Tài khoản

Sai lầm nghiêm trọng khi pha sữa công thức gây hại cho con yêu

Cửa hàng Bibabo 4 năm trước

Pha sữa công thức cho con là việc tưởng dễ nhưng lại cần mẹ biết rất nhiều kiến thức để giúp con luôn khỏe mạnh, thông minh và phát huy đúng tác dụng của các thành phần dinh dưỡng có trong sữa công thức.

Sai lầm nghiêm trọng khi pha sữa công thức gây hại cho con yêu

1. Pha sữa với nước quá nóng?

- Pha sữa với nước quá nóng là một trong những sai lầm thường gặp nhất khi pha sữa công thức của các mẹ hiện nay. Từ trước đến giờ, các mẹ thường nghĩ nước sôi sẽ giúp “sữa chín”, dễ khuấy tan và tiêu diệt vi trùng.

- Thực tế không phải vậy. Nếu pha sữa với nước nóng, nhiệt độ quá cao của nước sẽ khiến cho các thành phần dinh dưỡng của sữa dễ dàng bị tiêu hủy, không còn đảm bảo cung cấp cho cơ thể. Điều này vô tình làm giảm chất lượng sữa một cách đáng tiếc.

- Nếu pha sữa với nước lạnh thì sữa sẽ khó tan. Không chỉ như vậy, nhiệt độ lạnh sẽ khiến các men trong hệ tiêu hóa non nớt của trẻ không hoạt động tốt. Ngoài ra, do trẻ có các cữ bú sữa mẹ với nhiệt độ tương tự thân nhiệt trong khi nguồn sữa công thức lại có nhiệt độ thấp hơn, trẻ sẽ khó chịu, quấy khóc không chịu bú. Vậy nên, nhiệt độ của nước pha sữa cho bé tốt nhất là nước ấm.

Không pha sữa với nước quá nóng

- Pha sữa với nước ấm tốt nhất là nước từ 40 đến 60 độ C. Một số cha mẹ thường dùng một phần nước sôi pha với hai phần nước nguội để tạo thành nước ấm. Điều này trông có vẻ tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này không được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích.

- Thay vào đó, nên dùng một ly nước đun sôi và đặt trong một thau nước lạnh để nguội dần dùng pha sữa cho bé ngay sau đó. Bởi lẽ nước dùng pha sữa tốt nhất không được để nguội trong nhiệt độ phòng quá hai giờ, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.

2. Pha sữa quá đặc

- Cha mẹ thường cho rằng, trẻ uống sữa đặc hơn so với liều lượng mà nhà sản xuất khuyên dùng, sẽ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng, mau tăng cân và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm.

- Đối với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa còn non nớt, uống sữa quá đặc có thể khiến niêm mạc ruột của trẻ bị tổn thương, gây viêm ruột và có thể dẫn đến hoại tử ruột.

Nên pha sữa bột đúng với liều lượng mà nhà sản xuất khuyến cáo

- Khi tình trạng sử dụng sữa quá đặc kéo dài, trẻ sẽ có những triệu chứng như sốt, tiêu chảy ra máu... Nghiêm trọng hơn, điều này có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.

- Bên cạnh đó, thận của trẻ ở những năm tháng đầu đời còn rất yếu, việc sử dụng sữa quá đặc khiến cơ thể bị mất nước, và thận của trẻ phải làm việc nhiều hơn. Lâu dần, sẽ dẫn đến tình trạng suy thận.

3. Pha sữa quá loãng

- Khi mẹ pha sữa bột quá loãng, sẽ khiến trẻ bị thiếu dinh dưỡng, gây còi cọc và chậm lớn.

- Bên cạnh đó, thêm nhiều nước vào sữa bột, còn làm loãng nồng độ natri hay các chất điện giải trong cơ thể của trẻ nhỏ.

- Ngoài ra, trẻ có thể bị dư nước khi mẹ pha sữa loãng, gây nên tình trạng ngộ độc nước. Điều này rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

Không nên pha sữa công thức quá loãng

- Vào tháng 01/2016, có trường hợp được ghi nhận tại Mỹ, một bà mẹ trẻ đã pha loãng sữa cho con dùng trong thời gian dài, khiến não bé bị sưng, mà không được chữa trị kịp thời. Điều này đã gây ra cái chết thương tâm cho trẻ.

4. Pha sữa với nước trái cây?

- Một số cha mẹ cho rằng nếu pha sữa với nước trái cây sẽ giúp có mùi vị thơm ngon, trẻ sẽ thích thú. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải như vậy. Loại nước dùng pha sữa cho trẻ được khuyến cáo duy nhất chỉ là nước lọc hoàn toàn. Mọi loại nước khác đều không phù hợp, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm.

- Mặc dù trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, với trẻ dưới sáu tháng thì không có gì tốt hơn hết ngoài sữa. Đến khi trẻ lớn dần lên, mẹ có thể tập cho bé dùng thêm nước trái cây. Tuy nhiên, cần cách xa các cữ bú. Lý do là vì trong trái cây có chứa nhiều vitamin C và một số axit hữu cơ, các chất này kết hợp với protein trong sữa làm sữa vón cục, trẻ sẽ khó tiêu, đầy bụng, dễ nôn ói và bị sặc khi nằm.

Không pha sữa với nước trái cây hoặc uống nước trái cây và sữa liền nhau

- Ngoài ra, cũng không được dùng nước rau, nước canh, nước cháo, nước súp, nước luộc thịt, nước khoáng... để pha sữa cho trẻ. Những điều tốt có thể đem đến thì chưa chắc chắn trong khi lại tiềm ẩn nguy cơ rất cao làm tổn thương hệ tiêu hóa mong manh của trẻ, vốn hình thành chưa đầy đủ các enzyme để tiêu hóa tất cả nguồn thức ăn.

5. Pha sữa với nước cháo loãng 

- Đây là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng do trong sữa có nhiều vitamin A, còn trong nước cơm thì lại chứa chủ yếu là chất bột và chất lipoxidase – một loại chất sẽ phá hủy vitamin A. Nếu uống loại hỗn hợp này lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu vitamin A trầm trọng gây ra rất nhiều hậu quả cho sức khỏe. 

- Hơn nữa, tinh bột trong nước cơm sẽ khiến trẻ khó hấp thu canxi, dẫn đến thiếu canxi và các hệ lụy của nó như chậm tăng trưởng chiều cao, rối loạn tiêu hóa, còi xương, suy dinh dưỡng… 

6. Lắc sữa quá mạnh 

Nhiều cha mẹ có thói quen lắc bình sữa thật mạnh khi pha với suy nghĩ làm vậy sữa sẽ tan hết nhanh và kỹ. Tuy nhiên, hành động này sẽ tạo ra rất nhiều bong bóng trong sữa. Khi trẻ uống phải sữa có nhiều bong bóng sẽ dẫn đến đầy hơi, nấc, trớ. 

Không lắc bình sữa quá mạnh khi pha

7. Thêm nước trước khi thêm sữa bột 

- Cho nước rồi mới cho sữa bột thì lượng sữa nước có được sau khi pha sẽ luôn nhiều hơn lượng nước chuẩn quy định, không thể đảm bảo tính chính xác của sữa. 

- Ngoài ra, khi mẹ cho sữa bột vào nước, sữa bột dễ đóng cặn, không tan đều, không có lợi chio hệ tiêu hóa của trẻ. 

- Thứ tự pha sữa bột đúng phải là cho bột vào trước rồi mới bổ sung nước ấm theo đúng tỷ lệ. 

Không thêm nước trước khi thêm sữa bột

8. Pha nhiều sữa và ép trẻ bú hết?

- Tùy theo thể tích mỗi cữ bú của trẻ, chỉ pha một lượng vừa đủ cho mỗi cữ. Nếu cữ bú trước bé bú ít, cữ bú sau có thể tăng hơn một chút và ngược lại. Trong trường hợp bé bú liên tục các cữ đều hết lượng sữa đã pha, ở các cữ sau mẹ có thể tùy chỉnh lượng tăng dần, tuy nhiên không có thái độ thúc ép trẻ.

- Theo đó, lượng sữa cần pha phải tùy chỉnh vào độ tuổi, cân nặng của trẻ và chính bản thân của trẻ, không có công thức cố định cho tất cả các trường hợp. Hơn thế nữa, luôn phải ghi nhớ rằng, đối với bé trước sáu tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng tốt nhất vẫn là sữa mẹ. Việc bú quá nhiều sữa ngoài sẽ khiến cho bé không bú đủ sữa mẹ trong khi sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng được ưu tiên.

Không nên pha nhiều sữa và ép trẻ bú hết

9. Sữa bé không uống hết để trong tủ lạnh và hâm lại cho trẻ bú ở cữ tiếp?

- Nhiều cha mẹ muốn tiện lợi nên chỉ pha một bình sữa và dùng cho trẻ bú suốt trong đêm mà quên mất rằng sữa đã pha để lâu trong môi trường sẽ trở thành nguồn nhiễm trùng cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.

- Cần tính toán trước mỗi lần pha sữa để lượng sữa không thừa không thiếu. Nếu trẻ không bú hết, lượng sữa còn dư nên tiêu hủy.

- Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh và hâm nóng lại để cho trẻ bú tiếp. Lý do là vì nhiệt độ thay đổi sẽ khiến cho các thành phần dinh dưỡng của trẻ không còn được đảm bảo. Đồng thời, sữa thừa còn có nguy cơ ô nhiễm hay sữa sẽ bị vón cục, tách lớp dễ khiến bé gặp rối loạn tiêu hóa.

10. Không vệ sinh tay mỗi lần pha sữa

- Trước mỗi lần pha sữa cho trẻ, người chăm sóc cần đảm bảo có một đôi bàn tay đã được chà rửa với xà phòng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bàn tay người chăm sóc là tác nhân gây lây nhiễm hàng đầu cho trẻ khi vừa pha sữa, cho trẻ bú, vừa vệ sinh, thay tã cho trẻ.

- Sau mỗi cữ bú, bình sữa, núm vú, cốc chén, thìa khuấy, thìa gạt sữa cần được rửa kỹ lưỡng với xà phòng dưới vòi nước chảy. Loại xà phòng vệ sinh cần đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Chú ý dùng cọ chà rửa các mặt trong và ngoài, nhất là kẽ quanh miệng bình, nắp đậy. Sau đó nên để ráo hay phơi khô dưới ánh nắng, bảo quản trong hộp tránh bụi.

- Trước mỗi lần pha sữa, tráng lại tất cả các vật dụng trong nước sôi. Đồng thời việc này cũng làm nóng bình, giúp tăng khả năng giữ nhiệt cho sữa sau pha.

Nên vệ sinh tay sạch trước khi thao tác pha sữa công thức cho trẻ

Pha sữa cho trẻ là việc tưởng dễ nhưng lại không đơn giản chút nào. Mọi thao tác, cách thức pha sữa công thức cho trẻ cũng đều cần học hỏi, tra cứu, nhất là đối với các bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ. Chỉ khi làm được như vậy mới an tâm đem đến những điều tốt đẹp trọn vẹn cho con.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, các mẹ có thể để lại bình luận hoặc số điện thoại ngay dưới bài viết này để Bibabo tư vấn kỹ lưỡng hơn cho mẹ nhé!

Theo Bibabo.vn