Tài khoản

LÀM GÌ KHI CON SỐT

Mẹ Hoa 4 năm trước

1. Định nghĩa sốt ? [Nelson 2016]

Nhiệt độ cơ thể trẻ em [bình thường] từ 36.5 - 37.5°C. Khi nhiệt độ từ 37.6 - 38.5°C gọi là [tăng thân nhiệt].

Bé được định nghĩa là [sốt] khi nhiệt độ trực tràng ≥ 38°C (101.3°F) trở lên (NẾU ĐO Ở NÁCH LÀ ≥37.5°C)

Trẻ dưới 03 tháng thì chỉ cần trực tràng ≥37.5°C là được định nghĩa là [sốt].

Nhiệt độ cơ thể bé có thể dao động trong ngày khoảng 0.5°C và thường thì chiều tối sẽ cao nhất và thấp hơn vào buổi sáng, do cơ chế hormone và nồng độ cortisol...

[Nguồn:https://http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0072639/]

------------------------------------

Đo nhiệt độ thế nào ?

- Nách : cộng thêm 0.5°C

- Hậu môn: đo ra nhiêu xài bấy nhiêu.

------------------------------------

Lưu ý: Một nghiên cứu năm 2000 chỉ ra rằng: hơn một nửa (57%) bố/mẹ HIỂU và ÁP DỤNG SAI phương pháp hạ sốt cho con. Vì vậy, điều này thường dẫn đến những biến chứng đáng tiếc và không đáng có cho con. Đặc biệt để con sốt quá cao có thể gây co giật ở một số bé.

[Nguồn:https://http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10731324]

------------------------------------

Xin nói sơ về cơ chế sốt theo cách dân dã nhất cho mọi người cùng hiểu (set point của hạ đồi thì các bạn sinh viên Y chịu khó đọc bài sau của anh nha. Khi sốt, cơ thể nóng lên, các men trong cơ thể chúng ta vẫn hoạt động bình thường trong khi các men của vi khuẩn hay virus bị giảm hiệu quả. Khi đó, cơ thể ta vẫn "vận hành" trơn tru còn sự sinh sản của vi khuẩn thì chậm lại. Do đó, góp phần làm chậm sự lây lan của vi sinh vật. Tuy nhiên, sốt chỉ là một trong số rất rất nhiều cách mà loài người qua bao nhiêu năm tháng tiến hóa tạo ra để chống chọi với vi sinh vật ban đầu. Cho nên vấn đề sốt chưa hẳn là xấu. Vậy sốt khi nào xấu ? Sốt là xấu khi nó gây ra biến chứng mà biến chứng thường gặp nhất đó chính là co giật. Khi trẻ đã có tình trạng co giật thì rất nguy hiểm. Nếu bé có tiền căn sốt co giật trước đó thì nếu bé sốt trở lại, cần tích cực hạ sốt.

Lau mát thực sự không tác dụng lên được trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não. Việc lau mát chỉ dừng lại ở việc hạ thân nhiệt ở vị trí lau mát ngoại vi. Đôi khi, việc lau mát gây tình trạng co mạch ngoại biên và rối loạn thêm thân nhiệt của bé, hệ quả là 70% số bé sau lau mát có tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn trước.

[Nguồn:https://http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0072639/]

------------------------------------

NICE guidance - Hướng dẫn trong quản lý sốt ở trẻ em. Nói về guideline này thì quá nổi tiếng rồi, không có gì để bàn thêm. Dưới đây là 08 kết luận từ NICE, các bạn tham khảo (có link tiếng anh cho các bạn muốn kiểm chứng)

Trẻ <04 tuần tuổi, đo thân nhiệt bằng NHIỆT KẾ ĐIỆN TỬ ở nách ( electronic thermometer).

Trẻ>04 tuần tuổi, dùng nhiệt kế điện tử ở đùi hoặc nhiệt kế hồng ngoại ở ngón tay/tai.

Thuốc hạ sốt (paracetamol và ibuprofen) không được sử dụng THƯỜNG QUY cho trẻ với mục đích hạ thân nhiệt nếu trẻ đó được đánh giá không có dấu hiệu nguy hiểm

Thuốc hạ sốt không ngăn ngừa được cơn co giật do sốt và không nên dùng để cho mục đích phòng ngừa co giật do sốt.

Việc sử dụng phối hợp Paracetamol và Ibuprofen không cho thấy có giá trị hơn việc sử dụng đơn thuần 01 loại thuốc. Chỉ sử dụng khi bé không đáp ứng điều trị 1 loại hạ sốt ban đầu.

Lau mát không được khuyến cáo cho việc hạ sốt của bé. Các nghiên cứu bổ sung cho việc này mình sẽ cung cấp thêm ở dưới. Nhưng nói chung là lau mát không hạ sốt được, còn làm tăng sự khó chịu cho bé và gây rối loạn cơ chế điều hòa thân nhiệt ở trẻ, đặc biệt trẻ sơ sinh <12 tháng tuổi.

Phương pháp vật lý duy nhất chấp nhận cho việc hạ sốt là : KHÔNG mặc đồ quá nhiều hay ủ ấm cho bé khi sốt.

Paracetamol và Ibuprofen KHÔNG được cho đồng thời ở trẻ đang sốt. Nếu không đáp ứng 1 loại ban đầu, sử dụng phối hợp, không dùng cùng lúc.

[Nguồn:http://www.qub.ac.uk/cm/gp/Courses/Undergraduate/Reference%20Materials/FeverInChildrenNiceGuide.pdf]

------------------------------------

Mốc can thiệp: 

- Sốt từ 38.5 - 39°C : không khuyến cáo điều trị thuốc hạ sốt

- Từ 39°C - 40°C: dùng đơn thuần 1 loại thuốc hạ sốt (nếu không hạ mới dùng xen kẽ loại thứ 2).

- Từ 40°C trở lên : lau mát TRƯỚC cho thân nhiệt giảm xuống <40°C rồi dùng hạ sốt vì khi >40°C thì hạ đồi bị ức chế thì thuốc hạ sốt không tác dụng hoặc tác dụng kém.

------------------------------------

Chỉ nên lau mát khi:

- Không chắc nguyên nhân tăng nhiệt độ là sốt (tăng set point của trung tâm điều nhiêt) hay tăng thân nhiệt (hyperthermia, vốn không làm thay đổi set point) 

- Sốt kèm với 1 yếu tố làm tăng thân nhiệt như quấn chăn quá chặt, do dùng thuốc anticholinergics như atropine, ipratropium...

- Sốt kèm với bệnh nội thần kinh.

------------------------------------

Cách lau mát và nhiệt độ thế nào là phù hợp:

- Nhiệt độ của nước nên dưới nhiệt độ của bé 5°C (ví dụ bé sốt 41°C thì nước khoảng 35-36°C là vừa)

- Vừa lau mát vừa mở quạt 

------------------------------------

Nhìn vào hình bên dưới :

(Nguồn:http://www.scielo.br/pdf/spmj/v126n2/a08v1262.pdf)

Các bạn có thể thấy rằng : lau mát + hạ sốt thì hạ thân nhiệt nhanh hơn việc hạ sốt đơn thuần trong 15 phút đầu. Nhưng dùng ĐƠN ĐỘC hạ sốt thì lại kiểm soát sốt tốt hơn sau 2 giờ. Tại sao ?

- Dùng lau mát có giúp giảm nhiệt độ 15 phút đầu nhưng như đề cập ở trên, 57% bố mẹ lau mát cho con sai cách như nước quá nóng hoặc quá lạnh (nhiệt độ khuyến cáo từ 29 - 30oC), lau không đúng 5 vị trí cần thiết (cổ, 2 hõm nách, bẹn, khoeo)...Nghĩa là có thể lau mát sai cách, việc hạ sốt không hiệu quả.

- Dùng lau mát ở trẻ nhỏ có thể gây co mạch ngoại biên đột ngột, giảm tưới máu ngoại vi gây hạ thân nhiệt tay chân ngoại vi nhưng thân nhiệt trung tâm vẫn cao => gây rối loạn điều hòa thân nhiệt. Vốn dĩ, ở trẻ nhỏ, cơ chế điều hòa nhiệt độ không hoàn chỉnh => bạn sẽ làm trẻ sốt cao hơn nữa sau khi lau mát 15 phút

- Dùng lau mát ở trẻ nhỏ, các nghiên cứu chỉ ra rằng làm tăng sự khó chịu và bất tiện ở trẻ, trẻ quấy khóc nhiều hơn, khó chịu hơn...Và việc này cũng làm cho tình trạng sốt của bé cao hơn.

------------------------------------

thuốc hạ sốt là điều trị cho con, còn lau mát là "điều trị" cho bố/mẹ và bác sĩ an tâm hoặc có việc gì làm trong thời gian chờ thuốc tác dụng. 

------------------------------------

Vậy trong thời gian chờ thuốc tác dụng, bố/mẹ làm gì ?

- Đảm bảo con được nằm trên một mặt phẳng trống trải, không có vật dụng sắc nhọn hay vật có thể gây tổn thương con nếu con co giật.

- Đảm bảo trẻ được cởi bỏ đồ đang mặc, tránh tình trạng ủ ấm hoặc mặc quá nhiều quần áo.

- Thay vì lau mát khiến con khó chịu thì hãy để con ngủ yên hoặc để con được nghỉ ngơi. Bố/mẹ nên quan tâm đến việc bé nôn/ói thì lập từ cho nằm nghiêng 1 bên, bé bỏ bú hoặc đừ hơn thì báo ngay bác sĩ khám cho con.

------------------------------------

Kết luận : Sốt không phải lúc nào cũng XẤU và xử trí theo nhiệt độ là

- [38-39°C] Không cần làm gì cả nếu bác sĩ đánh giá con bạn là khỏe, không nguy hiểm, cởi bỏ quần áo, tránh ủ ấm quá mức, bú thêm sữa, nước.

- [39 - 40°C] Dùng hạ sốt. Lau mát có thể không giúp hạ sốt mà còn gây tình trạng sốt thêm nặng hơn.

- [>40°C] Lau mát cho xuống <40°C rồi dùng hạ sốt.

Bổ trợ: cho bé bú thêm sữa hoặc uống thêm nước, cởi bỏ quần áo mặc, tránh ủ ấm

------------------------------------

[Lưu ý là bài viết nhằm mục đích cung cấp thông tin sức khỏe, không khuyến cáo bố/mẹ áp dụng tại nhà. Nếu con sốt, hãy đưa đến bác sĩ để được khám và xét nghiệm một cách chính xác và đầy đủ nhất]

Nguồn: bs Nguyen Thanh Sang

Theo Bibabo.vn