Tài khoản

Dành 1 tuần luyện ngủ, bé gắt ngủ mấy cũng sẽ đỡ

Thủy Nguyễn 4 năm trước 45 bình luận

Làm thế nào để con hết gắt ngủ và đi ngủ đúng giờ chính là mong muốn của mọi bà mẹ bỉm sữa. Vậy để mình chia sẻ bí kíp luyện ngủ cho con nhé! 

Xem nhanh

  • Tập cho con phân biệt ngày đêm
  • Cho bé đi tắm nắng vào sáng sớm
  •  Đọc được tín hiệu con buồn ngủ để tránh tình trạng trẻ gắt ngủ
  • Thiết lập trình tự ngủ cố định cho bé ngay từ khi còn nhỏ
  •  Lưu ý về số giờ ngủ ban ngày của con

Xem thêm

Đọc trên diễn đàn thấy nhiều mẹ khóc than vì bé gắt ngủ, quấy khóc mà thương quá. Làm thế nào để con hết gắt ngủ và đi ngủ đúng giờ chính là mong muốn của mọi bà mẹ bỉm sữa. Vậy để mình chia sẻ bí kíp luyện ngủ cho con nhé!

Bé nhà mình hồi mới sinh cứ bú no, chơi một lúc là đi ngủ. Thế mà khi được tầm 2 tháng cu cậu bỗng đổi tính nết, ăn no chơi chán mà vẫn không chịu ngủ, miệng vẫn khóc inh ỏi kéo dài cả tiếng đồng hồ, nhất là lúc đêm khuya. Dỗ cho con ngủ xong thì cũng đã gần sáng, mới được vài hôm mà mẹ trông như gấu trúc, mệt mỏi bơ phờ. 

Thực tình mình nghĩ nếu cứ kéo dài tình trạng này chắc mình sập mất. Vậy là lại lên các diễn đàn tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề. Đọc mới thấy nhiều mẹ giống mình thế và cũng có nhiều mẹ luyện ngủ cho con thành công. Thế là sau khi tham khảo rất nhiều thông tin, mình dành hẳn 1 tuần luyện ngủ cho con. Cuối cùng cũng thành công. Sau khi ăn no, chơi với cả nhà, tầm hơn 8h tối là cu cậu ngáp ngáp và chìm vào giấc ngủ, xuyên đêm cho tới tận 6h sáng hôm sau luôn.

Để luyện ngủ cho con, mình đã áp dụng các mẹo sau của các mẹ Nhật, các mẹ cùng tham khảo nhé:

1Tập cho con phân biệt ngày đêm

Cơ thể sinh học của trẻ sơ sinh phải mất một thời gian mới biết được đâu là ngày và đâu là đêm. Trong lúc này, sự lầm lẫn của cơ thể với môi trường bên ngoài chính là lý do chính khiến bé ngủ nhiều vào ngày và thức đêm nhiều.

Vì vậy mẹ cần giúp con điều chỉnh đồng hồ sinh học bằng quy tắc “ban ngày nhiều ánh sáng và tiếng động, ban đêm tối và yên lặng”.

2Cho bé đi tắm nắng vào sáng sớm

Tác dụng của việc tắm nắng không chỉ giúp cơ thể con khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng mà còn đem lại một công dụng tuyệt vời nữa. Đó là ánh nắng buổi sáng sớm giúp cơ thể trẻ hình thành hoóc môn Melatonin, nhờ thế về đêm con sẽ ngủ được dễ dàng hơn.

3 Đọc được tín hiệu con buồn ngủ để tránh tình trạng trẻ gắt ngủ

Trẻ gắt ngủ phần lớn là do con đã buồn ngủ quá mức, dẫn đến kiệt sức và mệt nên sinh ra gắt ngủ. Kĩ năng quan trọng mà mẹ cần học thông qua quan sát bé là khi nào con bắt đầu có dấu hiệu buồn ngủ.

4Thiết lập trình tự ngủ cố định cho bé ngay từ khi còn nhỏ

Các bé càng ít tháng sẽ dễ thích nghi với trình tự ngủ mẹ đặt ra hơn. Điều quan trọng là trình tự này phải luôn diễn ra hàng ngày, không xáo trộn để bé biết khi mẹ làm những điều này nghĩa là đến giờ đi ngủ.

5 Lưu ý về số giờ ngủ ban ngày của con

Nắm được giờ ngủ ban ngày theo độ tuổi của trẻ rất quan trọng. Nó sẽ giúp mẹ biết khi nào bé nên thức dậy và không ngủ quá lâu.

6 Tắm vào chiều tối giúp con ngủ ngon hơn

Các mẹ thường nghĩ tắm chiều tối có thể khiến trẻ bị cảm lạnh. Nhưng trên thực tế, nếu mẹ tắm cho bé trong phòng kín gió thì tắm chiều có tác dụng tuyệt vời với trẻ. Sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể con sẽ hạ xuống, nhờ đó cơ thể bắt được tín hiệu và trở nên buồn ngủ hơn.

7 Nên cho bé đi ngủ trước 8 giờ tối

Mẹ cần cho bé đi ngủ trong khoảng thời gian từ 7-8 giờ tối (cơ thể trẻ cần ít nhất 30 phút để chìm vào giấc ngủ). Phòng ngủ của con cần tối đèn, không gian thư giãn, yên tĩnh để bé cảm thấy dễ chịu.

8 Bố mẹ đừng quên dậy sớm vì lợi ích giấc ngủ của trẻ

Dù là trẻ sơ sinh hay khi con đã lớn thì việc dậy sớm và đi ngủ sớm đều mang lại lợi ích tốt nhất cho phát triển trí não và thể chất của trẻ. Do đó, khi chăm sóc bé năm đầu đời, bố mẹ chịu khó một chút để dậy sớm hàng ngày và giúp con có một lịch sinh hoạt cố định.

Với những mẹo đó, mình đã rút ra bí kíp loại bỏ việc bé gắt ngủ, luyện ngủ xuyên đêm như sau:

1. Nhận biết dấu hiệu buồn ngủ (khóc e e hoặc lấy tay dụi mắt) và quấn bé lại.

2. Kéo rèm xuống, tắt điện, bật điều hòa, bật nhạc nhẹ.

3. Bế dựng con và vỗ, đung đưa cho tới khi con lim dim, không khóc, không quẫy đạp nữa.

4. Đặt con nằm cũi khi đã buồn ngủ nhưng chưa ngủ.

5. Mẹ đi ra cho con tự ngủ/Vỗ nhẹ vai con đến khi con ngủ/Một tay vỗ nhẹ vai, một tay vuốt nhẹ từ trên trán xuống giữa hai lông mày giúp con ngủ nhanh hơn.

Sau 5 bước trên, nếu con khóc, mẹ sẽ bế lên lặp lại quy trình từ đầu, thấy con lim dim lại đặt xuống, nếu con khóc lại bế và dỗ... Sau khoảng 3 ngày lặp đi lặp lại trình tự này, bé sẽ gần như hiểu được quy trình của việc đi ngủ, nên có khi chỉ cần quấn lại, đặt vào cũi là đã có thể nằm im và tự ngủ ngon rồi. 

Thực tế, mỗi em bé lại có những đặc điểm cá tính và nếp sinh hoạt khác nhau nên có thể có những cách áp dụng cho bé luyện ngủ khác nhau. Song điều cốt yếu nhất là các mẹ cần phải rõ được em bé của mình thì mới có thể áp dụng các phương pháp trên thành công. Và hãy nhớ tin tưởng vào bản thân và con nữa nhé. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm