Tài khoản

Sinh mổ lần 2 và những điều mẹ bầu cần chú ý

Mẹ Su Bông 3 năm trước

Sinh mổ lần hai, khi nào nên nhập viện? Sinh ở tuần thứ bao nhiêu là an toàn?

Xem nhanh

  • Sinh mổ lần 1 rồi có thể sinh thường trong lần mang thai thứ 2?
  • Sinh mổ lần 2 ở tuần bao nhiêu là an toàn?
  • Khi nào mẹ bầu cần tới bệnh viện?

1Sinh mổ lần 1 rồi có thể sinh thường trong lần mang thai thứ 2?

Thực tế, với những mẹ bầu sinh mổ lần 1, mẹ vẫn hoàn toàn có thể sinh thường trong lần mang thai thứ 2 nếu điều kiện sức khỏe của mẹ và thai nhi cho phép. Trong đó, tình trạng của vết mổ tử cung trong lần sinh 1 là yếu tố chủ yếu nhất dẫn đến chỉ định sinh mổ.

Sức khỏe của mẹ và thai nhi là yếu tố quan trọng nhất quyết định mẹ sinh mổ hay sinh thường (Ảnh: Internet)

Nếu trong quá trình mang thai lần 2, vết mổ tử cung có các biểu hiện bục rách do tử cung co thắt, lúc đó mẹ cần sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Nhưng nếu cân nặng của thai nhi được khống chế, tử cung mẹ hồi phục tốt và không thấy có nguy cơ bục rách tử cung tại vết mổ, mẹ hoàn toàn có thể sinh thường an toàn.

Hãy trao đổi cụ thể với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình và nhận tư vấn phương pháp sinh phù hợp nhất nhé!

2Sinh mổ lần 2 ở tuần bao nhiêu là an toàn?

Điều này phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe của mẹ và thai nhi. Điều mẹ cần là đi khám thai định kỳ đầy đủ, tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ để có thai kỳ an toàn. Bác sĩ sẽ đặt lịch hẹn sinh mổ an toàn nhất cho mình.

Khám thai đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ đặc biệt quan trọng đối với mẹ bầu sinh mổ lần 2 (Ảnh: Internet)

Với những mẹ bầu và thai nhi có sức khỏe ổn định, thông thường mẹ sẽ sinh mổ từ tuần thứ 39 trở đi, trước khi cơ thể xuất hiện cơn đau chuyển dạ. Những em bé sinh từ tuần 39 được coi là những em bé phát triển hoàn thiện nhất, cơ thể bé đã sẵn sàng để thích nghi và chinh phục cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Sinh trước khi cơ thể xuất hiện những cơn đau chuyển dạ đầu tiên là an toàn nhất, giảm tối đa nguy cơ vết mổ tử cung bị nứt, bục, rách do tình trạng co thắt tử cung, hay những cơn đau chuyển dạ gây ra.

Trong những tuần cuối của thai kỳ, hãy thường xuyên lắng nghe những thay đổi của cơ thể. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường, hãy tới bệnh viện kiểm tra ngay lập tức nhé!

3Khi nào mẹ bầu cần tới bệnh viện?

Ra máu âm đạo bất thường

Chảy máu âm đạo luôn là dấu hiệu 'đáng lo ngại' đối với mẹ bầu. Trong những tuần cuối, ra máu âm đạo ngoài có thể báo hiệu những bất thường về nhau thai, hay một biểu hiện của sinh non. Nếu thấy những dấu hiệu này, hãy đi khám để kiểm tra chính xác điều gì đang xảy ra với mẹ và thai nhi nhé.

Rò ối, vỡ ối

Nếu thấy dịch âm đạo ra nhiều hơn bình thường, có thể rò rỉ hoặc chảy ồ ạt, rất có thể mẹ đang rơi vào tình trạng rỉ ối, vỡ ối non. Nếu không được xử lý kịp thời, em bé và mẹ rất có thể bị nhiễm trùng rất nguy hiểm đấy.

Vùng tử cung, bụng dưới đau bất thường

Những cơn co tử cung xuất hiện bất thường, đau quặn bụng, đau dữ dội mẹ cần đến bệnh viện ngay.

Thai nhi cử động bất thường

Những tuần cuối mẹ có thể cảm nhận rất rõ ràng cử động của em bé rồi. Thông qua cử động, mẹ có thể cảm nhận được những bất thường đang diễn ra bên trong tử cung. Hãy đi khám nếu bạn cảm thấy lo lắng nhé!

Sinh mổ lần 2 mang lại cho mẹ nhiều nguy hiểm so với sinh mổ lần 1. Đó cũng là lý do tại sao các Chuyên gia cho rằng với các mẹ bầu sinh mổ lần 1, mẹ nên mang thai lần tiếp theo tối thiểu 2 năm so với lần sinh trước để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, giảm thiểu tối đa rủi ro trong quá trình mang thai có thể xảy ra với mẹ và bé đấy. Dù sao, chúc mẹ và bé thai kỳ khỏe mạnh, bình an đến bên nhau nhé!

Theo Bibabo.vn