Tài khoản

Quy tắc “4 ấm 1 lạnh” bảo vệ sức khỏe bé suốt mùa đông

Bé Chu An 4 năm trước

Dù thời tiết có lạnh đến đâu, chỉ cần ba mẹ giữ đúng quy tắc “4 ấm 1 lạnh” trong chăm sóc trẻ, bé yêu sẽ khỏe mạnh suốt mùa đông dài. 

Xem nhanh

  • Giữ ấm bàn tay 
  • Giữ ấm lưng
  • Giữ ấm bụng
  • Giữ ấm chân
  • “Một lạnh” vùng đầu

Thời tiết trở lạnh, nguy cơ trẻ mắc các bệnh về viêm đường hô hấp do nhiễm lạnh tăng cao. Ba mẹ thường có xu hướng quấn con thật chặt, thật kỹ, quấn càng kín càng tốt. Nhưng thực tế, ba mẹ chỉ cần giữ đúng nguyên tắc “4 ấm 1 lạnh” đơn giản dưới đây là đã giữ ấm cho trẻ hiệu quả. 

Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông không hề khó (Ảnh: Internet)

Bắt đầu khi thời tiết chuyển mùa, nhà mình đã áp dụng nguyên tắc này và thấy bé rất khỏe mạnh, chưa thấy có dấu hiệu ho, sụt sịt mũi  hay sốt do nhiễm lạnh. Các mẹ cũng tiến hành cho con xem sao nhé. 

Quy tắc 4 ấm là để chỉ việc giữ ấm 4 bộ phận chính trên cơ thể bao gồm: 

1Giữ ấm bàn tay 

Giữ ấm bàn tay trẻ sao cho tay không đổ mồ hôi. Ba mẹ giữ ấm tay trẻ bằng việc sử dụng găng tay, bao tay dành riêng cho bé. Khi sử dụng bao tay, ba mẹ lưu ý cắt hết chỉ thừa bên trong bao tay, tránh việc chỉ thừa quấy vào đầu ngón tay khiến trẻ bị thương. 

2Giữ ấm lưng

Giữ ấm lưng trẻ nhưng ở mức độ vừa phải, cũng như tay, ba mẹ không nên để lưng trẻ ra mồ hôi. Nếu trẻ bị ra mồ hôi lưng và ba mẹ không kịp thời lau mồ hôi giúp trẻ, mồ hôi sẽ thấm ngược trở lại vào bên trong cơ thể khiến trẻ bị lạnh. 

Không nên mặc quần áo quá nhiều khiến trẻ ra mồ hôi lưng (Ảnh: Internet)

Nhiệt độ cơ thể trẻ luôn cao hơn nhiệt độ cơ thể người lớn mình. Do đó, ba mẹ chú ý mặc quần áo cho trẻ không nên mặc quá nhiều, vừa đủ là được. Quấn bé quá kỹ có thể khiến trẻ bị bí bích, ra mồ hôi nhiều, trẻ lại không thoải mái đâu. 

Nhà mình hay cho bé mặc áo giữ nhiệt mỏng cộng thêm áo khoác bên ngoài. Bé chạy nhảy suốt ngày nên thân nhiệt cao, mình cũng không lo bé bị lạnh. Tất nhiên là còn tùy thể trạng của từng bé nữa. 

3Giữ ấm bụng

Giữ ấm bụng rất quan trọng đối với trẻ nhỏ và cả người lớn nữa. Đặc biệt với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa của con còn non nớt nên vùng bụng không được giữ ấm có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tiêu hóa của trẻ. 

Đặc biệt trong lúc ngủ, trẻ thường đạp chăn nên rất dễ bị hở bụng. Ba mẹ nên quấn một chiếc chăn mỏng xung quanh người bé trước khi đắp chăn dày hơn, như vậy dù bé có bật tung chăn ra thì bé vẫn được chăn nhỏ giữ ấm. 

Giữ ấm vùng bụng giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt (Ảnh: Internet)

Hoặc như nhà mình là sắm sửa một chiếc ngủ dành riêng cho bé giúp giữ ấm cơ thể cực tốt. Các mẹ có thể lên mạng tìm hiểu thêm về loại túi ngủ này nhé. Mình chỉ lưu ý là mẹ không nên chọn túi ngủ bằng lông vũ hoặc lông quá dày sẽ không tốt cho trẻ. Người lớn nhìn cảm giác ấm thật đấy nhưng với trẻ nhỏ túi kiểu này rất nóng, quá nóng, nóng hơn mức cần thiết rất nhiều. Vì nhiệt độ cơ thể trẻ cao hơn người lớn, như mình đã chia sẻ ở trên. Do đó, hãy cẩn thận khi chọn túi ngủ cho trẻ. 

4Giữ ấm chân

Giữ ấm chân là một trong những vị trí mẹ cần quan tâm nhất. Vùng chân của trẻ, đặc biệt là bàn chân và các đầu ngón chân chứa rất nhiều mạch và huyệt. Đây là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể và cần được bảo vệ. Như người lớn mình khi chân bị lạnh thì cả người đều cảm giác thấy lạnh, trẻ nhỏ cũng vậy. 

Chân em bé rất nhạy cảm nên cần được chú ý giữ ấm (Ảnh: Internet)

Sử dụng tất chân, bao chân cho trẻ là điều cần thiết. Mặc dù vậy, cũng giống như tất tay và bao tay, ba mẹ cần đảm bảo chỉ thừa đã được cắt hết, tránh ngón tay ngón chân bé bị tổn thương. 

Ngoài giữ ấm bằng vải, ba mẹ có thể sử dụng các loại kem hoặc dầu giữ ấm. Nhà mình đang dùng dầu ấm Vick Baby Balsam, các mẹ có thể dùng dầu của Johnson’s Baby thoa vào lưng, ngực, bụng, lòng bàn chân để giữ ấm cho trẻ. Nếu sử dụng các loại dầu giữ ấm này, mẹ nhớ giảm bớt quần áo mặc cho trẻ, tránh trẻ bị nóng quá mức nhé. Nói chung phải cân đối thôi. 

Bên cạnh 4 vị trí cần giữ ấm, mẹ lưu ý nguyên tắc “1 lạnh”

5“Một lạnh” vùng đầu

“Lạnh” ở đây không phải là để phơi ra ngoài, mà lạnh nghĩa là để cho phần đầu của trẻ được thông thoáng, không bịt kín quá mức. 

Ở trẻ sơ sinh, đầu là nơi cơ thể tạo ra nhiệt nhưng cũng là nơi thoát nhiệt chủ yếu của cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ hay quấn thóp cho trẻ sơ sinh là cần thiết để giúp trẻ không bị lạnh, nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, mẹ không cần giữ ấm vùng đầu quá, nhất là khi ngủ. 

Nếu bé không thích, mẹ không cần ép bé đội mũ (Ảnh: Internet)

Việc quấn ủ kín vùng đầu khiến lượng nhiệt bé sản sinh khi hoạt động không được thoát ra ngoài khiến bé bứt rứt khó chịu. Đấy là lí do tại sao mẹ rất hay thấy bé tự bỏ mũ ra và không chịu đội lại, nhất là khi vừa chơi xong. 

Hay trong trường hợp trẻ bị ra mồ hôi trộm. Lúc này, mẹ chỉ nên dùng khăn bông và nhẹ nhàng lau mồ hôi cho trẻ để ngăn mồ hôi thấm ngược trở lại khiến trẻ bị lạnh. Ngoài ra, mẹ không nên đội mũ cho trẻ vì có thể làm tình trạng ra mồ hôi trộm nghiêm trọng hơn. 

Túm lại về chuyện đội mũ, nếu mẹ đội mũ cho bé mà bé thấy ổn thì mẹ nên đội, nhưng bé không thích và bỏ ra, mẹ cũng không nên cố ép trẻ phải đội mũ nhé.

Chúc các mẹ cùng con an toàn vượt qua mùa đông lạnh lẽo này!

Theo Bibabo.vn