Tài khoản

Trẻ bị ngộ độc chì: Nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ

Hoài An 4 năm trước

Trẻ bị ngộ độc chì là tình trạng rất nghiêm trọng bởi nó gây ảnh hưởng đến cả sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ, thậm chí là tử vong. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này cũng như cách khắc phục trong bài viết dưới đây.

Ngộ độc chì là gì?

Ngộ độc chì là tình trạng xảy ra khi mà lượng chì tích tụ quá giới hạn chịu đựng của cơ thể, có thể là tích tụ qua nhiều tháng, nhiều năm. Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị ngộ độc chì, tuy nhiên, trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì nhất. Và khi trẻ bị nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ gồm cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí nếu nhiễm chì mức độ cao còn có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ bị ngộ độc chì có triệu chứng gì?


Theo các chuyên gia thì lượng chì trong cơ thể ở mức cao sẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Chậm phát triển
  • Khó tiếp thu khi học tập
  • Dễ cáu gắt
  • Ăn mất ngon
  • Cân nặng của trẻ sụt giảm
  • Chậm chạp và mệt mỏi
  • Trẻ thấp còi, chậm phát triển
  • Đau bụng
  • Nôn mửa
  • Táo bón
  • Mất thính lực
  • Yếu cơ, run rẩy, đi không vững
  • Rụng tóc
  • Thiếu máu
  • Động kinh
  • Vô thức ăn những vật không phải thức ăn (Hội chứng Pica)

Trẻ nhiễm độc chì thông qua những đường nào?

Chì là kim loại tự nhiên có nhiều ở lớp vỏ Trái đất, trong nhiều hoạt động của con người như khai thác, đốt nhiên liệu hóa thạch… khiến chì phát tán rộng rãi trong không khí.

Các loại sơn nhà cửa, đồ chơi trẻ em và đồ dùng gia đình được sơn có chì đã bị cấm từ lâu. Tuy nhiên, vẫn còn những ngôi nhà hay các loại đồ gỗ được sơn có chì và khi trẻ em vô tình cầm phải những mẩu vụn có chứa chì sẽ gây ngộ độc.

Đường ống nước bằng ống đồng hoặc chì trong lon đựng đồ hộp có thể giải phóng chì vào nước sử dụng.

Một số nguồn khác:

  • Thuốc
  • Bụi gia dụng
  • Chén, bát tráng men
  • Đồ chơi, trang sức có màu sắc bắt mắt dành cho trẻ em
  • Nước chảy từ các đường ống, vòi bị mòn hoặc nhiễm chì
  • Đất bị ô nhiễm do khí thải của các phương tiện giao thông, khói công nghiệp hoặc các công trình xây dựng

Cách chữa trị tình trạng trẻ bị ngộ độc chì

Thường thì bước đầu tiên của quá trình điều trị trẻ bị ngộ độc chì là phải xác định được vị trí và loại bỏ nguồn nhiễm chì rồi cách ly trẻ khỏi khu vực này. Sau đó, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp.

Trong trường hợp nguy hiểm hơn thì \áp dụng liệu pháp Chelation để tìm kiếm kim loại nặng trong cơ thể sau đó đào thải chúng qua đường nước tiểu. Quá trình hồi phục của trẻ sẽ mất khá nhiều thời gian.

Cách phòng ngừa tình trạng trẻ bị ngộ độc chì

Để phòng ngừa được tình trạng trẻ bị ngộ độc chì thì bố mẹ cần áp dụng một số cách sau:

  • Rửa tay cho trẻ sạch sẽ: Cách này sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, đất bị nhiễm chì dính trên tay trẻ. Do đó, hãy rửa tay cho trẻ thường xuyên sau mỗi lần trẻ ra ngoài chơi, trước khi ăn và trước khi đi ngủ.
  • Vệ sinh các bề mặt dễ bám bụi: những món đồ chơi của trẻ, đồ nội thất, cửa sổ hoặc các bề mặt dễ bám bụi khác bằng khăn ướt, vải ẩm… để giúp loại bỏ bụi bẩn.
  • Nên để giày ở bên ngoài nhà để không mang đất nhiễm độc chì từ bên ngoài vào nhà.
  • Dùng nước lạnh: Nếu như hệ thống đường ống dẫn nước đã bị cũ thì hãy xả nước lạnh ít nhất 1 phút trước khi sử dụng. Và nhớ lưu ý không dùng nước nóng để pha sữa hoặc nấu ăn.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh: Những loại thực phẩm giàu dưỡng chất như canxi, vitamin C, sắt cũng giúp cơ thể phòng ngừa và đào thải lượng chì hấp thu vào.

Nguồn: Conlatatca.vn

Theo Bibabo.vn