Tài khoản

Sử dụng ngôn từ tích cực trong việc giáo dục trẻ

Hà Trang 5 năm trước 7 bình luận

Trẻ nhỏ giống như một tờ giấy có thể ghi lại rất nhanh những điều mới học được mỗi ngày. Muốn con trở thành em bé ngoan, ba mẹ hãy làm gương trước.

Xem nhanh

  • Đừng dùng ngôn từ thô tục
  • Đừng “Vâng, Dạ, Ạ” khi nói chuyện với trẻ
  • Đừng bắt trẻ “ạ đi” rồi mới cho cái này, cái kia
  • Đừng dùng cụm từ tiêu cực với trẻ
  • Đừng bàn luận hay nhận xét trẻ

Xem thêm

Bài viết hơi dài, hi vọng ba mẹ dành thời gian đọc hết. 

Ba mẹ và ông bà, những người thân trong gia đình là người thầy đầu tiên của bé. Bé quan sát, bé lắng nghe, và bé bắt chước rất nhanh điều ba mẹ đã làm. Thật chẳng ngạc nhiên khi hôm trước ba mẹ vừa nói “hư”, hôm sau bé đã bập bẹ nói “ư...ư” - muốn nói từ “hư” nhưng còn ngọng ngịu. Vì vậy, muốn em bé trở thành một đứa trẻ ngoan, ba mẹ hãy làm gương cho con, dùng ngôn ngữ tích cực để làm gương, để con phát triển tốt hơn, tránh tâm lý nhút nhát, xấu hổ từ khi còn bé. 

Dưới đây là một số bài học rất hay mình sưu tầm được, chia sẻ tới các ba mẹ. Mình cũng đang cố gắng thực hành và hoàn thiện mỗi ngày để trở thành một người mẹ tốt hơn. Cùng cố gắng các mẹ nhé!

1Đừng dùng ngôn từ thô tục

Ba mẹ nên nói với trẻ “Đi vệ sinh”, chứ đừng bao giờ nói “Đi ỉa, đi đái đi” bô bô trước mặt người khác. Trẻ đánh bủm cũng không nên nhận xét bàn tán rồi cười cợt trước hành động đó của con, tránh con cảm thấy bị chê cười - tâm lý không tốt. 

2Đừng “Vâng, Dạ, Ạ” khi nói chuyện với trẻ

Nhiều ông bố, bà mẹ hay “làm mẫu” vì muốn trẻ bắt chước gọi dạ bảo vâng. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ trẻ biết nói từ đó. Quan trọng hơn, cái trẻ cần học là tại sao phải nói những từ đó, trường hợp nào thì nên nói những từ đó, cụ thể ở đây là nói những từ “dạ”, “vâng” với những người lớn tuổi, bề trên của mình. Nếu ba mẹ nói dạ vâng với trẻ, trẻ sẽ không hiểu được trật tự xã hội và sai cách dùng từ. 

Nếu ba mẹ muốn con sử dụng từ “Vâng”, “Dạ”, “Ạ”, ba mẹ hãy cư xử, hãy nói những từ này khi nói chuyện với bố mẹ của mình, tức là ông bà nội, ông bà ngoài, và với những người nhiều tuổi hơn. Trẻ con quan sát và lắng nghe rất tốt, một thời gian là bé có thể ghi nhớ và học được, chỉ cần ba mẹ chỉnh cho con thêm một chút là ổn. 

3Đừng bắt trẻ “ạ đi” rồi mới cho cái này, cái kia

“Ạ” thể hiện sự tôn trọng vô điều kiện chứ không phải hành động có điều kiện. Trẻ cần biết cách nói “ạ” với tất cả những người trẻ yêu thương vô điều kiện và tôn trọng chứ không phải trẻ muốn có được cái gì thì phải “ạ” mới đạt được. Ba mẹ làm như vậy trẻ sẽ hiểu sai về cách dùng chữ “ạ” đấy”.

Nhiều khi chính ba mẹ lại là người dạy trẻ mọi thứ đều có điều kiện, nhiều khi cả tình yêu thương. Biết đâu đến một ngày khi ba mẹ không đồng ý với bé, bé quay ra bảo “Con không yêu ba mẹ nữa đâu. Ba mẹ không cho con cái kẹo kia”. Lúc này có phải là buồn không…?

4Đừng dùng cụm từ tiêu cực với trẻ

Ăn vạ, quấy lắm, lười học ghê, chậm như sên, hư lắm,... là những cụm từ rất tiêu cực khi dùng để nói về trẻ. Khi bạn lặp đi lặp lại cụm từ “chậm như sên” khi nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ nghĩ bạn “chê” bé, rồi từ đó bé mặc định nghĩ trong đầu là mình rất chậm chạp, mình không được như những người khác… Tự ti chứ, buồn chứ, phải không ba mẹ. 

Hãy tránh điều đó. Hãy chọn từ ngữ tích cực khi nói chuyện với con, nói chuyện về con. Trẻ không ăn vạ mà đang thể hiện chính kiến của mình. Trẻ không lười học mà vì phương pháp học không đúng, bài học không phù hợp với trẻ nên trẻ không thích thú học hành. Ngay trong suy nghĩ của ba mẹ nên thay đổi, nên suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực hơn, như vậy lời nói ra mới có thể tích cực được. 

5Đừng bàn luận hay nhận xét trẻ

“Con bé nhà em lười ăn khổ lắm”, “Thằng nhà em yếu lắm hơi tí là lăn ra ốm”, “Nó nghịch như giặc không ai trông được đâu”,... chủ yếu là những nhận xét trẻ hư. Cứ không theo ý của người lớn là thành hư, thế mới chán. 

Hỏi thật các mẹ, mẹ có muốn bị ai dùng những từ ngữ bàn luận về bản thân mình không? Mẹ có buồn khi bản thân bị nói như thế không? Kể cả bạn có như thế, bạn có muốn mình trở thành trò bàn luận và phán xét của người khác không? Rồi bạn có “xù lông” lên để bảo vệ bản thân khỏi những lời nói “động chạm” như thế không? Nhưng trẻ chưa biết cách “xù lông”, trẻ chưa biết cách nói ra quan điểm của chính mình, trẻ chưa thể tự bảo vệ mà chỉ im lặng chịu tổn thương và chấp nhận những phán xét của người lớn… Vậy có buồn không?

Thực tế thì con đâu có lười ăn, con vẫn ăn, ăn theo nhu cầu cơ thể cần đấy chứ. Chỉ là con không ăn nhiều như mức mẹ mong muốn nên mẹ nói con lười ăn. Con buồn lắm!

Hay con có nghịch ngợm khó bảo đâu, là con đang cố gắng khám phá thế giới, học hỏi những điều mới lạ từ cuộc sống xung quanh đấy chứ. Mẹ nói con nghịch, lúc con ngồi im một chỗ mẹ lại bảo con chậm, con lười… Con buồn lắm!

Ba mẹ hãy là người hiểu con nhất… Đừng bao giờ bàn luận hay nhận xét về em bé của mình, cũng như những em bé khác. Em bé nào cũng như nhau, không muốn nghe lời phán xét và bàn luận của người lớn đâu. Hãy tạo cho con môi trường ngôn ngữ lành mạnh, tích cực thay vì tiêu cực, ba mẹ nhé!

6Đừng đặt mình lên vị trí cao hơn trẻ

Ba mẹ nên học các cô giáo ở điểm này. Các thầy cô không bao giờ nói để thầy “dạy” con mà thầy cô chỉ nói “Cô hướng dẫn con trước rồi con tự làm nhé”, “Lại đây, cô chỉ cho con xem cái này thú vị lắm”, “Cô sẽ giúp con một tay nhé?”,... Quá trình học là quá trình tự trẻ khám phá và trải nghiệm, tự trẻ làm hết chứ không phải cô dạy trẻ mới biết học. Chỉ là từ khác nhau nhưng thể hiện sự tôn trọng của các cô với trẻ. Cách này rất hay đấy, thay đổi một chút trong từ ngữ thôi nhưng ý nghĩa biểu đạt đã khác rồi. 

7Đừng dùng câu hỏi hay câu phủ định, hãy dùng câu khẳng định

Ví dụ, thay vì nói “Sao lại đổ nước ra sàn thế này?”, ba mẹ hãy nói “Nước này để uống con à”. Thay vì nói “Không được nhảy nhót trên giường của mẹ nhé thế”, ba mẹ hãy nói “Giường là nơi để nằm ngủ”. Thay vì nói “Con có ngừng ném đồ chơi ngay lại không?”, ba mẹ hãy nói “Lego là để xếp hình. Con muốn ném thì ném quả bóng rổ nhé”,...

8Đừng suy nghĩ tiêu cực

Lời nói của ba mẹ phần nào thể hiện suy nghĩ. Ba mẹ suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực, lời nói ra cũng chuyển theo hướng tích cực liền. 

Chẳng hạn, khi em bé bê cốc sữa từ bếp ra bàn để uống bị đổ ra ngoài, mẹ hãy nói “May thật, may mà con chỉ làm đổ một tí thôi. Đổ nhiều là có thể nguy hiểm rồi”. 

Bé vẽ ra ngoài hình tô màu, ba mẹ có thể bảo: “Chỉ hơi ra ngoài tí thôi. Bao giờ con khéo tay hơn thì tất cả sẽ nằm gọn trong hình vẽ, không bị ra ngoài nữa”. 

Bé bị ngã, mẹ hỏi: “Có đau ở đâu không con? Không à? May quá, không đau là tốt rồi. Chỉ bị xây xước một tí thôi, về mẹ bôi thuốc sát trùng cho là tự khỏi luôn”...

Những cách nói như vậy không mang ý nghĩa trách giận, không khiến trẻ cảm thấy có lỗi và mọi thứ đang tồi tệ hơn, thậm chí còn khuyến khích trẻ làm tốt hơn trong những lần sau. Chẳng phải khi nghĩ như vậy, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn sao?

9Đừng ra lệnh cho trẻ

Thay vì nói “Không được đánh bạn. Bố nói con có nghe không?”, ba mẹ nên thử nói “Mọi người đều phải tôn trọng nhau. Đánh người là không đúng con à”. 

Thay vì nói “Con chào các cô các bạn đi rồi về. Người lớn nói thì phải nghe chứ”, ba mẹ nên thử nói “Khi về bao giờ mình cũng chào tạm biệt con nhé”...

Khi nói như vậy, ba mẹ sẽ giúp con hiểu hơn các cư xử trong xã hội là như thế, mọi người đều làm vậy. Ai cũng làm như vậy dù là người lớn hay trẻ con. Và ba mẹ cũng không phải đang “ép buộc” con phải làm. Sau này khi bé trưởng thành, bé biết mọi người đều làm vậy, bé sẽ làm theo, tôn trọng các thành viên trong cộng đồng chứ không áp đặt những người khác như mình bị “ép buộc” nữa. 

Một chút thay đổi nho nhỏ trong cách diễn đạt câu nói, cách sử dụng từ ngữ sẽ khiến bé yêu cảm thấy con được tôn trọng (lúc bé con chưa hiểu nhưng một thời gian lớn lên, con sẽ hiểu rất rõ), giúp con và giúp chính ba mẹ suy nghĩ mọi điều theo hướng tích cực hơn, và luôn luôn tôn trọng mọi người lớn nhỏ. Ba mẹ hãy là tấm gương sáng để con học theo nhé!

Theo Bibabo.vn
Xem thêm