Tài khoản

Mẹ bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu thai kỳ?

Gia Bảo 4 năm trước

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học trong 3 tháng đầu thai kỳ giúp mẹ bầu phòng tránh dị tật thai nhi hiệu quả.

Xem nhanh

  • Chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ
  • Một số thực phẩm tốt cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ
  • Lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ

3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm phôi thai phân hóa và hình thành các bộ phận với các chức năng cơ bản. Trái tim nhỏ bé bằng hạt vừng đã bắt đầu đập. Mắt, mũi, tay, chân đã bắt đầu hình thành. Hệ thần kinh của bé phát triển cực nhanh, đặc biệt hệ thống ống thần kinh đã hoàn thành. 

Giai đoạn này, chế độ dinh dưỡng mẹ cung cấp cho bé cực kỳ quan trọng giúp bé phát triển hệ thần kinh tốt nhất, phòng tránh dị tật thai nhi do thiếu chất dinh dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với thai nhi trong 03 tháng đầu (Ảnh: Internet)

1Chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ

Axit folic và sắt là hai nhóm chất dinh dưỡng cần được bổ sung tập trung và đầy đủ nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ. 

Bổ sung axit folic

  • Vai trò: Giúp thai nhi tổng hợp ADN, hỗ trợ các quá trình chuyển hóa acid nucleic và các acid amino. Thiếu axit folic là nguyên nhân chính gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Can thiệp cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ làm giảm được khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ. 

  • Nhu cầu bổ sung: 400 - 600mcg axit folic/ngày.

Bổ sung sắt

  • Vai trò: Sắt cùng với protein tạo thành hồng cầu, vận chuyển O2 và CO2 và các chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ với thai nhi.

  • Nhu cầu bổ sung: 40 - 60mg sắt/ngày.

Thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển (Ảnh: Internet)

Bổ sung canxi

  • Vai trò: Giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức phận thần kinh và quá trình đông máu hoạt động bình thường. Thiếu canxi trong thai kỳ, mẹ bầu dễ bị loãng xương sau này, chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng. 

  • Nhu cầu bổ sung: 1.200mg canxi/ngày. 

Bổ sung kẽm

  • Vai trò: kẽm đóng vai trò xúc tác cho gần 200 enzyme trong cơ thể hoạt động bình thường. Với mẹ bầu, kẽm tham gia quá trình sản xuất insulin và enzyme, hình thành các tổ chức và giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng. 

  • Nhu cầu bổ sung: 20mg kẽm/ngày (Trường hợp hấp thu kém).

2Một số thực phẩm tốt cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ

Ngoài thực phẩm chức năng, một số thực phẩm dưới đây rất giàu các nhóm chất mẹ bầu cần bổ sung trong 03 tháng đầu thai kỳ: 

  • Rau màu xanh đậm: Cải bó xôi, rau xà lách, súp lơ, rau cải, măng tây,...

  • Các loại hạt: Hạt hạnh nhân, óc chó, macca, đậu phộng, hướng dương,...

  • Trái cây: Đu đủ chín, cam, bưởi, dâu tây. 

  • Thịt đỏ: Thịt lợn, thịt bò,...

  • Trứng: Trứng gà, trứng ngỗng,...

  • Thủy sản: Cua đồng, tôm đồng, cá hồi,...

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa.

Bổ sung đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng giúp mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh (Ảnh: Internet)

3Lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ

Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ thực phẩm giàu dinh dưỡng cần thiết trong 03 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu chú ý thêm một số điểm nho nhỏ giúp chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ốm nghén, mệt mỏi trong thời gian này: 

  • Chia thành 5 - 6 bữa ăn trong ngày: 3 bữa ăn chính, 3 bữa ăn phụ. 

  • Duy trì uống từ 2 - 3 lít chất lỏng mỗi ngày (nước lọc, sinh tố trái cây tươi, nước ép rau củ, súp trong bữa ăn,...)

  • Không ăn đồ có nhiều đường, đồ cay nóng, ít dinh dưỡng như đồ ngọt, đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn.

  • Không ăn thực phẩm sống, hoặc tái, trứng lòng đào. 

  • Tránh ăn các thực phẩm gây khó tiêu, nhiều chất béo.

  • Không ăn các loại hải sản có nguy cơ mắc hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá kình, cá thu to, cá mập,...

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu tăng khoảng 1 - 1.5kg là hợp lý. Ngoài chế độ ăn uống hàng ngày, mẹ bầu có thể bổ sung thêm dinh dưỡng bằng các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, việc bổ sung loại nào, liều lượng bao nhiêu, mẹ cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ sản khoa để bổ sung đủ và đúng nhất, giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh nhé.

Tài liệu tham khảo: 

Bộ Y tế, Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, 2017.

Theo Bibabo.vn