Tài khoản

Những biến chứng thai kỳ thường gặp mẹ bầu cần biết (Phần 2)

Thùy Linh 4 năm trước

Biến chứng thai kỳ là tình trạng ít gặp nhưng tương đối nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. 

Xem nhanh

  • Thiếu máu thai kỳ
  • Nhau tiền đạo
  • Tiền sản giật

Biến chứng thai kỳ có rất nhiều loại. Trong bài trước, mình đã chia sẻ với các mẹ về biến chứng thai ngoài tử cung, tình trạng sảy thai sớm và biến chứng tiểu đường thai kỳ nguy hiểm. Trong phần này, mình xin chia sẻ thêm với các mẹ 03 biến chứng thai kỳ khác cũng rất hay gặp: tình trạng thiếu máu thai kỳ, chứng nhau tiền đạo và bệnh lý tiền sản giật. 

1Thiếu máu thai kỳ

Thiếu máu thai kỳ là tình trạng mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hay đau đầu, chóng mặt, tóc rụng, móng tay móng chân rồi môi, mắt nhợt nhạt, sắc mặt trắng xanh,... Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có đến 38% mẹ bầu mắc phải chứng bệnh này.

Tình trạng thiếu máu thai kỳ tương đối nguy hiểm nhưng rất hay gặp ở mẹ bầu (Ảnh: Internet)

75 - 95% các trường hợp mẹ bầu thiếu máu là do thiếu sắt. Nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Mẹ có thể thiếu máu do không nhận đủ axit folic, vitamin B12 hay bị mất nhiều máu, bị rối loạn máu di truyền,... 

Mẹ bầu bị thiếu máu ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của cả hai mẹ con. Trường hợp mẹ bị thiếu máu nhẹ, nếu may mắn thì bé không bị ảnh hưởng nhưng một số trường hợp bé có thể bị thiếu cân, tăng nguy cơ thiếu máu bẩm sinh ở trẻ. Tình trạng thiếu máu nghiêm trọng do thiếu sắt thậm chí có thể khiến thai chết lưu hoặc tử vong sơ sinh. 

Mẹ bầu nên chú ý về biến chứng này và trao đổi với bác sĩ để có các biện pháp điều trị kịp thời. Bổ sung sắt đầy đủ theo đơn của bác sĩ giúp mẹ phòng tránh được nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt đấy. 

2Nhau tiền đạo

Chứng nhau tiền đạo xảy ra khi nhau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung, bánh nhau che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho mẹ bầu khi quyết định sinh thường, bé khó có thể tìm được cổ tử cung và chui ra ngoài. 

Mẹ bầu bị nhau tiền đạo không an toàn khi sinh thường (Ảnh: Internet)

Xuất huyết âm đạo bất thường là triệu chứng thường gặp nhất khi mẹ bị nhau tiền đạo. Nếu thấy cơ thể bị ra huyết, tốt nhất mẹ nên đi khám ngay để được bác sĩ kiểm tra chính xác nhé. 

Mẹ bầu đã từng có vết sẹo ở niêm mạc tử cung do từng phẫu thuật, sinh mổ hoặc phá thai; mẹ bầu lớn hơn 35 tuổi, mẹ bầu mang thai nhiều lần hoặc mẹ bầu có hình dạng tử cung bất thường là những người có nguy cơ mắc nhau tiền đạo cao nhất. 

Nếu bị nhau tiền đạo, mẹ hãy sẵn sàng để sinh mổ nhé vì việc sinh thường rất khó khăn và không an toàn cho cả mẹ và bé. Hãy chăm sóc bản thân thật tốt để cả mẹ và con cùng khỏe mạnh. 

3Tiền sản giật

Tiền sản giật là một chứng bệnh lý thai kỳ, thường dễ xảy ra trong 03 tháng cuối với 03 biểu hiện: Huyết áp cao (huyết áp tối đa >= 140 mmHg), protein niệu và phù cơ thể (Phù trắng, mềm, ấn lõm). 

Phù nề và huyết áp cao là hai biểu hiện rõ nhất của tiền sản giật (Ảnh: Internet)

Hiện chưa có nguyên nhân chính xác dẫn tới bệnh lý này. Tuy nhiên, mẹ bầu có người thân từng bị tiền sản giật, mẹ bầu béo phì, mẹ bầu bị phù nề là những người có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn. 

Vậy khi bị tiền sản giật, mẹ bầu cần làm gì? Cách tốt nhất là mẹ nên theo dõi huyết áp thường xuyên (khoảng 4 lần/ngày) và nhập viện nếu huyết áp bất thường. Ngoài ra, mẹ nên nằm nghiêng trái, dành thời gian nghỉ ngơi điều độ, ăn ngủ đúng giờ. Uống đủ nước (2 - 3 lít nước/ngày) kết hợp ăn nhạt, ăn nhiều đạm và vận động thường xuyên hơn, điều độ hơn sẽ giúp điều trị tiền sản giật hiệu quả.

Các bệnh lý trên đều rất nguy hiểm tới sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ. Nếu thấy cơ thể có bất kỳ bất thường gì, ba mẹ hãy đi bệnh viện kiểm tra ngay nhé.

Mời ba mẹ có thể xem lại những biến chứng thai kỳ khác trong phần 1 tại link: https://bibabo.vn/question/show/Nhung_bien_chung_thai_ky_thuong_gap_me_bau_can_biet_Phan_1/1878260.html

Chúc các mẹ và bé yêu khỏe mạnh!

Theo Bibabo.vn