Tài khoản

Ra khí hư bất thường khi mang thai: Mẹ bầu cảnh giác với những nguy hiểm tiềm ẩn

Mẹ Soo 4 năm trước 6 bình luận

Khi mang thai, vùng kín tiết nhiều khí hư là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy khí hư ra nhiều và bất thường, mẹ bầu nên đi khám ngay.

Xem nhanh

  • Ra khí hư như thế nào là bất thường trong thai kỳ?
  • Khí hư bất thường là dấu hiệu của bệnh gì? 
  • Mẹ bầu cần làm gì khi ra khí hư bất thường?
  • Làm gì để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai?

Khí hư là một trong những dấu hiệu sớm và rõ rệt nhất phản ánh sức khỏe phụ khoa của chị em phụ nữ. Ở mẹ bầu, khí hư thường ra nhiều và thường xuyên hơn so với trước khi mang thai. Tuy nhiên, nếu khí hư có màu trắng đục, trắng xanh, nâu kèm theo mùi khó chịu, rất có thể mẹ đang mắc bệnh lý phụ khoa, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Khí hư biểu hiện nhanh và rõ ràng tình trạng sức khỏe phụ khoa của mẹ bầu (Ảnh: Internet)

1Ra khí hư như thế nào là bất thường trong thai kỳ?

Khí hư bình thường có màu trắng trong giống như lòng trắng trứng, khá dai, có thể kéo thành sợi, không mùi hoặc có mùi hơi tanh. Khi mang thai, mặc dù khí hư ra nhiều hơn bình thường (do lượng hormone estrogen thay đổi) nhưng về tính chất của khí hư không có gì thay đổi.

Vậy ra khí hư như thế nào bị coi là bất thường? Khí hư bất thường khi có các dấu hiệu dưới đây:

  • Số lượng: Ra nhiều bất thường, tăng đột biến. 

  • Màu sắc: Màu vàng, xanh, trắng sữa, nâu đen. 

  • Tính chất: Có mùi hôi, khó chịu, hơi tanh hoặc chua. Có thể kết dính, cũng có thể loãng như nước. Nếu viêm nặng, khí hư có thể có mủ và máu kèm theo. 

Khi thấy khí hư xuất hiện những dấu hiệu này, mẹ bầu cần đi khám phụ khoa ngay để kiểm tra sức khỏe. 

Nếu thấy khí hư có màu bất thường, mẹ nên đi khám ngay (Ảnh: Internet)

2Khí hư bất thường là dấu hiệu của bệnh gì? 

Theo Bệnh viện Vinmec, khí hư bất thường cùng những triệu chứng kèm theo sẽ tiềm ẩn nguy cơ mẹ bầu mắc một số bệnh lý phụ khoa dưới đây: 

  • Nếu khí hư ra nhiều, có màu trắng hoặc đặc như phô mai; kèm theo một số triệu chứng âm đạo ngứa, nóng rát, đau nhức hoặc đau khi đi tiểu tiện thì rất có thể mẹ đang bị nhiễm nấm âm đạo. 

  • Nếu khí hư có màu trắng, vàng hoặc xám kèm theo tình trạng vùng kín có mùi tanh, ngứa và sưng thì rất có thể mẹ bầu đang bị viêm âm đạo do vi khuẩn. 

  • Nếu khí hư có màu vàng hoặc xanh, dày kèm theo tình trạng vùng kín có mùi hôi, rất có thể mẹ bầu đang bị nhiễm trùng roi Trichomonas. 

  • Nếu khí hư có màu nâu, đẫm máu kèm theo tình trạng đau vùng chậu, chảy máu âm đạo thì rất có thể mẹ bầu đang gặp vấn đề bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng. 

  • Nếu khí hư có màu vàng hoặc xanh nõn chuối, kèm theo tình trạng đau vùng xương chậu, nước tiểu có lẫn máu và mủ thì rất có thể mẹ bầu đang bị bệnh lậu. 

Mỗi biểu hiện khí hư bất thường đều là dấu hiệu cho thấy nguy cơ tiềm ẩn mẹ bầu đang mắc các bệnh lý phụ khoa. Dù không nguy hiểm tính mạng nhưng mẹ không thể bỏ qua những bất thường ngày vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tăng khả năng sảy thai và sinh non. 

Khí hư bất thường kết hợp với những triệu chứng khác sẽ cho biết tình trạng bệnh lý của mẹ bầu (Ảnh: Internet)

3Mẹ bầu cần làm gì khi ra khí hư bất thường?

Tốt nhất mẹ nên đi khám ngay và thẳng thắn trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình. Mẹ không nên tự ý sử dụng các biện pháp chữa trị viêm nhiễm phụ khoa khi không có sự tư vấn của bác sĩ để tránh thai nhi bị ảnh hưởng. 

4Làm gì để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai?

Để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa, mẹ bầu nên chăm sóc vùng kín và chăm sóc cơ thể đúng cách, nhất là thời điểm khí hư ra nhiều. Cụ thể: 

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách thường xuyên. Nên thay quần lót 2 lần/ngày. 

  • Chọn quần lót có chất liệu khô thoáng, co giãn tốt, thoải mái. 

  • Không mặc quần lót quá chật. 

  • Không thụt rửa âm đạo quá sâu làm ảnh hưởng độ pH. 

  • Ăn uống đầy đủ chất, hạn chế chất đường. Bổ sung một số món ăn có tác dụng điều hòa khí hư như canh thịt lợn nấu với hoa mào gà, gà đen hầm hoàng kỳ,...

  • Hạn chế hoặc không quan hệ tình dục khi mang thai. 

  • Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh phụ khoa. 

  • Tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên như đi bộ, tập yoga, đi bơi.

Khu vực vùng kín rất gần với vị trí của thai nhi. Nếu không cẩn thận với các bệnh lý vùng kín và điều trị kịp thời, thai nhi có thể bị ảnh hưởng. Mẹ bầu không nên chủ quan khi mắc bệnh và không nên tự ý chữa trị bệnh theo “google” hoặc “bác sĩ online”. Chúc các mẹ bầu thai kỳ khỏe mạnh. 

Theo Bibabo.vn