Tài khoản

Luyện ngủ cho trẻ: Những điều ba mẹ cần biết

Linh Lê 5 năm trước 25 bình luận

Làm sao để trẻ ngủ ngon giấc? Khi nào trẻ có thể ngủ xuyên đêm? Tôi có thể làm gì khi con hay trằn trọc, giật mình tỉnh dậy?...

Xem nhanh

  • Luyện ngủ là gì? 
  • Lợi ích của việc luyện ngủ
  • Có cần thiết phải luyện ngủ cho trẻ? 
  • Khi nào nên bắt đầu luyện ngủ cho trẻ?
  • Một số phương pháp luyện ngủ cho trẻ

Xem thêm

Trẻ ngủ đủ giấc rất tốt cho sự phát triển của thể chất và trí não của bé, điều này ba mẹ nào cũng hiểu rõ. Tuy nhiên, có quá nhiều vấn đề xung quanh giấc ngủ của trẻ, nhất là trong những tháng đầu đời khiến ba mẹ lo lắng. 

Thật dễ dàng bắt gặp tình trạng trẻ ngủ thất thường, ngủ ngày cày đêm, thậm chí thức trắng đêm và nô nghịch, quấy khóc khiến ba mẹ mệt mỏi. Đây là tình trạng thường thấy. 

Nhiều ba mẹ không biết phải xoay sở thế nào, nên bất lực nhìn con gào khóc, thuận theo sự phát triển của con với hi vọng khi con lớn dần lên sẽ đỡ. 

Một số ba mẹ khác chọn cách luyện ngủ, giúp bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, sinh hoạt nền nếp hơn, ba mẹ cũng nhàn hạ hơn. 

Trong bài này, mời các mẹ cùng mình tìm hiểu về luyện ngủ và những điều cơ bản nhất xung quanh vấn đề này, hy vọng có nhiều thông tin hữu ích hơn cho các mom. 

Các phương pháp luyện ngủ giúp xây dựng thói quen ngủ tốt cho trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

1Luyện ngủ là gì? 

Hiểu một cách đơn giản, luyện ngủ hay dạy ngủ là quá trình giúp cho trẻ sơ sinh học cách ngủ và ngủ dễ dàng hơn. 

2Lợi ích của việc luyện ngủ

Có rất nhiều lợi ích tuyệt vời nếu ba mẹ luyện ngủ thành công cho bé: 

  • Em bé ngủ ngon hơn, ngủ đủ giấc và phát triển thể chất, trí não tốt hơn. 

  • Em bé bớt quấy khóc, mệt mỏi vì thiếu ngủ, hoặc buồn ngủ mà không được đáp ứng. 

  • Ba mẹ và những người thân khác có thời gian nghỉ ngơi, ổn định cuộc sống nhanh chóng sau khi bạn sinh bé. 

Bé ngủ ngoan hơn, thậm chí là ngủ xuyên đêm ngay từ nhỏ nếu được luyện ngủ đúng cách (Ảnh: Internet)

3Có cần thiết phải luyện ngủ cho trẻ? 

Luyện ngủ mang lại rất nhiều lợi ích tích cực, tuy nhiên, không phải gia đình nào, em bé nào cũng cần áp dụng các phương pháp luyện ngủ cho trẻ. 

Một số em bé có thể tự ngủ, ngoan ngoãn đi vào giấc ngủ mà không cần luyện tập, không cần “kỷ luật”. Bạn sẽ thật nhàn hạ nếu em bé của bạn cũng như vậy. 

Một số ba mẹ khác lựa chọn không luyện ngủ cho bé mà thuận theo sự phát triển của bé. Nếu bé khóc, bạn dỗ. Nếu bé thức dậy, bạn sẽ vỗ về. Nếu bé ngủ, bạn cũng nghỉ ngơi. Và bạn vẫn cảm thấy ổn, em bé cũng vui vẻ và hạnh phúc khi bạn chăm sóc bé như vậy. 

Theo mình, hãy tùy theo từng hoàn cảnh của gia đình bạn và em bé  để ra quyết định có cần luyện ngủ hay không. Hãy chọn phương pháp bạn cảm thấy phù hợp nhất, không cần gò bó bản thân phải theo bất cứ một phương pháp hay quy tắc nào cả, nếu điều này khiến bạn cảm thấy không ổn. 

Nếu em bé không hợp tác, bạn không nhất thiết phải luyện ngủ cho trẻ (Ảnh: Internet)

4Khi nào nên bắt đầu luyện ngủ cho trẻ?

Trẻ được 4 - 6 tháng tuổi là thời điểm thuận lợi để tiến hành luyện ngủ cho trẻ. Tuy nhiên, không có một mốc thời gian nào đúng với tất cả các trường hợp. 

Nếu em bé của bạn đã hơn 6 tháng tuổi, thậm chí là 12 tháng, 15 tháng hay 18 tháng, bạn vẫn hoàn toàn có thể luyện ngủ cho bé. Thậm chí bé còn nhận biết và bắt nhịp nhanh hơn khi bé dưới 6 tháng tuổi. 

5Một số phương pháp luyện ngủ cho trẻ

Mỗi phương pháp luyện ngủ dưới đây đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, không có phương pháp nào là tối ưu cả. Vì vậy, tùy thuộc vào mong muốn, lựa chọn và hoàn cảnh của bản thân, bạn có thể lựa chọn phương pháp luyện ngủ phù hợp nhất. 

Dưới đây là một số thông tin cơ bản về các phương pháp luyện ngủ. Nếu muốn thực hiện luyện ngủ sâu hơn theo các phương pháp này, mẹ nên dành thời gian tìm hiểu thêm để hiểu rõ và xây dựng lịch trình chuẩn nhất. 

Phương pháp NO CRY 

Luyện ngủ theo phương pháp NO CRY được xây dựng bởi chuyên gia về giấc ngủ Elizabeth Pantley, hoạt động theo nguyên tắc thay đổi thói quen ngủ của trẻ một cách từ từ. 

Bạn sẽ xây dựng một kế hoạch dạy con tự ngủ bắt đầu từ việc cho con sinh hoạt theo trình tự cố định, quan sát quá trình ăn ngủ của con, hiểu tín hiệu khi nào con muốn ngủ, chuẩn bị môi trường ngủ thích hợp cho con và thực hiện trình tự ngủ hợp lý. 

Phương pháp CRY IT OUT (CIO)

Đúng như tên gọi, phương pháp CIO khuyến khích bạn dạy bé cách tự xoa dịu chính bản thân mình mà không được ba mẹ vỗ về, âm yếu, an ủi hay hỗ trợ bất kỳ điều gì trong suốt quá trình bé tự ngủ. Em bé có thể khóc, khóc rất nhiều trước khi ổn định lại tâm trạng và dịu dần, sau đó bé sẽ đi vào giấc ngủ, thậm chí ngủ xuyên đêm. 

Phương pháp Ferber

Phương pháp luyện ngủ Ferber được sáng lập bởi tác giả Richard Ferber - một bác sĩ nhi khoa, đồng thời là người sáng lập và cựu Giám đốc điều hành Trung tâm chuyên về Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng ở Boston, Mỹ.

Khi luyện ngủ cho bé theo phương pháp Ferber, bạn sẽ bắt đầu bằng việc đặt bé nằm ngủ khi bé vẫn còn tỉnh táo, thậm chí ngay cả khi bé khóc. Sau 5 phút, 10 phút, 15 phút,... bạn sẽ quay lại để kiểm tra bé và xoa dịu hoặc vỗ về bé. Nhưng bạn không bế bé lên, cho bé ăn gì đó hoặc đưa bé sang phòng khác. Bạn vẫn để bé ở đó, xoa dịu bằng lời nói hoặc nhẹ nhàng vỗ về bé để bé cảm thấy ổn hơn. Dần dần, bé sẽ biết cách tự ngủ, tự xoa dịu chính mình khi bước vào giấc ngủ và ngủ ngon lành hơn. 

Bạn có thể lựa chọn cách xoa dịu hoặc không xoa dịu bé khi bé khóc, tùy theo phương pháp luyện ngủ và lựa chọn của bạn (Ảnh: Internet)

Phương pháp “chiếc ghế biến mất”

Phương pháp này phù hợp hơn với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. 

Cách thực hiện khá đơn giản. Ban đầu, bạn đặt bé nằm xuống cũi hoặc giường khi bé buồn ngủ. Sau đó, bạn lấy một chiếc ghế bên cạnh giường và cũi của bé. Khi bé khóc, bạn nhẹ nhàng vỗ về, xoa dịu bé nhưng tránh nhìn vào mắt bé, giao tiếp ánh mắt với bé. 

Mỗi ngày, chiếc ghế của bạn sẽ cách xa cũi hoặc giường của bé một chút, cho đến khi bạn không còn ngồi trong phòng nữa. 

Phương pháp nhấc lên - đặt xuống

Đầu tiên, bạn đặt bé xuống và nhẹ nhàng vỗ về cơ thể bé. Bạn để bé nằm trên giường một lúc và quan sát bé. Nếu bé không trấn tĩnh được, bạn bế bé lên, dỗ dành bé. Khi bé ngưng khóc, và bé vẫn thức. Bạn sẽ đặt bé trở lại cũi. Nếu bé bắt đầu mất bình tĩnh khi bạn đang đặt bé xuống, hãy để bé nằm hẳn trong cũi một lúc. Sau đó tiếp tục bế bé lên, xoa dịu bé. Rồi lại lặp lại vòng tròn này cho đến khi bé dịu dần đi và ngủ, bạn sẽ không phải bế bé lên nữa. 

Dù bạn chọn phương pháp luyện ngủ nào, đừng để giấc ngủ trở thành ác mộng của bạn và bé (Ảnh: Internet)

6Mất bao lâu để luyện ngủ cho bé thành công? 

Mỗi em bé có quá trình học tập và thích nghi không giống nhau, nên không có chuẩn mực nào áp dụng đúng cho tất cả các bé. 

Thông thường, nếu mẹ kiên trì và thực hiện đúng các kỹ thuật, sẽ mất khoảng 1 tuần hoặc lâu hơn để luyện ngủ cho bé thành công. Bù lại, thời gian sau đó bạn sẽ rất nhàn và “dễ thở” hơn nhiều. Cũng đáng lắm phải không nào?

Bạn không thể đòi hỏi em bé mới sinh ra ngoan ngoãn như một em bé 5 - 6 tuổi, ăn có giờ, ngủ có giấc. Hãy dành thời gian cho bé làm quen từ từ, thích nghi từ từ, học hỏi mọi thứ từ từ. Điều này sẽ tốt hơn cho cả bạn và bé. 

Còn bạn, bạn đang chăm sóc giấc ngủ cho bé như thế nào? Có mẹ nào đang luyện ngủ cho con theo các phương pháp trên không? Cùng chia sẻ nhé. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm