Tài khoản

Sữa mẹ bị hôi phải làm sao?

Cửa hàng Bibabo 4 năm trước

Xem nhanh

  • I. Cách xác định nguyên nhân khiến sữa mẹ bị hôi
  • II. Xử lý thế nào khi sữa mẹ bị hôi?

Bất cứ bà mẹ nào cũng mong muốn duy trì được nguồn sữa mẹ mát lành, thơm ngọt cho các con yêu của mình trong ít nhất 6 tháng đầu đời, nên mỗi sự thay đổi có vẻ khác thường của nguồn sữa đều có thể khiến mẹ mất ăn mất ngủ. Một trong những nỗi lo lắng thường trực nhất của các mẹ sữa chính là sữa mẹ bỗng nhiên có mùi hôi (hoặc hoi), mùi giống như xà phòng, loãng hơn thường ngày và mẹ không biết phải xử lý như thế nào.

Nếu mẹ đang có chung nỗi lo lắng như vậy, bài viết này sẽ giúp mẹ giải tỏa suy nghĩ!

1I. Cách xác định nguyên nhân khiến sữa mẹ bị hôi

Có rất nhiều vấn đề có thể khiến cho sữa mẹ bị biến đổi mùi vị, nhưng cơ bản đều có thể tìm hiểu được dựa trên tình trạng sức khỏe của mẹ, tình trạng vệ sinh của dụng cụ hút/trữ sữa hay thời gian bảo quản sữa.

- Nếu sữa bị hôi ngay sau khi vắt ra, nguyên nhân có thể là:

+ Sự thay đổi trong chế độ ăn uống của mẹ

Ở thời điểm kiểm tra thấy sữa bị hôi, nếu mẹ trót ăn quá nhiều các loại thực phẩm nặng mùi như cá hay gia vị như tỏi, cà ri thì rất có thể “thủ phạm” chính là chúng đấy.

+ Mẹ đang phải điều trị bằng thuốc: Các loại thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng đều có khả năng khiến cho sữa mẹ đang từ thơm ngọt nhẹ nhàng trở nên hơi nồng mùi thuốc.

+ Mẹ vệ sinh bầu ngực chưa kĩ hoặc chưa có phương án để giảm rò rỉ sữa khi cương sữa: Không khó để nhận ra sự thật là sữa mẹ bị dây ra áo quần đều gây mùi hôi tanh, nhất là các mẹ quá nhiều sữa khiến sữa rò rỉ thường xuyên.

+ Dụng cụ hút trữ sữa chưa được vệ sinh sạch sẽ: Các mẹ kích hút sữa chăm chỉ hầu như mỗi ngày đều phải hút ít nhất 4-8 cữ hút, tương đương với 4-8 lần/ngày phải lách cách vệ sinh bộ dụng cụ hút sữa, từ phễu hút đến bình trữ sữa đến lá van. Chỉ cần 1 lần thôi bộ dụng cụ hút sữa không được vệ sinh kĩ càng, sẽ khiến sữa hút ra bình bị ám mùi hôi tanh khó chịu.

"Mẹ ơi, sữa có mùi gì kì kì á!"

- Sữa bị hôi sau khi được bảo quản trong tủ lạnh

+ Đối với sữa bảo quản trong ngăn mát: Thông thường đối với sữa vắt trong ngày cần cho con bú ngay, các mẹ sẽ bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên tủ lạnh là nơi lưu trữ các thực phẩm khác nữa nên rất dễ ám mùi sang sữa mẹ.

Ngoài ra, nhiều mẹ vắt sữa bỏ ngăn mát tủ lạnh nhưng lại quên mấy ngày không dùng đến, khi bỏ ra kiểm tra thì sữa đã quá hạn sử dụng và có mùi khó chịu rồi.

+ Đối với sữa bảo quản trong ngăn đá: Sữa mẹ đông đá khi rã đông sẽ thường có mùi hơi nồng như mùi xà phòng, nguyên nhân là do men Lipase trong sữa mẹ bẻ gãy chất béo thành các axit béo. Ở bé bú mẹ trực tiếp, quá trình này thường xảy ra sau khi sữa mẹ đi vào hệ tiêu hóa của bé, mục đích hỗ trợ bé tiêu hóa dễ dàng hơn. Vì vậy, nó hoàn toàn không có hại gì cho các bé, tuy nhiên bên cạnh các bé chấp nhận mùi vị này thì vẫn có một số bé từ chối không bú sữa rã đông.

Ngoài ra, có nhiều mẹ khi cấp đông sữa không ghi chú lại ngày tháng để có kế hoạch sử dụng sữa trữ đông hợp lý, đến khi sử dụng đến thì sữa cũng đã quá hạn và có mùi khó chịu.

- Sữa bị hôi khi bảo quản ở nhiệt độ thường

Đối với các gia đình không có tủ lạnh, hoặc đã có nhưng hút sữa ra lại quên mất không bỏ tủ lạnh để bảo quản, sữa mẹ cũng rất dễ biến đổi mùi vị, chuyển qua mùi tanh hôi do tác động của các loại vi khuẩn.

2II. Xử lý thế nào khi sữa mẹ bị hôi?

Tìm được chính xác nguyên nhân khiến sữa mẹ bị hôi, chúng ta sẽ dễ dàng có cách để xử lý tương ứng.

- Nếu sữa mẹ bị hôi do mẹ đang phải điều trị bằng thuốc: Mẹ nhớ xin ý kiến tư vấn của các sĩ về việc nên/không nên uống gì trong thời kì cho con bú để đảm bảo tốt nhất chất lượng nguồn sữa cũng như mùi vị sữa nhé!

- Nếu sữa mẹ bị hôi do mẹ vệ sinh bầu ngực chưa kĩ hoặc chưa có phương án để giảm rò rỉ sữa khi cương sữa: Mẹ nên sử dụng miếng lót thấm sữa tránh sữa rò ra áo, đồng thời trước khi cho bé ti trực tiếp hay hút sữa ra mẹ đều sẽ cần phải vệ sinh bầu ngực đặc biệt là đầu ti thật kĩ càng sạch sẽ bằng khăn ấm nhé!

Mẹ nhớ vệ sinh kĩ bầu ngực trước khi con ti nhé!

- Nếu sữa mẹ bị hôi do dụng cụ hút trữ sữa không được vệ sinh sạch sẽ: Mẹ hãy chú ý vệ sinh dụng cụ hút sữa/túi trữ sữa ngay sau mỗi lần sử dụng với dung dịch vệ sinh bình sữa chuyên dụng, sau đó có thể tiệt trùng bằng nước sôi để đảm bảo an toàn.

- Nếu sữa bị hôi sau khi được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh: Mẹ hãy vệ sinh tủ lạnh thật sạch sẽ cũng như bọc thực phẩm kĩ càng, để khi trữ sữa mẹ trong ngăn mát sữa mẹ sẽ không bị ám mùi từ các thực phẩm khác.

Ngoài ra, sữa mẹ mới vắt để trong ngăn mát tủ lạnh chỉ nên dùng trong 48 giờ thôi, tốt nhất là sữa vắt ra mẹ cho bé uống luôn trong ngày để giữ được mùi vị nguyên bản nhé các mẹ!

- Nếu sữa bị hôi khi bảo quản ở nhiệt độ thường

Các mẹ lưu ý sữa mẹ vắt ra chỉ có thể để được trong vòng 4 tiếng với điều kiện nhiệt độ phòng nhỏ hơn hoặc bằng 26 độ C. Nếu quá thời gian và sữa bị hôi, bị biến chất, mẹ hãy bỏ sữa đi nhé không nên cho bé bú đâu ạ! Tốt nhất là khi vắt ra mẹ bỏ ngay vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản nhé!

- Nếu sữa có mùi xà phòng sau khi rã đông: Sữa rã đông có mùi như mùi xà phòng do ảnh hưởng từ men Lipase thì không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé cả, nên mẹ vẫn cho bé bú bình thường. Nếu bé không chịu bú sữa rã đông vì không thích mùi đó, mẹ có thể khắc phục bằng cách sau:

1/Trộn lẫn sữa rã đông với sữa mới vắt chưa cấp đông theo tỉ lệ 1:1 để bớt mùi, rồi cho bé bú.

2/ Nếu bé không hợp tác tỉ lệ 1:1, hãy tăng tỉ lệ sữa mới vắt nhiều hơn nữa. Khi con quen dần, mẹ giảm dần tỉ lệ sữa mới vắt và tăng tỉ lệ sữa rã đông lên.

3/ Nếu bé vẫn không hợp tác, mẹ hãy tiến hành khử mùi sữa trước khi cấp đông:

Sau khi hút sữa ra, mẹ đun sữa với lửa thật nhỏ trên bếp. Khi sữa bắt đầu nổi bong bóng ở rìa thì mẹ tắt bếp để nguội rồi đem cấp đông như bình thường. Tuyệt đối không để sữa sôi, sẽ mất hết chất. Cách này giúp giảm mùi rõ rệt, dù nhược điểm là sẽ làm mất bớt 1 số kháng thể trong sữa mẹ nhưng vẫn đủ chất cho bé phát triển nhé các mẹ!

- Nếu mẹ ăn nhiều cá và tỏi khiến sữa thay đổi về mùi vị: Điều này không có gì quá đáng ngại vì cá và tỏi đều tốt cho sức khỏe của mẹ và không ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn sữa, mẹ theo dõi phản ứng của bé với vị sữa, nếu con không chê thì không sao cả mẹ nha! Còn nếu bé không thích và bú ít thì mẹ hạn chế ăn các loại thực phẩm này nha!

Cách chữa cháy cấp tốc trong trường hợp này chính là mẹ bổ sung ngay vài ly sữa đặc nóng để kích thích tạo sữa mới. Còn về lâu về dài để sữa ít bị hôi, giúp sữa về nhiều hơn cũng như sữa mát ngọt, đặc và thơm hơn, mẹ có thể bổ sung các sản phẩm lợi sữa uy tín như Lợi sữa Mộc Tiên, viên uống lợi sữa Mabio/Herbs Of Gold, viên uống lợi sữa Pregnacare Vitabiotics… nhé! Các sản phẩm này đều đã được đông đảo mẹ sữa sử dụng và ưa chuộng, khả năng cải thiện nguồn sữa cả về CHẤT và LƯỢNG đã được chứng minh.

Nếu mẹ có băn khoăn gì có thể bình luận phía dưới để Bibabo giải đáp thêm cho mẹ nhé!

Chúc các mẹ luôn thuận lợi trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ nha!

Theo Bibabo.vn