Tài khoản

Vấn đề viêm nhiễm "vùng kín" là nỗi khổ chung của rất nhiều bà bầu.

Mẹ Thóc 4 năm trước

Dưới đây là  thắc mắc mà hầu như mẹ bầu nào cũng từng gặp trong suốt thai kỳ của mình. Mẹ cùng tham khảo để giải tỏa nỗi lo nhé!


Dấu hiệu bị viêm nhiễm

Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ lên tới 90%, trong đó nhóm phụ nữ có kiến thức, có thu nhập chiếm hơn 70%. Vì vậy, mẹ có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến vùng kín trong thời kỳ mang thai. Do đó nếu có những dấu hiệu nguy cơ sau, mẹ cần đến ngay bác sĩ để được thăm khám:

- Ngứa vùng kín kèm theo các biểu hiện khác như khí hư ra nhiều màu trắng đục, có mùi hôi.

- Huyết trắng sánh đặc, đóng thành mảng, gây ngứa rát âm đạo, cửa mình, tầng sinh môn, thậm chí cả hậu môn.

- Ra nhiều khí hư có màu trắng đục hoặc vàng xanh, có dạng bọt, loãng hoặc đặc quánh.

- Đi vệ sinh thấy buốt, rát, âm hộ sưng tấy, ngứa ngáy.

- Sau khi quan hệ tình dục thấy đau rát, buốt tiểu, đau bụng dưới.


Vì sao mang thai lại dễ bị viêm nhiễm "vùng kín"?

Theo các chuyên gia, sở dĩ vùng kín phụ nữ mang thai dễ bị viêm nhiễm chủ yếu là do những biến đổi nội tiết trong thai kỳ. Cụ thể là Estrogen và nồng độ Progesterone tăng khiến môi trường âm đạo mất cân bằng, tiết nhiều sản dịch khiến vi khuẩn, nấm dễ tấn công, sinh sôi nảy nở gây ra bệnh. Thêm nữa sức đề kháng giảm sút cũng khiến cho hiện tượng viêm nhiễm, nấm ngứa vùng kín của mẹ bầu xuất hiện nhiều hơn. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như:

- Nội tiết tố thay đổi cũng khiến mồ hôi ra nhiều, tích tụ làm cho vùng kín có mùi hôi, tăng cảm giác ngứa ngáy.

- Việc vệ sinh không đúng cách, không sạch sẽ cũng là điều kiện để các vi khuẩn, nấm gây hại xâm nhập. Ngoài ra, mặc đồ lót bị ẩm ướt, chật chội, cơ thể bị dị ứng với môi trường, với nguồn nước hay thời tiết cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cả vùng kín của chị em.

Quan hệ tình dục không an toàn cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên trầm trọng. Đa số mẹ bầu nghĩ rằng, khi mang thai, không cần đến biện pháp bảo vệ vì không sợ có thai, tuy nhiên, việc sử dụng bao cao su sẽ giúp mẹ phòng ngừa viêm nhiễm chéo từ chồng sang vợ. Không chỉ có vậy, việc bỏ qua “thủ tục” vệ sinh trước và sau quan hệ cũng làm tăng rủi ro viêm nhiễm.

Mang thai 3 tháng đầu bị ngứa "vùng kín" có sao không?

Ngứa vùng kín khi mang thai 3 tháng đầu không khó gặp nhưng là nỗi lo có thật của không ít mẹ bầu. Ngứa vùng kín do nhiều nguyên nhân khác nhau và nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ và cả em bé. Bởi tình trạng ngứa ngáy, kèm nóng rát vùng âm đạo, dịch âm đạo có mùi hôi khó chịu có thể là biểu hiện của nhiều biến chứng không mong muốn như: Viêm âm đạo, bệnh lý tử cung và cổ tử cung, bệnh viêm vùng chậu, bệnh viêm nhiễm phụ khoa qua đường tình dục… Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai. Hơn nữa trong ba tháng đầu, thai nhi chưa phát triển toàn diện, chưa bám chắc vào tử cung nên khi bị viêm âm đạo có thể gây tình trạng thai ngoài tử cung.

Do đó, khi thấy vùng kín ra quá nhiều dịch, có mùi hôi kèm ngứa ngáy thì có thể mẹ đã bị nhiễm trùng vùng kín hoặc mắc bệnh qua đường tình dục. Cách tốt nhất là mẹ nên đến bác sĩ để được khám và điều trị bệnh càng sớm càng tốt để tình trạng bệnh nặng có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.


Ngứa âm đạo tháng cuối thai kỳ thì phải làm sao?

Vào tháng cuối thai kỳ mẹ dễ ngứa âm đạo khi mang thai tháng cuối là do:

Sự rạn da do căng giãn quá mức gây ngứa mảng ở vùng bụng, ngực, chân, tay, mông, đùi, vùng háng và vùng mu.

Tăng chuyển hóa cơ bản và tăng sinh mạch máu ngoài da khi mang thai cũng làm mẹ bầu tăng tiết mồ hôi và da trở nên nhạy cảm hơn với những kích thích bên ngoài.

Sự thay đổi độ pH vùng âm hộ – âm đạo cũng khiến vùng kín trở nên kiềm hóa, dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Ngoài ra các tình trạng như: viêm nang lông trong thai kỳ xuất hiện từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 9 và gây ngứa ở những vùng có lông ở bộ phận sinh dục hay chứng trĩ khi mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vùng kín.

Trong thời kỳ này, khi các bộ phận bên trong của thai đã phát triển tương đối hoàn thiện, bất kỳ mọi tác động mạnh lên vùng tam giác mật như trầy xước, nhiễm trùng đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Do đó, khi thấy các biểu hiện trên, mẹ nên thăm khám để được các bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa, mỗi lần đi khám thai, mẹ nên đề nghị bác sĩ khám cả phụ khoa để thăm dò bệnh và điều trị (nếu có) dứt điểm trước khi bé ra đời.


Viêm âm đạo có sinh thường được không?

Câu trả lời cho mẹ là hoàn toàn có thể sinh thường nếu được phát hiện và điều trị dứt điểm trước ngày dự sinh. Còn nếu sắp đến ngày sinh mà bệnh vẫn chưa được điều trị thì tùy thuộc vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà các bác sĩ sẽ quyết định xem mẹ nên sinh thường hay sinh mổ. Bởi nếu vẫn kiên trì sinh thường trong trường hợp này, các loại nấm, vi khuẩn tồn tại trong âm đạo sẽ rất dễ lây nhiễm sang các bộ phận như mắt, mũi, miệng,… của thai nhi, khiến trẻ dễ bị các bệnh nấm miệng, nấm da…


Để giữ vùng kín khỏe mạnh suốt thai kỳ:

Không chỉ khám thai định kỳ, mẹ cũng cần hình thành thói quen thăm khám phụ khoa trước khi bầu bí, trong suốt quá trình mang thai và sau sinh nở. Việc này sẽ giúp đảm bảo sức khỏe âm đạo của mẹ ổn định trong suốt thai kỳ.

Nếu nghi ngờ bị nhiễm nấm âm đạo, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Tuyệt đối không tự chẩn đoán, mua thuốc tự điều trị hoặc áp dụng các biện pháp mang tính truyền miệng mà không được sự tư vấn hoặc đồng ý của bác sĩ.

Nếu chẳng may bị viêm nhiễm phụ khoa, mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng vì bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc cẩn trọng để chọn cách điều trị phù hợp. Cũng tuyệt đối đừng e ngại vì có thể khiến bệnh càng thêm nặng và vô tình gây ra những biến chứng nguy hiểm cho bản thân và con.

Quan trọng và lâu dài hơn cả thuốc chính là việc giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh tình trạng tái phát, lờn thuốc… Bởi việc vệ sinh vùng kín thường xuyên sẽ giúp mẹ hạn chế vi khuẩn tích tụ và tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Sau khi đi vệ sinh, bạn nên dùng giấy vệ sinh thấm khô để vùng kín luôn khô thoáng, sạch sẽ. Vệ sinh theo nguyên tắc từ trước ra sau, tức là rửa phần âm hộ trước rồi mới lan xuống phần hậu môn để tránh bị nhiễm khuẩn ngược.

Mang bầu không có nghĩa là phải “nói không” với chuyện ấy. Chắc chắn vợ chồng bạn vẫn có những đêm thăng hoa nhưng cần nhớ phải vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau để hạn chế vi khuẩn tích tụ, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc các triệu chứng khác như đau rát, ngứa ngáy.

Mẹ bầu cũng cần lưu ý chọn những vị trí "yêu" thoải mái, tránh gây áp lực lên bụng và ngực.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ cũng có thể giúp mẹ cải thiện phần nào các triệu chứng trên. Cho nên mẹ cần bổ sung nhiều nước và hoa quả tươi mỗi ngày. Thêm rau xanh, ngũ cốc, dầu ô-liu, các thực phẩm giàu vitamin A như: dầu gan cá, gan, rau quả, trứng…); thực phẩm giàu vitamin D gồm cá biển, dầu gan cá, các sản phẩm từ sữa…, axit Linoleic từ dầu hạt lanh, dầu cây anh thảo, cá mòi… vào chế độ ăn. Đồng thời hạn chế các món nhiều dầu mỡ.

Mẹ bầu nên chọn loại quần lót dành riêng cho mẹ bầu được thiết kế bằng cotton mềm, thấm hút tốt để vùng kín không bị bí hơi, ẩm ướt. Thay quần áo, đồ lót ngay khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều cũng như hạn chế ngồi lâu ở nơi quá nóng hoặc di chuyển bằng xe trong thời gian dài.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại nước rửa dành cho việc vệ sinh vùng kín. Tuy nhiên điều quan trọng là mẹ bầu cần tìm cho mình một dung dịch vệ sinh vùng kín chuyên biệt hằng ngày giúp cân bằng độ pH, giảm ngứa, đồng thời ngăn chặn các tác nhân gây bệnh.

Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh, có tính acid cao, làm mất cân bằng môi trường âm đạo và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Nên chọn lựa loại dung dịch vệ sinh an toàn, được kiểm nghiệm từ các trung tâm y khoa hoặc bác sĩ phụ sản khuyên dùng. Khi vệ sinh, nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh thụt rửa sâu gây tổn thương vùng âm đạo và xuất huyết tử cung.

Nguồn: st

Theo Bibabo.vn