Tài khoản

Ngực mẹ đang ít sữa dần: Phải làm sao?

Duy Khánh 4 năm trước

Đừng để mất sữa là niềm đau, hãy nhận ra nguyên nhân mất sữa để xử lý nhanh chóng, đúng cách để giữ sữa, gọi sữa về ào ào.

Xem nhanh

  • Kiểm tra lại tư thế bú 
  • Kiểm tra lại chế độ ăn uống
  • Tích cực uống nước
  • Massage trước khi bé bú/ hút sữa
  • Không lạm dụng cho bé bú bình

Xem thêm

"Ít sữa dần", "mất sữa" - những cụm từ ám ảnh với chị em bỉm sữa tụi mình. Trời ơi, không có gì đáng sợ bằng việc mất sữa khi con đang tu ti no nên căng tròn mỗi ngày. Giờ không có sữa thì phải làm sao bây giờ, cho con ăn gì để con phát triển tốt nhất? Lúc đó, điều đầu tiên mẹ cần là giữ bình tĩnh. Chuyện đâu còn có đó, biết được tình trạng hiện tại của mình là đang mất sữa, sau đó tìm cách xử lý là được. Cách xử lý đâu? Đây, cùng mình tìm hiểu một số biện pháp cải thiện tình trạng ít sữa, ngừa mất sữa nhanh chóng nhé. Một số biện pháp mình đã áp dụng rồi, một số biện pháp chưa áp dụng nhưng được các mẹ chia sẻ rất nhiều. Mình tổng hợp lại cả để các mẹ dễ xem nhé. 

1Kiểm tra lại tư thế bú 

Chọn tư thế bú chuẩn cho bé rất quan trọng các mẹ ạ. Việc cho con bú nhiều khí nó là bản năng của mình ấy, nhưng bản năng có thể chưa chính xác. Nếu bé bú không đúng tư thế, việc bé "nặn" đầu ti để lấy sữa trở nên khó khăn hơn, dòng sữa không thể ra ngoài các đầu ti được. Bé không ăn được gì sẽ chán nản, mệt mỏi, thậm chí là cáu gắt. Trong khi đó, dòng sữa vẫn đọng lại trong ngực mẹ có thể gây tắc tia, áp xe vú. Nghiêm trọng hơn, nếu sữa mẹ dư thừa quá lâu và được trữ trong ngực mẹ, cơ thể sẽ hiểu là mẹ đang thừa sữa, dẫn đến ít sữa dần và mất sữa. 

Tư thế bú đúng giúp bé dễ dàng ti sữa, kích sữa về hiệu quả (Ảnh: Internet)

Cho nên, cho bé bú đúng tư thế là rất quan trọng, vừa giúp con vừa giúp cả mẹ. Đây cũng là một cách kích thích sữa về hiệu quả đấy, không có máy hút sữa nào tốt hơn "máy hút sữa chạy bằng sữa" này đâu. Vậy như thế nào là tư thế bú đúng? Một tư thế bú đúng sẽ đảm bảo một số nguyên tắc sau: bụng bé áp sát bụng mẹ, phần tai - vai - hông nằm trên một đường thẳng. Cùng với đó là khớp ngậm đúng với các biểu hiện: 

  • Miệng bé há to. 

  • Cằm bé chạm ngực

  • Mũi bé hở, không bị ngực mẹ che kín. 

  • Bé ngậm cả quầng vú chứ không chỉ ngậm mỗi đầu vú. Quầng vú dưới nhiều hơn quầng vú trên. 

Đảm bảo những yếu tố về tư thế bú và khớp ngậm chuẩn là mẹ có một tư thế bú đúng rồi. Tư thế bú đã đúng, chúng ta chuyển sang biện pháp tiếp theo. 

2Kiểm tra lại chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống tốt đối với các bà mẹ cho con bú là chế độ ăn uống với đa dạng và đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng kỵ linh tinh dẫn đến cơ thể mẹ không đủ chất, bé cũng không có sữa để phát triển. Mẹ không ăn đủ chất, cơ thể không có "nguyên liệu" để tạo sữa, cơ thể cùng ít năng lượng dần, kéo theo ít sữa dần, thậm chí mất hẳn sữa đấy. 

Bổ sung đầy đủ và đa dạng thực phẩm giúp mẹ gọi sữa về hiệu quả (Ảnh: Internet)

Chế độ ăn uống được khuyến khích cho các mẹ sữa gồm: 

  • Ăn đầy đủ, đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ,..), chất béo lành mạnh (dầu thực vật, bơ, sữa), chất đường bột (gạo, yến mạch, khoai, mì,...), vitamin và khoáng chất (rau xanh và hoa quả tươi) - ăn nhiều hơn nhóm vitamin và khoáng chất có thể giúp mẹ giảm bớt tình trạng táo bón sau sinh, giảm nguy cơ mẹ mắc bệnh trĩ, cơ thể lại nhanh phục hồi đặc biệt là làn da. 

  • Tiếp tục duy trì bổ sung các loại viên uống vitamin như thời kỳ mang thai để tăng dưỡng chất cho cơ thể, hoặc bổ sung viên uống lợi sữa, ngũ cốc lợi sữa gia tăng dưỡng chất cho cơ thể, lúc này vẫn là "ăn cho hai người" mà.

Một số món ăn không được khuyến khích: 

  • Gia vị cay nóng, có mùi như tỏi, ớt, hành tây,... có thể ảnh hưởng sữa mẹ. 

  • Lá lốt, rau răm, mướp đắng, ngải cứu,... vì có thể gây mất sữa. 

  • Rau muống, da gà,... có thể để lại sẹo ở vết mổ hoặc vết khâu tầng sinh môn. 

Các thực phẩm "siêu bổ dưỡng" như chân giò hầm, gà hầm,... đều là các món ăn rất tốt cho mẹ sữa nhưng không nên ăn quá nhiều, vì những món ăn này rất béo, chủ yếu sẽ "vào mẹ mà không vào con", mẹ tăng cân đáng kể sau sinh, hại nhiều hơn lợi. 

3Tích cực uống nước

Khoảng 80% thành phần của sữa mẹ là nước. Không có đủ nước, không có đủ lượng chất lỏng bổ sung vào cơ thể, cơ thể sẽ không tạo sữa được. Do đó, bổ sung từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày tùy theo cơ địa của từng người là việc làm cần thiết để kích thích cơ thể tạo nhiều sữa hơn đó các mẹ. Nước lọc cũng được, sữa cũng được, sinh tố hay nước canh đều được, đủ chất lỏng là được mẹ nha. 

4Massage trước khi bé bú/ hút sữa

Việc massage trước mỗi cữ bú là rất quan trọng. Đây như bước khởi động, để kích thích các "nhà mày nhỏ" là các nang sữa bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất sữa hiệu quả hơn. Đặc biệt trong mùa lạnh việc làm này là hết sức cần thiết. 

Ngay cả khi đang giữa cữ bú, cữ hút sữa mà mẹ thấy sữa không về, hoặc về rất ít, mẹ có thể tạm dừng việc hút sữa/ cho bé bú lại, massage nhẹ nhàng các bầu ngực khoảng 5 phút và tiếp tục cho bé bú. Cách này hơi mất công chút nhưng lại rất hiệu quả, các mẹ đừng bỏ qua nhé.

Massage ngực trước khi cho bé bú hoặc hút sữa kích thích sữa về nhiều hơn (Ảnh: Internet)

5Không lạm dụng cho bé bú bình

Việc bú bình có thể giải quyết được nhu cầu của bé nhưng với mẹ, cho bé bú bình không tốt chút nào. Thông thường, lượng sữa từ bình sữa sẽ nhiều hơn sữa từ ngực mẹ, nhu cầu của bé được đáp ứng nhanh chóng hơn, bé cũng thỏa mãn hơn. Đến khi chuyển sang bú ở ngực mẹ, sữa chảy chậm và không đủ với bé, bé rất dễ sinh ra tâm lý chán nản, bỏ bú mẹ, chỉ chịu bú bình. 

Bé con là "máy hút sữa" tốt nhất cho mẹ. Nếu máy hút sữa này không hoạt động nữa thì rất thiệt thòi cho mẹ đấy, mẹ khó có thể kích sữa một cách tự nhiên được. Lúc này có khi phải cần đến máy hút sữa chạy bằng điện rồi. Cho nên mẹ hãy cân nhắc lợi - hại thật kỹ trước khi cho con bú bình nhé.

6Dùng máy hút sữa khi cần

Nếu không thể vắt sữa bằng tay cũng không thể khai thác được gì từ chiếc "máy hút sữa chạy bằng sữa" ở nhà thì đến lúc chị em cần sử dụng máy hút sữa rồi nè. Dùng máy hút sữa bằng điện, hút sữa đều đặn mỗi ngày theo cữ cách nhau từ 2 - 3 giờ tùy điều kiện của từng mẹ, mỗi lần hút không quá 15 phút và cố gắng hút cạn ngực sẽ giúp cơ thể hiểu rằng mẹ đang thiếu sữa và tiết sữa ra nhiều hơn. 

Một chiếc máy hút sữa đủ mạnh, đủ lớn còn giúp mẹ có thể hạn chế và xử lý tình trạng tắc tia sữa hiệu quả.

7Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ cực kỳ quan trọng với mẹ sau sinh. Mẹ ngủ đủ giấc sẽ giúp mẹ vượt qua cơn mệt mỏi và những áp lực vô hình lẫn hữu hình xung quanh việc nuôi nấng và chăm sóc con cái, đặc biệt chuyện con còi, con mập, con tăng cân, con ít tăng cân, sữa mẹ nóng, sữa mẹ mát, mẹ ít sữa, mẹ nhiều sữa... 

Nếu mẹ đang bối rối vì không biết sắp xếp thời gian thế nào để nghỉ ngơi, suốt ngày đánh vật với con thì lấy đâu ra thời gian nghỉ ngơi, mình nghĩ đã đến lúc mẹ tìm hiểu thêm về các phương pháp rèn luyện cho con ngủ, giúp con sinh hoạt đúng nền nếp. Như thế mẹ sẽ nhàn hơn, có nhiều thời gian để chăm sóc cho con, chăm sóc gia đình và chăm sóc bản thân tốt nhất. Mình xin đề xuất cuốn sách "Nuôi con không phải là cuộc chiến" cùng phương pháp EASY rèn luyện cho con ngủ đúng giấc, sinh hoạt đúng giờ, mẹ nhàn con khỏe mạnh. Các mẹ tham khảo nhé.

8Giữ tinh thần tốt

Mẹ mệt mỏi, stress, cơ thể sẽ tiết ra các hormone xấu, hormone không tích cực, điều này có thể ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ. Hãy giữ cho bản thân mình thật thoải mái, những chuyện không tốt cố gắng "vào tai nọ ra tai kia" để bản thân mình được thảnh thơi, chỉ tập trung duy nhất vào câu chuyện chăm sóc con tốt nhất mà thôi. Ngủ đủ giấc, ăn uống cẩn thận, vận động một chút, tập yoga một chút, nghe nhạc một chút hoặc đơn giản là dành chút thời gian làm điều mình thích sẽ khiến mẹ cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều.
Cố lên các mẹ nhé. Nếu thấy sữa bắt đầu ít đi, hãy kiểm tra lại một lượt những hành động này xem mình đã làm đúng chưa, và điều chỉnh cho phù hợp. Để có đủ sữa cho con phải là tổng thể những yếu tố này cộng lại, chứ dinh dưỡng thôi là chưa đủ đâu. Ngoài ra, một số kinh nghiệm dân gian cũng có thể giúp đỡ các mẹ ít nhiều như chải lược, đun nước lá mít,... các mẹ có thể tham khảo nhé. Chia sẻ cùng các mẹ nhé. 

Theo Bibabo.vn