Tài khoản

Tình trạng trẻ bị sốt mùa nắng nóng có phải do ảnh hưởng từ thời tiết?

Nguyễn Thu Quỳnh 4 năm trước

Trẻ bị sốt mùa nắng nóng dường như là tình trạng mà 10 bé thì hết 9 bé mắc phải. Vì thế, gia đình nên biết cách phòng tránh và nhận biết nguyên nhân của cơn sốt bởi nó sẽ khiến trẻ mệt mỏi và kiệt sức nhanh chóng. 

Ngày nắng nóng, trẻ chơi đùa thái quá có thể bị mất nước hoặc nhiễm virus từ bạn bè khiến cơ thể mắc bệnh. Tuy nhiên, trẻ bị sốt cũng có thể là do những thay đổi từ thời tiết, vì vậy nếu mẹ không xác định được nguyên nhân sẽ gây khó khăn và kéo dài cho việc điều trị.

Trẻ bị sốt mùa nắng nóng do nhiễm enterovirus


Trong số các virus gây bệnh thì enterovirus là nhóm virus phổ biến nhất gây sốt ở trẻ. Tình trạng này còn được biết đến với cái tên khác là sốt siêu vi ở trẻ, thường xuyên xảy ra vào mùa hè với hơn 100 loại khác nhau. Mặc dù không gây ra các biến chứng nghiêm trọng nhưng hơn 90% các bệnh do virus này gây ra thường khiến trẻ bị sốt kéo dài từ 5 – 7 ngày.

Trẻ dễ bị lây nhiễm virus trực tiếp qua các con đường như nước bọt, qua việc thay tã cho trẻ, hay qua tiếp xúc nước mũi, hít phải chúng trong không khí,…

Không phải trẻ nào bị nhiễm enterovirus cũng bị sốt, có những trẻ có thể tự khỏi nếu sức đề kháng khỏe mạnh. Có thể tình trạng sốt có kèm theo phát ban và sốt không đặc hiệu (tình trạng sốt tự nhiên không kèm theo các dấu hiệu đặc trưng nào).

Trẻ bị sốt có liên quan đến nhiệt độ môi trường?

Ở mỗi mùa, mỗi thời tiết khác nhau sẽ có những dịch bệnh đặc trưng xảy ra. Nếu như trẻ bị sốt mùa nắng nóng có thể do mắc một số bệnh có vẻ đặc trưng theo mùa, tùy vào mức độ nhẹ mà bé có thể tự khỏi. Thực tế mối quan hệ giữa việc trẻ sốt cao và thời tiết liên kết khá mật thiết. Một số kết luận tại một nghiên cứu tại Anh Quốc cho thấy:

  • Với những trẻ dưới 2 tuổi, thân nhiệt của trẻ thường tăng khi ở trong môi trường nắng nóng kéo dài và dễ có nguy cơ sốt cao hơn so với bình thường.
  • Trường hợp trẻ đã từng bị tiêu chảy hay viêm đường ruột sẽ dễ có nguy cơ bị sốt trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hơn so trẻ bình thường.
  • Trẻ em đã hoặc đang bị bệnh đường hô hấp trước đó thường dễ sốt và sốt cao hơn nếu như nhiệt độ môi trường tăng cao kéo dài.
  • Trẻ bị khuyết tật bẩm sinh thường dễ bị sốt, trẻ bị say nắng và mất nước vào mùa nắng nóng hơn trẻ bình thường.
  • Nhìn chung tình trạng trẻ bị sốt do ảnh hưởng từ thời tiết sẽ nhanh hạ nhiệt hơn so với tình trạng sốt virus gây ra. Vì thế gia đình nên có cách phòng bệnh mùa hè cho trẻ để giảm thiểu tình trạng bé mệt mỏi do ảnh hưởng từ thời tiết trong mùa nóng.

Nên làm gì khi trẻ bị sốt mùa nắng nóng?

Đừng quá hoảng hốt nếu như trẻ có dấu hiệu sốt cao, đây là biểu hiện cho thấy các kháng thể trong cơ thể con đang hoạt động tích cực để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Trong vòng 24h, nếu như trẻ chỉ sốt và không có biểu hiện bất thường nghiêm trọng nào thì bố mẹ có thể hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng những phương pháp đơn giản:

  • Bố mẹ nên cho bé nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát nhưng không có gió lùa, không cho trẻ mặc nhiều quần áo hay đắp chăn dày cho trẻ.
  • Hạ sốt thông thường bằng cách lau người trẻ bằng nước ấm, cho bé uống nhiều nước để không bị mất cân bằng điện giải.
  • Bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt của con thường xuyên và quan sát con có các biểu hiện khác thường nào khác trong thời gian con bị sốt hay không.
  • Chỉ nên lau người cho bé và tuyệt đối không được tắm nước lạnh cho con.
  • Nếu như bé sốt cao không hạ kèm theo bị nôn hoặc tiêu chảy thì mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để cho con uống nước bù điện giải.

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

  • Nguy hiểm khi trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt.
  • Trẻ bị sốt kèm theo phát ban, nôn nhiều lần và tiêu chảy nghiêm trọng.
  • Bé có dấu hiệu mất nước, kém tỉnh táo, hoạt động ít, không chảy nước mắt khi khóc.
  • Trẻ từng có tiểu sử bị các bệnh nghiêm trọng.

Nguồn: conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn