Tài khoản

Top 4 bệnh mùa mưa mà trẻ nhỏ thường hay mắc phải

Mẹ Soo 4 năm trước

Mùa mưa là thời điểm mà trẻ dễ mắc bệnh nhất bởi độ ẩm trong không khí thay đổi rất thất thường. Chính điều này khiến vi khuẩn, virus… phát triển và gây bệnh, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Và dưới đây là top 4 bệnh mùa mưa mà trẻ nhỏ thường gặp phải bố mẹ cần lưu ý.

Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chắc chắn sẽ không thể nào bằng người lớn được. Chính vì vậy mà trẻ sẽ dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh mùa mưa. Vì thế, bố mẹ cần biết rõ về các bệnh mùa mưa và có cách đề phòng để bảo vệ trẻ con yêu an toàn.

Trẻ bị viêm đường hô hấp

Đây là căn bệnh vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ và rất hay xuất hiện vào mùa mưa. Nguyên nhân là do khí hậu ẩm ướt, nhiệt độ lạnh của mưa, gió khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Hậu quả là gây ra các bệnh về đường hô hấp như trẻ bị viêm amidan, viêm VA, viêm thanh quản, viêm tai giữa… Dấu hiệu dễ thấy nhất đó là trẻ bị ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt, đau nhức cơ thể…

Lúc này, bố mẹ nên khắc phục các triệu chứng cho trẻ càng sớm càng tốt để giúp trẻ không quá khó chịu vì bệnh. Ngoài ra, nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn cách chăm sóc cũng như cho trẻ uống thuốc như thế nào để nhanh khỏi.

Bệnh sốt xuất huyết

Có những bệnh mùa mưa nào ở trẻ?

Sốt xuất huyết là một torng những bệnh mùa mưa phổ biến ở trẻ

Trẻ bị sốt xuất huyết là dạng bệnh lây truyền cấp tính do virus gây ra. Đây là một bệnh mùa mưa có tốc độ lây lan rất nhanh và biến chứng cực kỳ nguy hiểm như gây xuất huyết ồ ạt, trụy tim mạch… thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Khi trẻ bị sốt xuất huyết sẽ diễn tiến qua 3 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn sốt ban đầu: trẻ bị sốt cao đột ngột liên tục từ 38 – 390C, kèm theo đó là trẻ khó chịu, bứt rứt, buồn nôn, đau đầu, đau nhức cơ thể, đau mỏi mắt và xuất hiện chấm xuất huyết dưới da. Sau đó, trẻ sẽ bị xuất huyết tiêu hóa, nôn và đi ngoài ra máu, bạch cầu giảm.
  • Giai đoạn nguy hiểm: đây là giai đoạn sau khoảng 3 – 7 ngày trẻ bị bệnh. Dấu hiệu nhận biết trong giai đoạn này là trẻ không còn sốt nữa hoặc sốt nhẹ và thay vào đó là tràn dịch màng phổi màng bụng, phù nề mi mắt, gan to, thoát huyết tương.
  • Giai đoạn phục hồi: khoảng 48 – 72 giờ sau giai đoạn nguy hiểm thì trẻ sẽ không còn sốt nữa, sức khỏe tốt hơn, khẩu vị quay trở lại và trẻ tươi tỉnh, hoạt bát hơn lúc bệnh.

Trong quá trình trẻ bệnh thì bố mẹ cần lưu ý chăm sóc khoa học. Tuyệt đối không cạo gió cho trẻ, không cho trẻ uống Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Đưa trẻ đi bệnh viện ngay nếu có những dấu hiệu nguy hiểm như sốt co giật, tay chân lạnh run, da đổi màu, đau bụng dữ dội…

Trẻ bị tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng ở trẻ là một bệnh rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh này có thể xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa. Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa và hiện nay vẫn chưa có vắc-xin đặc trị căn bệnh này.

Vì thế, tốt nhất bố mẹ cần chủ động bảo vệ trẻ khỏi bệnh mùa mưa nguy hiểm này bằng cách thực hiện ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay, rửa chân bằng xà phòng, nhất là trước và sau khi ăn, sau khi hắt hơi…

Trẻ bị tiêu chảy

Vào những ngày mưa nhiều cũng chính là thời điểm trẻ bị tiêu chảy và các bệnh về đường tiêu hóa bùng phát. Dấu hiệu rõ ràng nhất là trẻ bị sốt cao, quấy khóc, bỏ ăn, đi ngoài nhiều lần và phân của trẻ không bình thường. Nguyên nhân là do mùa mưa gây phát sinh nhiều mầm bệnh và khi virus, vi khuẩn bám vào đồ ăn, thức uống của trẻ sẽ khiến trẻ bị tiêu chảy.

Trong trường hợp này, bố mẹ cần có cách chăm sóc cho trẻ khoa học, cho trẻ ăn chín uống sôi, thực phẩm phải sạch, rửa tay sạch trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu có những dấu hiệu như trẻ mất nước, ngất xỉu…

Nguồn: conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn