Tài khoản

Chăm sóc vết mổ sau sinh đúng cách, mau lành và ít để lại sẹo

Linh Diệu 4 năm trước

Vết mổ sau sinh cần được chăm sóc đúng cách, vệ sinh sạch sẽ giúp mẹ khỏe mạnh, tránh những biến chứng sức khỏe trong lần mang thai tiếp theo.

Xem nhanh

  • Chuyện vệ sinh vết mổ
  • Chuyện ăn gì, uống gì để vết mổ nhanh lành?
  • Chuyện vận động nhẹ nhàng sau sinh

Chào các mẹ. Hôm nay mình xin chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc vết mổ sau sinh mình đã áp dụng, trộm vía vết mổ rất mau lành và chỉ để lại một đường sẹo rất mờ, không rõ lắm. 

Đành rằng tốc độ lành của vết mổ và vết sẹo sẽ phụ thuộc vào cơ địa của từng người, tuy nhiên, cách chúng ta chăm sóc vết sẹo, chăm sóc cơ thể sau sinh cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng tác động đến vết sẹo này đấy. Mẹ đừng “phó mặc cho cơ địa” và mặc kệ không chăm nha. 

Cách chăm sóc làm giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng vết mổ (Ảnh: Internet)

Thông thường trong 2 - 7 ngày đầu tiên sau sinh mổ, hàng ngày các y tá, bác sĩ sẽ giúp chị em mình vệ sinh vết mổ, tháo gỡ băng và kiểm tra xem vết mổ đã ổn hay chưa. Chỉ sau 5 ngày đến 8 ngày là chị em đã có thể được cắt chỉ trong trường hợp dùng chỉ rút hoặc không cần cắt chỉ nếu được khâu bằng chỉ tự tiêu. Thời gian này chị em không tự ý tháo băng, không làm ướt băng gạc, và có vấn đề gì hãy trao đổi với bác sĩ nhé.

Giờ đến đoạn bản thân tự chăm sóc vết mổ đây. 

1Chuyện vệ sinh vết mổ

Theo mình, điều quan trọng nhất là chị em cần giữ được vết mổ KHÔ, THOÁNG và SẠCH. 

Vệ sinh vết mổ sau khi tắm:

  • Tắm bằng nước ấm, tắm nhanh, KHÔNG để vết mổ bị ngâm nước quá lâu. Ngay sau khi tắm xong nên dùng chăn quấn chặt cơ thể, dùng bông gòn THẤM KHÔ vết mổ. 
  • Chị em có thể sát trùng vết mổ bằng dung dịch sát trùng (nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng) để vết mổ được sạch sẽ hơn, hạn chế vi khuẩn gây hại xâm nhập. 
  • Chị em không cần băng kín vết khâu, hãy giữ cho vết khâu được thoáng. Việc tiếp xúc giữa vết mổ và không khí sẽ khiến vết mổ nhanh lành hơn. Có điều khi ra ngoài đường, tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bặm, mẹ nhớ che chắn vết mổ cẩn thận tránh vết mổ bị bụi bẩn nhiều sẽ dễ nhiễm trùng. 

Với chị em có cơ địa sẹo lồi:

Chị em hãy hỏi bác sĩ về “thuốc chống sẹo lồi” để được tư vấn nhé. Nếu bác sĩ kê thuốc chống sẹo lồi cho, chị em có thể thoa theo hướng dẫn, thường là khoảng 1 tuần sau khi cắt chỉ để tránh vết mổ nhiễm trùng lại mang lại hiệu quả tốt. Thoa quá muộn thuốc sẽ không phát huy được nhiều tác dụng nữa. 

Vết sẹo lồi khi liền thường lồi hẳn khỏi da, gây ngứa rất khó chịu. Chị em không chạm tay nhiều lần vào vết mổ (vì tay có thể chứa nhiều vi khuẩn), tránh gãi nếu thấy ngứa ở vết mổ nhé.

2Chuyện ăn gì, uống gì để vết mổ nhanh lành?

Chuyện ăn uống trong những ngày đầu sau sinh

Theo bác sĩ CKI sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà - sau khi sinh mổ, chị em cần thực hiện chế độ ăn uống như sau: 

  • Trong vòng 6 tiếng, mẹ nằm trong phòng hồi sức và theo dõi, không được phép ăn gì. 

  • Mẹ nào gây mê khi mổ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho đến khi đi trung tiện mới bắt đầu ăn đặc, không uống sữa ngay vì dễ gây tiêu chảy. 

  • Mẹ nào gây tê khi mổ có thể ăn cháo loãng, nếu tiêu hóa tốt có thể ăn cơm. 

Chế độ ăn uống sau sinh 

Sau đó, chị em hãy ăn uống như bình thường, không nên kiêng khem gì cả sẽ giúp cơ thể mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng, mẹ nhiều sữa, sữa nhiều chất hơn mà vết mổ mau lành hơn nhiều. 

  • Ăn uống đa dạng các thức ăn giàu dưỡng chất như tinh bột, đạm, canxi, rau củ quả nấu chín,...

  • Uống nhiều nước, sữa để cơ thể có nhiều sữa. 

  • Hạn chế thức ăn hay gây dị ứng như hải sản.

  • Một số thực phẩm dân gian tương truyền rằng dễ để lại sẹo như da gà, đồ nếp, rau muống,... mình nghĩ kiêng cũng được không kiêng cũng được. Vì sẹo lồi là do cơ địa là chính, không phải do thực phẩm. Thỉnh thoảng ăn một vài bữa không khiến chị em bị sẹo lồi đâu ạ. Chị em nào “có kiêng có lành” thì càng tốt, nhưng vẫn lưu ý là nên bổ sung đa dạng dưỡng chất nhé. Mình thì mình không kiêng và kết quả là cũng không bị sẹo lồi.

Bổ sung sắt cực kỳ quan trọng

Như mình biết, việc sinh mổ sẽ khiến mẹ bị mất khá nhiều máu. Do đó mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt, tiếp tục duy trì uống viên sắt sau sinh để bổ sung máu, ngăn ngừa thiếu máu, đồng thời tăng lượng máu lưu thông vùng bụng, giúp vết mổ nhanh lành hơn. 

3Chuyện vận động nhẹ nhàng sau sinh

Việc vận động nhẹ nhàng sau sinh rất có lợi cho việc phục hồi của mẹ nói chung, giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn, giảm thiểu tình trạng táo bón sau sinh, lưu thông mạch máu giúp vết mổ nhanh lành. 

Có điều, nếu cơ thể quá yếu, trong quá trình sinh mổ bị mất máu nhiều thì chị em không nên vận động sớm sẽ nguy hiểm. 

Nếu có ý định tập thể dục sau sinh, chị em nên bắt đầu tập từ khoảng 4 - 6 tuần sau sinh, khi đó vết mổ đã ổn định hơn, cơ thể đã khỏe mạnh hơn ít nhiều. Nếu có gì bất thường như đau đớn, chảy máu,... chị em nhớ đi khám ngay để được kiểm tra nhé.

Túm lại thì, việc chăm sóc vết mổ sau sinh nên tập trung vào giữ cho vết mổ được KHÔ - SẠCH - THOÁNG, ăn uống đa dạng và đầy đủ dưỡng chất, không nên kiêng khem quá mức sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục, vết mổ cũng nhanh lành hơn. Vận động nhẹ nhàng rất tốt cho cơ thể, mẹ sau sinh không nên nằm một chỗ quá lâu còn làm tăng nguy cơ bị bế sản dịch, hạn chế máu lưu thông gây nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác. Nghe đơn giản mà, phải không các mẹ. 

Lưu ý quan trọng: Thời gian tối thiểu giữa hai lần sinh mổ liên tiếp nên là 2 năm, đây là thời gian đủ để vết mổ lành hoàn toàn, tránh bục, nứt vết mổ của lần một gây nguy hiểm tính mạng của mẹ và bé. 

Nguồn tham khảo: Eva. 

Theo Bibabo.vn