Tài khoản

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh: Những điều ba mẹ cần biết

Mẹ Tún nhỏ 4 năm trước 23 bình luận

Trào ngược dạ dày thực quản với biểu hiện thường gặp nhất là hiện tượng nôn trớ sau khi ăn là một trong những vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ. 

Xem nhanh

  • Trào ngược dạ dày thực quản là gì? 
  • Nguyên nhân trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
  • Phân biệt trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý
  • Dấu hiệu trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý
  • Ba mẹ cần làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Xem thêm

Trào ngược dạ dày thực quản thường biểu hiện rõ ràng trong những tháng đầu đời của trẻ. Nếu tình trạng nôn trớ do trào ngược không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ăn uống và quá trình phát triển của trẻ bình thường của trẻ thì ba mẹ không cần quá lo lắng. Nhưng nếu mẹ thấy trẻ có biểu hiện phát triển không bình thường, khi đó mẹ nên đưa trẻ đi khám. 

1Trào ngược dạ dày thực quản là gì? 

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (tên khoa học là Gastroesophageal Reflux Disease - GERD) xảy ra khi dịch vị có tính axit ở dạ dày hoặc thức ăn chảy ngược từ dạ dày vào miệng. 

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh. Do đó, ba mẹ cần hết sức lưu ý. 

Trẻ sơ sinh rất dễ bị trào ngược dạ dày thực quản (Ảnh: Internet)

2Nguyên nhân trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cơ vòng thực quản (cơ có vai trò như một chiếc van nối giữa dạ dày) bị yếu hoặc hoạt động không bình thường.

Thông thường, khi ăn, cơ vòng sẽ mở ra để thức ăn đi từ miệng và dạ dày, sau đó cơ vòng tự đóng lại để giữ chặt thức ăn trong dạ dày, từ từ tiêu hóa hết. 

Tuy nhiên, khi cơ vòng bị giãn ra, yếu đi hoặc hoạt động quá nhiều làm mất tính đàn hồi, “van khóa” không đóng chặt tạo cơ hội cho thức ăn và dịch vị dạ dày trào ra khỏi van, lên tới miệng, dẫn tới hiện tượng nôn trớ ra ngoài. 

Ngoài ra, dạ dày của trẻ sơ sinh thường nằm ngang. Sau khi trẻ ăn, ba mẹ đặt trẻ nằm xuống giường ngay sẽ rất dễ khiến trẻ bị trớ ra ngoài. 

Ba mẹ không nên cho trẻ nằm ngay sau khi ăn, rất dễ bị nôn trớ (Ảnh: Internet)

3Phân biệt trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý

Có thể chia chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh thành 2 loại: Trào ngược sinh lý và Trào ngược bệnh lý. 

  • Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, với tần suất ít, chủ yếu xảy ra ngay sau khi bú. Nếu trẻ vẫn ăn uống bình thường, trẻ phát triển tốt và không có nhiều khó chịu, rất có khả năng đây là trào ngược sinh lý. Lúc này, ba mẹ không cần lo lắng nhiều. Tình trạng trào ngược dạ dày sinh lý sẽ giảm dần theo thời gian. 

  • Trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý diễn ra lâu hơn, thường xuyên hơn. Nếu trẻ bị chậm lên cân, lười ăn, gầy khò, phát triển kém,... rất có thể trẻ bị trào ngược bệnh lý. Lúc này, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để được kiểm tra sớm nhất. 

4Dấu hiệu trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý

Ngoài nôn trớ, trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có thể có một số biểu hiện dưới đây: 

  • Trẻ từ chối ăn, ăn kém. 

  • Trẻ bị khó nuốt, hoặc cảm giác như có gì đó vướng ở cổ. 

  • Trẻ bị khò khè khó thở. 

  • Trẻ cảm thấy khó chịu trong và sau khi ăn. 

  • Trẻ gầy gò, phát triển kém, không tăng thậm chí giảm cân. 

  • Trẻ bị ho, thậm chí là viêm phổi. 

Trẻ bị trào ngược dạ dày bệnh lý có thể gặp các vấn đề về hô hấp (Ảnh: Internet)

5Ba mẹ cần làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Một số lưu ý nhỏ trong chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày phần nào giúp bé yêu giảm chứng trào ngược dạ dày thực quản.

  • Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng, tránh tư thế nằm ngang khi cho trẻ ăn. 

  • Sau khi trẻ ăn xong, ba mẹ không nên cho trẻ nằm luôn. Bạn có thể ôm ấp trẻ, để ngực trẻ áp sát vào ngực mẹ, vừa tăng tiếp xúc và tình cảm giữa hai mẹ con, vừa giúp trẻ hạn chế nôn trớ sau ăn. 

  • Không nên cho trẻ nằm gối cao để ngừa trào ngược dạ dày vì gối đầu cao làm tăng nguy cơ trẻ bị nghẹt thở rất nguy hiểm. 

  • Nên cho trẻ ăn ít hơn mỗi bữa và chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành 5 - 6 bữa/ngày. 

  • Tiến hành vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi ăn.

  • Làm đặc sữa mẹ hoặc sữa công thức bằng cách thêm 1 muỗng nhỏ ngũ cốc hoặc yến mạch. 

  • Không nên cho trẻ ăn một số thực phẩm có vị chua, cay, đồ nhiều dầu mỡ và caffeine như trái cây họ cam quýt, socola, cafe, trà, đồ ăn nhanh, tỏi và hành tây,... 

Sau khi điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của trẻ, ba mẹ tiến hành theo dõi phản ứng của trẻ. Nếu tình trạng trào ngược không đỡ, thậm chí có xu hướng gia tăng, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để được kiểm tra và điều trị sớm. 

Vỗ ợ hơi sau khi ăn là cách hiệu quả giúp giảm tình trạng trào ngược ở trẻ (Ảnh: Internet)

6Khi nào cần đưa trẻ đi viện?

Phần lớn các biện pháp kể trên đều không có nhiều tác dụng trong trường hợp trẻ bị trào ngược dạ dày bệnh lý. Do đó, ba mẹ nên đi khám để tìm nguyên nhân gây ra bệnh ở trẻ, từ đó có hướng điều trị kịp thời.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm