Tài khoản

Sai lầm khi giữ ấm cho trẻ vào mùa đông ba mẹ cần tránh

Linh Diệu 4 năm trước 4 bình luận

Nhiều khi do chính cách giữ ấm không đúng của ba mẹ khiến trẻ bị bệnh đó…

Thời tiết trở lạnh cũng là lúc ba mẹ băn khoăn nhiều về sức khỏe của em bé, sợ bé bị bệnh, sợ bé cảm lạnh, sợ bé sụt sịt sổ mũi,...Không khó để bắt gặp những “em bé bông” với một lớp dày quần áo trên người và rất nhiều lớp tất, khăn, mũ,... trông thật ấm áp. Đấy còn chưa kể, ba mẹ lúc nào cũng quan niệm phải giữ bé trong phòng kín, phòng ngủ càng kín càng tốt. Nhưng dường như bé ốm vẫn hoàn ốm, cúm vẫn hoàn cúm, ba mẹ lo vẫn hoàn lo…

Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, không phải cứ mặc nhiều là được (Ảnh: Internet)

Sai lầm khi giữ ấm cho trẻ vào mùa đông

Mặc quần áo quá nhiều

Việc mặc quần áo quá nhiều, ủ ấm quá mức cho trẻ nhất là vào buổi đêm không phải cách tốt nhất để giữ ấm cho bé. Ngược lại, cách này còn “phản tác dụng” vì nhiệt độ cơ thể em bé thường cao hơn nhiệt độ người lớn một chút, cơ chế tự cân bằng nhiệt độ của trẻ chưa được hoàn thiện như người lớn sẽ khiến trẻ bị nóng, ra mồ hôi, bứt rứt khó chịu. Tình trạng này diễn ra lâu dần gây ra các vấn đề về da liễu, tình trạng rôm sảy, ngứa ngáy xuất hiện nhiều hơn. Mồ hôi tiết ra không thoát ra ngoài sẽ thấm vào áo bên trong của trẻ khiến trẻ bị lạnh. 

Che chắn vùng đầu trẻ quá kín 24/24

Vùng đầu trẻ là một trong những vị trí thoát nhiệt quan trọng của cơ thể trong trường hợp nhiệt độ tăng lên quá cao. Do đó, không phải lúc nào che chắn quá kỹ cũng là cách tốt để giữ ấm cho bé. Trong trường hợp mẹ đưa bé ra ngoài, việc trang bị một chiếc mũ ấm áp cho bé là cần thiết. Nhưng khi bé ngủ, bé ốm sốt, mẹ không nên che chắn quá kỹ vùng đầu vì có thể làm ra mồ hôi vùng đầu, mồ hôi không được thoát đi có thể thấm ngược trở lại khiến bé bị lạnh. 

Giữ ấm vùng đầu đúng cách rất quan trọng, ba mẹ cần lưu ý (Ảnh: Internet)

Bật điều hòa ở chế độ sưởi, đèn sưởi quá lâu

Việc sử dụng điều hòa ở chế độ sưởi, nhiệt độ cao hoặc sử dụng đèn sưởi quá lâu khiến hơi nước trong không khí, hơi nước trên bề mặt da của trẻ, và của người lớn bị khô, cơ thể có tình trạng mất nước. Những thiết bị này nếu sử dụng thời gian dài liên tục có thể khiến niêm mạc được hô hấp bị khô, dẫn tới tình trạng phù nề không tốt cho trẻ và cả người lớn. 

Bôi tinh dầu quá nhiều

Ba mẹ sợ con lạnh nên sử dụng tinh dầu massage lên khắp người trẻ để giữ ấm, vùng ngực, vùng bụng, vùng lưng, lòng bàn chân và lòng bàn tay. Một trong số loại tinh dầu được sử dụng nhiều là tinh dầu tràm. Không thể phủ nhận tác dụng giữ ấm cơ thể của tinh dầu tràm, tuy nhiên, ba mẹ chỉ cần massage tinh dầu đúng cách ở lòng bàn chân của trẻ là đủ. Bôi quá nhiều tinh dầu vào các cơ quan trên cơ thể làm nhiệt độ cơ thể trẻ tăng quá cao khiến trẻ bứt rứt, khó chịu lại không cần thiết. 

Đóng kín cửa nhà, giữ trẻ ở không gian kín, không thoáng khí

Một số ba mẹ luôn cố gắng đóng kín cửa nhà, hạn chế cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trẻ được bao bọc quá mức có thể khiến trẻ trở nên yếu ớt hơn. Thay vào đó, ba mẹ nên cho trẻ ra ngoài vào ban ngày, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và môi trường sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn, chỉ cần chú ý giữ ấm cho trẻ là được. 

Giữ ấm đúng cách cho trẻ vào mùa đông như thế nào? (Ảnh: Internet)

Nguyên tắc giữ ấm cho trẻ vào mùa đông

Có một nguyên tắc giữ ấm cho trẻ vào mùa đông rất đơn giản, gói gọn trong 4 chữ “4 ấm 1 lạnh”. Trong đó: 

  • 4 ấm là giữ ấm bàn tay, ấm lưng, ấm bụng, ấm bàn chân. 

  • 1 lạnh là “lạnh” vùng đầu

Cụ thể ra sao? 

  • Giữ bàn tay ấm nhưng chỉ ở mức ấm, không nên để tay đổ mồ hôi. 

  • Giữ lưng ấm là ấm ở mức vừa phải, không nên mặc quá nhiều áo và áo quá dày, nên mặc nhiều lớp mỏng hơn. Nếu thấy mồ hôi ở lưng cần lau ngay để bé không bị nhiễm lạnh. 

  • Giữ ấm bụng, có thể massage vùng bụng tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. 

  • Giữ ấm bàn chân bằng việc massage nhẹ nhàng kết hợp với việc sử dụng tinh dầu. 

  • Để “lạnh” vùng đầu, nghĩa là không nên che đầu quá kín, chỉ nên che khi đi ra ngoài, giữ ấm cần thiết là được. 

Ngoài ra, thời tiết mùa đông không chỉ lạnh mà còn hanh khô nên ba mẹ cần duy trì cấp nước cho trẻ bằng cách cho trẻ bú nhiều sữa mẹ (trường hợp bú sữa công thức), bổ sung thêm nước (thông qua nước, sữa, thực phẩm,...) nhé. Kinh nghiệm cá nhân mình chia sẻ cùng các mẹ, các mẹ tham khảo nha. 

Theo Bibabo.vn