Tài khoản

Tiểu đường thai kỳ và những điều mẹ bầu cần biết

Nguyen thi Linh 4 năm trước

Tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý thường gặp khi mang thai, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. 

Xem nhanh

  • Tiểu đường thai kỳ là gì?
  • Ai có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao? 
  • Dấu hiệu mắc tiểu đường thai kỳ
  • Điều trị tiểu đường thai kỳ như thế nào? 
  • Đảm bảo đi khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ. 

Xem thêm

Hiện nay, ước tính có khoảng 5% phụ nữ mang thai bị bệnh tiểu đường thai kỳ. Tình trạng này thường gặp ở mẹ bầu từ tháng thứ 3 trở đi. 

1Tiểu đường thai kỳ là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (tiểu đường thai kỳ) "là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai." Tin vui là, tiểu đường thai kỳ chỉ là bệnh "tạm thời". Khi bé được sinh ra, lượng đường trong máu có thể sẽ trở lại bình thường một cách nhanh chóng, khoảng 6 tuần sau sinh. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan với tiểu đường thai kỳ vì nó làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường sau này. 

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý hay gặp khi mang thai (Ảnh: Internet)

2Ai có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao? 

Bất cứ ai cũng có thể bị tiểu đường thai kỳ, nhưng nếu rơi vào một trong những trường hợp dưới đây, khả năng mắc tiểu đường thai kỳ của bạn sẽ cao hơn những người khác: 

  • Tuổi càng cao nguy cơ càng tăng, >= 35 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn. 

  • Có người thân có tiền sử mắc tiểu đường. 

  • Thừa cân, béo phì, đặc biệt chỉ số BMI >= 30

  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

  • Có tiền sử bất thường về dung nạp glucose như đã từng bị tiểu đường trong thai kỳ trước, glucose niệu dương tính,...

  • Tiền sử sinh con >= 4.000g

Không có cách nào đảm bảo 100% bạn không bị tiểu đường thai kỳ. Nhưng nếu áp dụng một số biện pháp như ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ đấy. 

Mẹ bầu nào cũng có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ nếu không có chế độ sinh hoạt đúng đắn, khoa học (Ảnh: Internet)

3Dấu hiệu mắc tiểu đường thai kỳ

Không có triệu chứng rõ ràng cho thấy bạn đã bị tiểu đường thai kỳ. Đó là lí do tại sao từ tuần 24 - tuần 28 của thai kỳ, bạn nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe và có biện pháp điều trị đúng đắn, đảm bảo sức khỏe của cả hai mẹ con. 

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ phổ biến nhất là xét nghiệm sàng lọc glucose đường uống. Cụ thể, khi đến ngày làm xét nghiệm, bạn sẽ được uống một cốc chất lỏng ngọt. 1 giờ sau, bạn sẽ được làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức glucose trong máu. Xét nghiệm này giúp đánh giá hiệu quả sản xuất insulin của cơ thể bạn đối với lượng đường được đưa vào cơ thể. 

Nếu kết quả xét nghiệm này cho thấy lượng đường trong máu của bạn quá cao, bạn sẽ cần thực hiện thêm 1 xét nghiệm nữa là xét nghiệm dung nạp glucose đường uống. Trước khi thực hiện xét nghiệm thứ 2, bạn cần nhịn ăn và kiểm tra máu lúc nhịn ăn. Sau đó bạn được uống 1 cốc chất lỏng ngọt. Bác sĩ sẽ tiếp tục kiểm tra máu một lần nữa sau 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ uống chất lỏng. 

Nếu cả hai xét nghiệm đều cho thấy lượng đường trong máu quá cao, bạn sẽ được kết luận mắc tiểu đường thai kỳ. 

Cả hai xét nghiệm đều an toàn cho bạn và bé, không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Có điều, chất lỏng được uống có mùi vị khó chịu và có thể khiến bạn buồn nôn một chút thôi, không sao nhé. 

Xét nghiệm sàng lọc là cách duy nhất để biết bạn đã bị tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)

4Điều trị tiểu đường thai kỳ như thế nào? 

Một kế hoạch luyện tập thể dục cùng một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh (chủ yếu ăn ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, rau xanh và các thực phẩm ít đường) sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ tốt hơn.
Tuy nhiên, khoảng 15% mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường cần sử dụng thuốc để cân bằng lượng đường trong máu, chống tăng đường huyết. 

Theo dõi lượng đường trong máu hàng ngày, đều đặn là cực kỳ quan trọng giúp bạn điều trị tiểu đường thai kỳ. Bạn có thể mua 1 dụng cụ đo đường huyết tại nhà (theo hướng dẫn của bác sĩ), chích 1 ít máu ở đầu ngón tay vào buổi sáng sau bữa ăn 1 - 2 tiếng và đo, đọc kết quả theo hướng dẫn của thiết bị. Việc này có hơi phức tạp nhưng sẽ giúp bạn nắm rõ tình trạng đường huyết và có điều chỉnh kịp thời khi lượng đường huyết tăng cao.

Vận động thường xuyên, ăn uống khoa học để điều trị và phòng ngừa tiểu đường thai kỳ (Ảnh: Internet)

5Đảm bảo đi khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ. 

Bệnh tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Đối với sức khỏe mẹ bầu: 

  • Tăng nguy cơ sinh non. 

  • Tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật. 

  • Ảnh hưởng lâu dài: Tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ trong những lần mang thai tiếp theo, tăng nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai. 

Đối với sức khỏe thai nhi: 

  • Thai tăng trưởng quá mức và thai to, dẫn đến thai khó sinh. 

  • Trẻ có nguy cơ hạ đường huyết sau khi sinh và suy hô hấp (khó thở), ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ. 

  • Ảnh hưởng lâu dài: Tăng khả năng trẻ mắc béo phì, tiểu đường type II. 

6Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Trong quá trình điều trị và sống chung với tiểu đường thai kỳ, nếu cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ hỗ trợ. 

Một số biểu hiện cho thấy lượng đường trong máu của bạn đang quá cao: 

  • Cảm thấy rất khát. 

  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường. 

  • Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, mờ mắt. 

Tiểu đường thai kỳ mang đến nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi, bao gồm cả sinh non, sảy thai, béo phì và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Hãy giữ chế độ ăn uống khoa học và chăm chỉ luyện tập thể dục, vận động để phòng tránh tiểu đường thai kỳ và bảo vệ sức khỏe cho bạn và bé nhé. 

Theo Bibabo.vn