Tài khoản

Trầm cảm sau sinh: Những dấu hiệu báo trước

Mẹ BiBi 5 năm trước 7 bình luận

Trầm cảm sau sinh không còn là tình trạng hiếm hoi ở các mẹ sau sinh nữa, nó đang có xu hướng gia tăng mỗi ngày. 

Xem nhanh

  • Trầm cảm sau sinh là gì? 
  • Nguyên nhân mẹ bị trầm cảm sau sinh 
  • Ai dễ mắc bệnh trầm cảm?
  • Dấu hiệu sớm nhận biết mẹ mắc bệnh trầm cảm
  • Làm gì để phòng ngừa trầm cảm sau sinh?

Không khó để bắt gặp những tin bài về mẹ sau sinh bị trầm cảm, nhẹ thì suy sụp tinh thần, nặng thì giết con, tự tử trên những tờ báo. Vấn đề này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều gia đình. 

Vậy làm thế nào để biết người mẹ đang bị trầm cảm? Mời các mẹ tham khảo bài viết này nhé!

Áp lực khi chăm sóc em bé khiến mẹ sau sinh dễ mắc phải trầm cảm (Ảnh: Internet)

1Trầm cảm sau sinh là gì? 

Theo TS. BS Lê Thị Thu Hà, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ, trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là một người mẹ xấu. 

Tất nhiên, không phải người mẹ bị trầm cảm nào cũng có cảm giác như nhau. Một số mẹ bị nhẹ, một số bị vừa, một số khác lại bị nặng. Mẹ có thể bị trầm cảm thoáng qua nhưng cũng có thể bị trầm cảm kéo dài. Hãy tỉnh táo để nhận ra tình trạng của bản thân và ứng phó kịp thời. 

2Nguyên nhân mẹ bị trầm cảm sau sinh 

Cũng theo TS. BS Lê Thị Thu Hà, một số yếu tố dưới đây tác động tiêu cực lên cảm xúc, tâm trạng của mẹ sau sinh, thúc đầy tình trạng trầm cảm sau sinh diễn ra nhanh hơn:

  • Nội tiết tố thay đổi, cụ thể là sự giảm đột ngột của hormone Estrogen và Progesterone.

  • Những thay đổi về lượng máu, huyết áp, hệ miễn dịch và tình trạng chuyển hóa của cơ thể. 

  • Mâu thuẫn trong gia đình, lo lắng vấn đề tài chính. 

  • Thiếu sự giúp đỡ của người thân trong việc chăm sóc bé. 

  • Khó khăn khi chăm sóc bé, nhất là khi bé bị bệnh tật. Từ đó dẫn tới cảm giác căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé của chính bản thân mình. 

  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người từng bị trầm cảm. 

Thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của người thân là nguyên nhân quan trọng khiến phụ nữ sau sinh bị trầm cảm (Ảnh: Internet)

3Ai dễ mắc bệnh trầm cảm?

  • Có tiền sử mắc bệnh trầm cảm.

  • Tuổi < 18 tuổi. 

  • Trải qua nhiều tình huống căng thẳng như bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp, tài chính không có. 

  • Thiếu sự giúp đỡ của chồng, sự đồng cảm, chia sẻ của người thân. 

  • Mâu thuẫn giữa vợ chồng, giữa mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng,... 

  • Từng gặp  các biến chứng thai kỳ: Thai lưu, sảy thai. 

  • Mẹ bầu con so thường dễ trầm cảm hơn. 

4Dấu hiệu sớm nhận biết mẹ mắc bệnh trầm cảm

Theo Mayo Clinic, đây là 10 dấu hiệu nhận biết trầm cảm: 

  1. Cảm xúc thay đổi, dễ bùng nổ. 

  2. Cảm thấy buồn bã hầu như cả ngày. 

  3. Cảm thấy khó thở như bị đè chặt. 

  4. Hay lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an. 

  5. Thu hẹp mình lại, hạn chế giao tiếp với người khác. 

  6. Giảm trí nhớ, kém tập trung. 

  7. Hay khóc, ngay cả với những lý do nhỏ nhặt nhất. 

  8. Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ triền miên. 

  9. Chán ăn, bỏ ăn. 

  10. Cảm thấy kiệt sức và mất năng lượng.   

Hãy thử kiểm tra với bản thân mình. Nếu mẹ có từ 5 triệu chứng trở lên, trong đó có ít nhất 3 triệu chứng nằm trong 5 dấu hiệu đầu tiên thì mẹ cần đi khám để được kiểm tra và tư vấn. 

Nếu mẹ từng có ý định ngược đãi, xâm hại trẻ, hay nghiêm trọng hơn, mẹ từng có suy nghĩ “giết” trẻ hoặc tự sát cả mẹ và con thì mẹ cần đi khám khẩn cấp và tiếp nhận điều trị. Điều này sẽ tốt hơn cho cả mẹ và bé. 

Nếu nghi ngờ bản thân bị trầm cảm sau sinh, mẹ nên đi khám ngay để kiểm tra và điều trị kịp thời (Ảnh: Internet)

5Làm gì để phòng ngừa trầm cảm sau sinh?

Quan trọng nhất, đừng để bản thân mình rơi vào những trạng thái tiêu cực. Nếu mẹ gặp khó khăn trong việc chăm bé và không biết phải làm sao, hãy hỏi những người xung quanh, hỏi cộng đồng trên Bibabo. Nếu mẹ cần giúp đỡ, hãy chia sẻ với những người thân yêu nhất, nếu không thì chia sẻ với người lạ. Miễn là phải nói ra được điều đang làm mẹ cảm thấy mệt mỏi. Nói ra được, mẹ sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều. 

Hãy dành thời gian cho chính bản thân mình. Thỉnh thoảng trang điểm một chút, thỉnh thoảng mặc những bộ quần áo đẹp và cùng con đi ra ngoài. 4 bức tường là không gian rất tù túng và bí bích, hãy ra ngoài cùng thế giới rộng lớn, mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn. 

Hãy làm những điều mình cảm thấy vui vẻ. Và nghỉ ngơi nếu thấy mệt mỏi. 

Thay vì cáu gắt, hãy chơi với con. Hãy thể hiện tình yêu thương với bé con một cách tích cực nhất. Hãy để bé biết bạn yêu bé đến nhường nào. Và bạn sẽ không làm gì tổn thương đến bé cả. 

Đừng để bản thân phải gồng gánh quá nhiều. Hãy chia công việc ra cho cả hai vợ chồng, người chồng cần có trách nhiệm san sẻ cùng bạn chuyện chăm sóc bé. 

Nếu muốn dùng thuốc, hãy tìm đến bác sĩ. Mẹ không nên tự ý dùng thuốc hỗ trợ điều trị trầm cảm vì nếu không dùng đúng sẽ không giải quyết được vấn đề cho mẹ đâu. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm