậy sau té ngã mà chỉ lấy đổ thừa cho điều gì khác để an ủi bản thân.

Con làm bể đồ, đang hoảng thì lại la toáng lên. Thay vì cần đưa con ra khỏi chỗ miểng chai, mảnh vỡ nhọn , trấn an và kiểm tra tay chân. Khi cần xử lý vấn đề thực tại, hạn chế tổn thương, thiệt hại thì cứ nhăm nhăm xử lý nguyên nhân, răn đe, ngăn chặn tái diễn. Cái thứ chả bao giờ nghe nổi vô đầu khi đang hoảng. Giáo dục sai hoàn cảnh. Thiếu cảm thông, chia sẻ cần thiết đúng lúc.

Con làm gì nguy hiểm cho bản thân thì quát nạt, ngăn cấm chứ không chỉ rõ vì sao. Sợ chỉ cặn kẽ về những mối nguy hiểm sẽ thành hướng dẫn con vào con đường nguy hiểm. Rốt cuộc thì một đứa bé hai tuổi sẽ vẫn lao qua đường vì thích xe khi ba mẹ lơ là, mấy đứa lớn hơn vẫn thích đu lên ban công hay thò đầu ra cửa sổ dòm xuống mấy chục tầng lầu khi có dịp. Mấy đứa mới dậy thì thì lén lút hò hẹn, yêu đương và biết nhiều cách phòng tránh cha mẹ, thầy cô hơn là phòng tránh thai và bịnh.

Muốn con trân trọng chén cơm, manh áo, thành quả lao động của cha mẹ thì lại không chỉ được cho con niềm vui của thành quả để trân trọng niềm vui mà toàn dọa bằng cái nghèo, cái đói của kẻ khác. Kể công kể sức kể hy sinh trong khi làm cha mẹ rõ ràng là tự nguyện. Làng mình có lẽ vì vậy mà thích vênh váo vì gia tài của phụ huynh hơn là tự có đam mê rồi gầy dựng của cải tự thân. Thế hệ trước thì say mê kể công , đòi hỏi được biết ơn và làm biếng dạy con cháu tạo dựng cái mới, chỉ nhăm nhăm bảo toàn cái đã có.

Dạy con chia sẻ, từ thiện vì "thấy các bạn tội nghiệp" thay vì "con xem nè, các bạn nhận được vui chưa nè". Rốt cuộc làm gì đó vì nhu cầu được "tội nghiệp" người khác luôn cao hơn nhu cầu nhìn thấy người khác vui để vui lây.

Ra đường thấy người ta hôn nhau thì bắt con quay đi không được nhìn, về nhà ba mẹ cãi nhau thì con cái như thể vô hình trong khi bắt nó thuộc lòng câu sống phải biết yêu thương, từ chối bạo lực...

Những đứa trẻ với nhau cứ bắt đứa lớn phải nhường đứa nhỏ hơn trong khi có những kiểu ưu tiên như con trai phải nhường con gái mặc dù con gái có lớn hơn thì dường như ít được để ý nên dân Việt vẫn hay cậy tuổi áp đặt mặc đúng sai, cứ lớn là đúng. Phụ nữ Việt ít mặc nhiên hưởng thụ những quyền lợi theo lẽ thường mà sẽ trở nên cảm động, biết ơn, rung rinh với những điều rất đỗi thường tình được nhận từ đàn ông dẫn đến sai lầm về nhìn nhận con người lẫn tình yêu.

Chuyện con nít gây nhau, cha mẹ hay can thiệp giải quyết trước chứ ít khi kiên nhẫn chờ xem để biết xu hướng tính tình con cái. Giải quyết cho đẹp mặt phụ huynh với nhau, cho hả hê phần cục vàng cục ngọc của mình trước chứ ít quan tâm cảm xúc trẻ con vô tình nuôi dưỡng những mầm mống tâm lý ức chế, hành vi bất công lẫn sĩ diện, cậy tiếng, nhờ thế.

Không xem con nít là đối tượng để đối thoại mà chỉ truyền đạt một chiều. Mô hình lớp học của làng mình thì thầy cô đứng trên bục, giảng xuống. Học trò biên và thuộc, cấm trò chuyện, trao đổi trong lớp. Con cái thì toàn "để về xin phép ba mẹ" chứ hông phải "để về nói chuyện với ba mẹ" tạo ra một thế hệ tư duy thụ động, ngại phản biện, tranh luận cùn, kém tự tin mà chỉ giỏi tự cao, tự hào.


Theo Bibabo.vn