Tài khoản

Tất tật những điều cần biết về hiện tượng sổ nhau ở mẹ sau sinh

Thiên Thiên 4 năm trước

Nhau thai là một bộ phận cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi và luôn được nối liền với con bằng dây rốn. Chính vì thế nên khi em bé chào đời thì nhau thai cũng được “ra ngoài” cùng với em bé, lúc này nhau không còn giá trị dinh dưỡng đối với em bé nữa.

Quá trình sổ nhau sau sinh chỉ diễn ra vài phút sau khi sinh em bé, tử cung của bạn sẽ lại bắt đầu co thắt một lần nữa để tách nhau thai ra khỏi thành tử cung. Lần co thắt này sẽ không dữ dội như khi chuẩn bị sinh con và có rất nhiều trường hợp thai nhi sẽ kéo luôn cả nhau ra ngoài mà không cần đến quá trình sổ nhau. Khi bác sĩ thấy có dấu hiệu bóc tách này, họ sẽ yêu cầu mẹ rặn nhẹ để tống nhau thai ra ngoài và thường chỉ cần một cú đẩy ngắn để tử cung của bạn “sạch sẽ” và chỉ còn lại một ít sản dịch mà thôi.

Quá trình sổ nhau diễn ra bao lâu thì hết?

Trung bình giai đoạn thứ ba (giai đoạn sổ nhau) sẽ mất khoảng 5-10 phút và sau khi nhau thai được đẩy ra ngoài, tử cung của bạn cần co thắt trở lại và trở nên săn chắc hơn. Bạn có thể sờ thấy đỉnh tử cung trên bụng mình và khu vực xung quanh rốn.

Nếu không cho con bú hoặc tử cung chưa đàn hồi trở lại, bạn sẽ được tiêm oxytocin để giúp tử cung co bóp. Những cơn co thắt sau sinh diễn ra vào thời điểm này thường tương đối nhẹ nhàng và có tác dụng đẩy hết phần sản dịch sau sinh ra ngoài. Thông thường sinh con đầu lòng thì cơn đau sẽ nhanh hết sau 1 ngày. Nếu bạn từng sinh con trước đó, thỉnh thoảng bạn sẽ có các cơn co thắt cho đến hết một hay hai hôm sau.

Nếu như sinh thường thì sau khi sổ nhau xong thì người mẹ chỉ cần vài tiếng để hồi phục và có thể cho con bú ngay sau đó. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng sẽ rất tốt cho bé nếu mẹ cho con bú ngay sau khi sinh, bởi cơ thể sẽ được kích thích sản xuất ra oxytocin, một loại hormone có khả năng gây co bóp để giúp cho tử cung co bóp và đàn hồi trở lại.

Những dấu hiệu sót nhau thai

Không phải lúc nào nhau thai cũng sẽ sạch sẽ 100% sau khi mẹ sinh em bé, có rất nhiều trường hợp mẹ sau sinh bị sót nhau và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc chăm con. Một giờ sau khi em bé đã chào đời, nếu như nhau thai vẫn chưa được đẩy ra ngoài thì đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mẹ bị sót nhau thai.

Kèm theo đó, sản phụ có thể gặp các triệu chứng như sốt cao kéo dài, đau bụng lâm râm không ngừng, có dịch kèm mùi hôi chảy ra từ vùng kín và có thể có hiện tượng băng huyết. Những đối tượng có nguy cơ sót nhau cao hơn là phụ nữ mang thai ở độ tuổi ngoài 30, sinh non hoặc quá trình sinh nở diễn ra quá lâu hoặc thai bị chết lưu cũng dễ bị sót nhau thai.

Cách xử lý sót nhau khi sinh

Sót nhau sẽ không nguy hiểm nếu được chữa trị kịp thời, bác sĩ sẽ lấy nhau bằng thiết bị y tế hoặc cho mẹ sau sinh dùng các loại thuốc làm giãn tử cung tức thời để nhau thai có thể thoát ra ngoài.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng việc cho con bú cũng khiến cho tử cung co bóp và đẩy nhau thai ra ngoài nhưng tốt hơn người bệnh vẫn cần được sự theo dõi từ bác sĩ. Đôi khi chỉ cần đi tiểu cũng tạo ra áp lực kép giúp nhau thai thoát ra dễ dàng hơn. Nếu tất cả các phương pháp trên đều không thành công thì việc phẫu thuật cấp cứu để mẹ sau sinh lọai bỏ nhau khỏi tử cung là cần thiết.

Conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn