Tài khoản

Trẻ 3 tuổi chậm nói, nguyên nhân chủ yếu đến từ gia đình!

Vũ Mai 5 năm trước

Thông thường, khi bé bước sang tuổi lên 3, bố mẹ thường chứng kiến sự “bùng nổ” về khả năng phát triển ngôn ngữ của bé và khả năng ghi nhớ, lặp đi lặp lại những từ ngữ con quen thuộc. Mỗi ngày con ghi nhớ một từ mới thông qua việc dạy dỗ của bố mẹ, từ đó sẽ tăng lên về vốn từ vựng và bé sẽ kết hợp ba hoặc nhiều từ hơn trong một câu.

Trẻ 3 tuổi hoàn toàn có thể hiểu được mẹ đang ra lệnh cho con, bằng những câu đơn giản như “mặc quần áo”, “đưa mẹ cái này, cái kia”, ” con đến ăn cơm” và thực hiện theo lời mẹ. Sự lặp đi lặp lại giữa việc mẹ ra lệnh, con phản hồi – mẹ chỉ dạy – con ghi nhớ chính là cách giúp trẻ tập nói hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu đời của con.

Chính vì vậy, khi trẻ 3 tuổi chậm biết nói có thể do 3 nguyên nhân chính là do môi trường của trẻ ít ngôn ngữ, do trẻ chỉ nhận thông tin mà không phản hồi và do trẻ bị bệnh lý bẩm sinh không thể nói, hoặc khó ghi nhớ từ ngữ. Vì thế nên việc cải thiện khả năng ngôn ngữ bước đầu cần xác định nguyên nhân, từ đó sẽ có cách giải quyết cụ thể mà mẹ cần tuân thủ trong thời gian dài.

Cha mẹ có thể làm gì để giúp trẻ tập nói?

Trong trường hợp trẻ 3 tuổi chậm nói và chưa thể phát âm được các từ đơn giản như “ba, ma, cha,…” thì bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ để làm kiểm tra. Nếu nguyên nhân do bệnh lý khiến trẻ khó phát âm (ngắn lưỡi, hở hàm ếch, trẻ chậm phát triển…) sẽ được điều trị cụ thể. Nếu do nguyên nhân nhân từ môi trường, gia đình thì chính gia đình phải khắc phục giúp bé.

Giống như nhiều việc khác, phát triển khả năng nói là tổng hợp của khả năng bẩm sinh và nuôi dạy trẻ. Bố mẹ hãy tự hỏi bản thân đã kích thích trẻ nói thường xuyên không? Trẻ có cơ hội trò chuyện cùng gia đình không? Môi trường của con có thật sự “buồn tẻ” quá không?

Việc phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp ở trẻ phải được rèn luyện từ người lớn. Trẻ chỉ có thể nói được khi có vốn từ vựng và vốn từ vựng này đến từ sự ghi nhớ lặp đi lặp lại khi nghe bố mẹ, ông bà phát âm cho trẻ nghe mỗi ngày.

Nhiệm vụ của gia đình là dù cho bận rộn đến đâu cũng phải dành thời gian để giao tiếp với trẻ. Xen kẽ vào đó là gia đình nên cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, ra ngoài nhiều hơn thay vì “giao con” cho tivi, máy tính, điện thoại.

Thường xuyên chỉ vào một vật bất kỳ và gọi tên để bé nhớ, bố mẹ cũng có thể hát vu vơ và bắt chước các âm thanh và cử chỉ để thu hút sự chú ý của con. Đọc sách cho bé nghe, tốt nhất là những cuốn sách về các loài vật để con bắt chước cử động và khuyến khích trí tưởng tượng của bé.

Tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ và bố mẹ hãy kiên nhẫn giải thích mọi chuyện với trẻ, mặc dù con chưa phản hồi nhưng quá trình ghi nhớ lâu dài sẽ giúp con tự tin giao tiếp hơn.

Dù con bạn ở tuổi nào đi nữa thì việc trẻ phát triển chậm chạp các kỹ năng, vận động và suy nghĩ cũng cần được gia đình nhận ra và xử lý vấn đề càng sớm càng tốt. Và nếu không thể đảm bảo giúp trẻ thì hãy nhờ đến bác sĩ để được hỗ trợ bố mẹ nhé!

th

Theo Bibabo.vn