Tài khoản

Trẻ bị ho có đờm? Áp dụng cách này ngay!

Mẹ Linh Nhi 4 năm trước 10 bình luận

Con bị ho có đờm mà không muốn dùng thuốc, không dùng kháng sinh, không mẹo dân gian phải làm sao? Tham khảo ngay cách này nhé!

Xem nhanh

  • Vỗ rung long đờm là gì?
  • Cách thực hiện vỗ rung long đờm cho bé
  • Lưu ý khi vỗ rung long đờm

Thời tiết thay đổi thất thường nên bé nhà em bị ho có đờm, cứ khò khè khó chịu, vừa mệt vừa lo các mẹ ạ. Mỗi lần con ho, cố gắng đẩy đờm nhớt ra mà không được là con lại nôn trớ, bao nhiêu thức ăn gắng mãi mới ăn được là phun hết cả ra, toi công cả mẹ lẫn con. 

Ông xã mình lên các trang của bệnh viện học được cách vỗ rung long đờm bèn về áp dụng thử. Trộm vía vì tìm hiểu tỉ mỉ, thực hành đúng cách nên chỉ sau 5 phút đã giúp con tống đờm ra ngoài, hoặc có thể đờm nuốt vào trong bụng rồi nhưng sau đó không thấy con khó chịu nữa. Mỗi lần đờm tích lại ba lại vỗ rung cho con rất hiệu quả. Mình xin chia sẻ kinh nghiệm các mẹ tham khảo áp dụng nhé.

Vỗ rung long đờm là biện pháp hiệu quả trị ho có đờm cho bé (Ảnh: Internet)

1Vỗ rung long đờm là gì?

Vỗ rung long đờm hiểu nôm na là cách thức tác động vào cơ thể bé, giúp phổi giãn nở, tăng cường sức của hệ hô hấp và đào thải được chất nhờn ra khỏi hệ hô hấp một cách hiệu quả. Cả trẻ em và người lớn đều có thể áp dụng được phương pháp vỗ rung long đờm. Với các mẹ không muốn cho bé sử dụng kháng sinh, mẹ nên tìm hiểu và áp dụng cách này nhé.

2Cách thực hiện vỗ rung long đờm cho bé

Dưới đây là cách ông xã mình đã thực hiện vỗ rung long đờm cho bé. Mình cung cấp thông tin chỉ mang tính chất tham khảo nhé các mẹ, không khuyến khích các mẹ làm theo. Nếu vỗ đúng cách, bé sẽ cảm thấy thoải mái, không hề đau chút nào.

  • Bước 1: Đặt trẻ ở tư thế thoải mái, thích hợp. Có thể để con nằm trên ngực mẹ, nằm úp lên đùi mẹ hặc bé nằm nghiêng về một bên. 

  • Bước 2: Khum bàn tay lại, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ.

  • Bước 3: Bắt đầu vỗ rung long đờm ở vị trí vùng ngực của trẻ, không vỗ xuống khu vực dạ dày hay ruột, tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Lực vừa phải, không dùng lực mạnh. Khi vỗ mẹ nghe thấy tiếng âm thanh rỗng bồm bộp phát ra là được. Nếu âm thanh bèn bẹt như tiếng vỗ tay là mẹ thực hiện chưa chính xác, cần điều chỉnh lại, có thể bàn tay cong chưa đủ. Thời gian cho một lần vỗ rung long đờm là khoảng 10 phút, ngày thực hiện khoảng 3 lần. Vỗ từ bên trái rồi vỗ qua bên phải. Vỗ đến khi trẻ ho được là tốt, trẻ ho sẽ giúp tống đờm. Không tiến hành vỗ khi bé ho.

Các bước vỗ rung long đờm khá đơn giản, mẹ có thể thực hiện tại nhà (Ảnh: Internet)

3Lưu ý khi vỗ rung long đờm

  • Trước mỗi lần vỗ rung long đờm con cần được nhịn ăn từ 1,5 - 2 tiếng. Nguyên nhân là vì khi vỗ rung long đờm, bé rất dễ bị nôn trớ. 

  • Không để con mặc quần áo bó quá chặt. 

  • Mẹ không nên đeo đồ trang sức, đồ dễ gây tổn thương da bé.

  • Không dùng lực quá mạnh có thể khiến tổn thương vùng ngực của bé.

  • Trong khi thực hiện vỗ rung long đờm, chỉ nên di chuyển phần cổ tay, không di chuyển cả cánh tay và vai. 

Phương pháp vỗ rung long đờm chỉ nên thực hiện khi có bác sĩ hướng dẫn hoặc được bác sĩ trực tiếp làm, không khuyến khích áp dụng tại nhà vì có thể làm sai tư thế. Như nhà mình vậy là cũng hơi liều, cơ mà mình tin tưởng ông xã vì ông xã luôn rất cẩn thận, tìm hiểu rất tỉ mỉ chi tiết rồi mới dám làm. Ngoài biện pháp vỗ rung long đờm, mẹ có thể kết hợp cho bé uống thêm một số loại siro trị ho có đờm (nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé uống), cộng thêm cho trẻ uống nước cam, nước bưởi (với bé từ ăn dặm trở lên) để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nếu bé vẫn không đỡ, đừng ngần ngại đưa bé đi bác sĩ các mẹ nhé.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm