Tài khoản

Trẻ bị ho về đêm: Xử lý thế nào?

Mẹ Hoa 4 năm trước 12 bình luận

Thời tiết đợt này thay đổi nhiều, lúc nóng lúc lạnh đến người lớn còn mệt, trẻ con hay sụt sùi, húng hắng ho về đêm và sáng, có khi cả ngày. Không biết các mẹ điều trị ho cho bé thế nào, dùng thuốc ho gì, siro ho ra sao còn nhà em đã có cách. 

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị ho về đêm?

Thông thường nguyên nhân là do nhiệt độ. Buổi đêm nhiệt độ xuống thấp hơn ban ngày, trẻ cũng ít vận động nên nhiệt độ cơ thể thấp hơn chút, rất dễ bị nhiễm lạnh. Đờm nhầy từ trong khoang mũi chảy xuống vùng cổ họng nên kích thích trẻ ho. Ban ngày, đờm nhầy này cũng có nhưng vì con vận động nhiều hơn nên đờm nhầy thoát ra dễ dàng, không bị tắc bí ở khu vực cổ họng nên không gây ho như buổi tối. Sắp tới thời tiết lạnh hơn nhiều, tình trạng này còn diễn ra nhiều nữa, các mẹ cùng chuẩn bị tinh thần ứng phó. 

Ngoài ra, có thể môi trường ẩm thấp, môi trường có nhiều dị vật, bụi bặm trong phòng, khi vào đường thở sẽ khiến trẻ có phản xạ ho để tống dị vật ra ngoài, tránh cảm giác khó chịu. 

Trẻ ho về đêm nhiều dễ quấy khóc, khó ngủ

2. Có nên mua thuốc trị ho cho trẻ?

Mình không cho trẻ dùng thuốc nếu không được bác sĩ kê, cũng không tự ý đi mua thuốc, vì thật sự không biết con ho là do nguyên nhân gì (mặc dù những nguyên nhân trên là phổ biến) và cho uống thuốc tự mình mua có tác dụng gì khi con bị ho. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng không khuyến khích việc tự ý cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc. Đặc biệt, tình hình kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng khiến mình thật sự lo sợ vấn đề dùng thuốc bừa bãi. Nếu có sử dụng thuốc, các mẹ đảm bảo nguyên tắc là cần sử dụng đúng liều lượng, đúng thời gian theo hướng dẫn.

3. Kinh nghiệm xử lý trẻ bị ho về đêm

  • Giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ. Mình sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi hàng ngày vào buổi sáng sau khi con ngủ dậy. Nếu bé khỏe có thể nhỏ mũi 2 ngày/lần cũng được nhưng mình thấy việc nhỏ mũi là khá cần thiết. Mình chỉ tin tưởng sử dụng nước muối sinh lý vì nước muối an toàn, không làm tổn thương niêm mạc mỏng manh của trẻ. Các loại như tinh dầu tỏi hay gì đó tương tự thật sự mình không dám dùng các mẹ ạ, sợ mũi con tổn thương lắm, vì tỏi có tính nóng. 

  • Lúc con ho, mình hay cho con uống siro ho thảo dược, được bác sĩ kê. Mình không muốn nêu tên vì các mẹ có thể nói quảng cáo. Các mẹ muốn mua có thể ra hiệu thuốc để dược sĩ tư vấn, loại nào mà có húng chanh, lá hẹ, quất tắc, đường phèn,... là có tác dụng long đờm, giảm ho, kháng khuẩn, kháng viêm và làm ấm họng của trẻ ấy. Nhớ để ý kỹ đối tượng sử dụng và liều lượng sử dụng các mẹ nhé. 

  • Dùng một chiếc khăn mỏng quấn quanh cổ của con để giữ ấm vùng cổ - mình chỉ quấn ban đêm (vào mùa hè) và quấn cả ban ngày (vào mùa đông). Các này rất hiệu quả khi nguyên nhân khiến con bị ho là do nhiễm lạnh, mùa đông càng nên làm. 

  • Chân là chỗ có nhiệt độ thấp nhất trong cơ thể. Trước khi đi ngủ mình thường dùng 2 giọt dầu tràm, massage vùng chân khiến con cảm thấy ấm áp và dễ chịu, phòng trừ chân nhiễm lạnh gây ho và cảm. 

Không chỉ thuốc, ngay cả siro ho cũng không nên lạm dụng vì dần dần khiến con trở nên phụ thuộc vào thuốc/siro này. Mới chớm ho là mình chưa cho dùng, để theo dõi thêm đã. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm