Tài khoản

Tương tác với trẻ – Mấu chốt giúp trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ tốt nhất

Huyền Linh 4 năm trước

Trẻ chậm nói tức là tình trạng khả năng ngôn ngữ của trẻ chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ khác. Khi tình trạng này xảy ra thì có khá nhiều bậc phụ huynh lo lắng và tìm mọi cách dạy trẻ nói. Vậy cách hiệu quả nhất lúc này là gì?

Sự phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ diễn ra như thế nào?

Về cơ bản thì việc phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ diễn ra một cách rất tự nhiên, tuy nhiên bố mẹ cũng cần phải chủ động hỗ trợ cho quá trình học nói của trẻ trong những năm đầu đời. Bởi vì não của trẻ thường phát triển nhanh nhất là vào giai đoạn trước 3 tuổi và chậm lại kể từ 3 – 6 tuổi.

Theo đó, một đứa trẻ phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần thì trẻ sẽ trải qua các cột mốc phát triển ngôn ngữ như sau:

Từ 3 – 6 tháng tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ sơ sinh biết khóc, biết phát ra các âm thanh gừ gừ trong cổ họng. Càng về sau thì trẻ có thể phát ra các âm thanh như ê, a… cụ thể là phát ra âm tiết gồm một phụ âm đầu và một nguyên âm, phát ra những âm khác nhau thể hiện cảm xúc khác nhau…

Từ 6 – 9 tháng tuổi

Lúc này, trẻ đã có thể nói được những từ có 2 âm tiết đơn giản như ba ba, ma ma, bắt chước lại âm thanh mà trẻ đã nghe trước đó nếu từ đó đơn giản và dễ đọc.

Từ 9 – 12 tháng tuổi

Ở cột mốc 1 tuổi thì trẻ đã có thể phát âm được những câu dài như người lớn tuy nhiên không rõ chữ, chỉ ê a kèm theo ngữ điệu nên có thể bố mẹ vẫn chưa nghe được trẻ nói gì nhưng có thể đoán được điều trẻ muốn. Thậm chí ở một số ít đứa trẻ phát triển nhanh thì đã có khả năng nói được từ hoàn chỉnh đơn giản như mẹ, ba, bà…

Từ 12 – 15 tháng tuổi

Lúc này, trẻ đã có thể nói một câu dài rõ khoảng 4 từ và bé đã biết phát âm ra những âm thanh có tiết tấu giống với âm nhạc cũng như bé đã tự biết cách ghép các từ lại với nhau thành câu và sắp xếp các từ cho đúng trật tự.

Trẻ 2 tuổi

Đây là mốc thời điểm rất quan trọng vì vốn từ của trẻ đang trên đà phát triển nhanh chóng, có thể ví như “một quyển từ điển nhỏ”. Cụ thể thì bé đã biết được khoảng 50 đến 75 từ và bắt đầu biết xâu chuỗi lại với nhau thành cụm từ và câu, biết chào mọi người theo đúng tên, biết từ chối nếu không thích.

Chính vì thế, trong giai đoạn này để hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ thì mẹ nên kiên nhẫn trong cách chỉnh lỗi ngữ pháp và bổ sung từ vựng cho trẻ bằng cách giao tiếp với trẻ thật nhiều mẹ nhé.

Từ 2,5 – 4 tuổi

Đây là giai đoạn trẻ bước sang một giai đoạn mới trong việc phát triển ngôn ngữ của mình. Lúc này, trẻ thường sử dụng những câu dài trên 3 từ và sử dụng khá nhiều từ vựng, với khoảng 300 – 1000 từ hoặc nhiều hơn.

Những đứa bé ở độ tuổi này không chỉ thích nói mà còn thích hát và thường diễn đạt rất dài dòng ý của trẻ, cụ thể là trẻ thường kể lại cho mẹ nghe hoặc mô tả những gì trẻ nhìn thấy hoặc đang làm và bắt đầu tìm từ ngữ để giải thích cho những chuyện đó.

Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói

Nếu một đứa trẻ không phát triển theo các cột mốc như trên thì được xếp vào danh sách những đứa trẻ chậm nói và theo các chuyên gia thì do 2 nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Nguyên nhân thực thể: khiếm khuyết ở các bộ phận hoặc cơ quan đảm nhiệm vai trò phát âm như tai, mũi, họng, lưỡi… hoặc cơ quan giữ vai trò chỉ huy ngôn ngữ như não hoặc các trục trặc tại não, có thể do dị tật bẩm sinh, viêm màng não… sẽ khiến cho khả năng ngôn ngữ của trẻ bị chậm phát triển.

  • Nguyên nhân tâm lý: trẻ gặp phải cú sốc tâm lý hoặc do gia đình không quan tâm, chăm sóc khiến tâm lý trẻ trở nên khép kín, tự kỷ và trẻ sẽ tự động không muốn nói. Ngoài ra, những đứa trẻ được cho phép sử dụng điện thoại quá nhiều và được cưng chiều quá mức cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, lười nói.

Dấu hiệu cho thấy trẻ chậm nói

Ở mỗi độ tuổi khác nhau thì sự phát triển về ngôn ngữ của trẻ sẽ thay đổi rõ rệt và nếu bố mẹ quan sát trẻ kỹ thì sẽ nhận thấy được những bất thường:

  • Trẻ từ 6 – 8 tuần không phản ứng lại với giọng nói hay với những âm thanh to.
  • Cha mẹ đùa giỡn với trẻ nhưng trẻ không phản ứng lại.
  • Trẻ 3 tháng tuổi nhưng luôn thờ ơ với mọi người và mọi thứ xung quanh.
  • Trẻ không bập bẹ, ê a, không cười mặc dù đã được 6 – 8 tháng.
  • Chưa nói được từ đơn nào khi đã 2 tuổi.
  • Không thể nói được những câu đơn giản khi đã 3 tuổi.

Cách dạy trẻ chậm nói như thế nào?

  • Đối với những đứa trẻ chậm nói thì các bậc phụ huynh cần có sự kiên nhẫn và thực hiện từng bước trong việc dạy trẻ tập nói. Tốt nhất là dạy trẻ nói theo những tình huống hằng ngày xảy ra, ví dụ như trẻ đòi uống nước thì mẹ đưa nước cho trẻ và dạy trẻ nói từ nước, cứ như vậy dạy trẻ nói những từ đơn đơn giản là được.
  • Tập cho bé biết nghe các âm thanh khác nhau hay tập cho con giao tiếp thông qua những hình ảnh hay điệu bộ cũng là cách giúp cho trẻ tập nói tốt. Bố mẹ có thể cùng trẻ xem phim hoạt hình, ca nhạc… và tương tác với trẻ về nhân vật và hội thoại trong phim.
  • Chú ý bổ sung dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng cho bộ não để hỗ trợ não trẻ phát triển hoàn thiện các chức năng.

Ngôn ngữ của trẻ không tự nhiên mà có, nó chỉ được hình thành khi giao tiếp và lao động, khi có sự tương tác giữa người với người. Vì vậy, việc bố mẹ tương tác với trẻ trong những năm đầu đời là cực kỳ quan trọng trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ ở trẻ. Đừng để trẻ tự mình phát triển một cách lầm lì, không nói chuyện, chỉ chăm chăm vào điện thoại, tivi… vì nó sẽ khiến trẻ chậm phát triển cả về ngôn ngữ, chậm sự phát triển của trẻ về thể chất lẫn tinh thần và về sự nhận thức về thế giới xung quanh.

Nguồn: colatatca.vn

Theo Bibabo.vn