Tài khoản

Nịt bụng ngay sau sinh: Lợi vòng eo hay hại vào người?

Mẹ Tún nhỏ 4 năm trước

Nịt bụng là phương pháp giảm eo được các mẹ sau sinh rất ưa chuộng. Nhưng nịt bụng thật sự giúp thu gọn vùng eo sau sinh hiệu quả?

Xem nhanh

  • Hiểu về nịt bụng sau sinh
  • Tác hại khôn lường khi nịt bụng ngay sau sinh
  • Thời điểm tốt để nịt bụng sau sinh
  • Nịt bụng sau sinh đúng cách

Vòng eo “quá khổ” sau sinh là một trong những vấn đề đau đầu của chị em phụ nữ. Nhiều chị em tìm đến phương pháp nịt bụng, sử dụng kem tan mỡ với mong muốn nhanh chóng lấy lại vòng eo con kiến. Nhưng nịt bụng cần hiểu đúng và làm đúng, nếu không sẽ mang hại vào người. 

1Hiểu về nịt bụng sau sinh

Nghĩ tới nịt bụng, chị em sẽ nghĩ ngay tới vòng eo được thu gọn, thậm chí là giảm mỡ bụng. Thực tế, nịt bụng nếu không kết hợp cùng muối nóng giảm eo hoặc kem tan mỡ giảm ẹo sẽ chỉ giúp mẹ nhìn gọn hơn, mỡ ít tích tụ hơn ở vùng eo nhưng phần mỡ này không bị mất đi mà sẽ “dàn đều” sang những bộ phận khác trên cơ thể. 

Nịt bụng sau sinh nén ép vùng da và mỡ bụng giúp bụng trông thon gọn hơn (Ảnh: Internet)

Trong quá trình mang thai, lượng hormone nội tiết tố như estrogen, progesterone, relaxin gia tăng nhanh chóng khiến vùng cơ bụng, cơ vùng chậu, các khớp và dây chằng được nới lỏng để chuẩn bị cho sự phát triển của thai nhi và quá trình sinh nở. Những cơ này mất đến 9 tháng 10 ngày để co giãn thì cũng sẽ cần 9 tháng, hoặc nhanh thì là 6 tháng tùy theo cơ địa của từng người mới có thể phục hồi hoàn toàn, trả lại vị trí và vóc dáng như lúc mới sinh. Có nghĩa, việc nịt bụng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không phải biện pháp quyết định đến sự phục hồi của cơ thể sau sinh. 

Cũng có nghĩa, nếu chị em mong muốn vòng bụng thon gọn nhanh nhất sau sinh, điều quan trọng nhất là chị em cần duy trì chế độ luyện tập vận động thường xuyên và đều đặn với các bài tập săn chắc vùng bụng. Kết hợp với đó là một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ và cân bằng chất dinh dưỡng và kiểm soát được quá trình tăng cân của cơ thể. Nịt bụng chỉ là một biện pháp hỗ trợ nho nhỏ, không phải cách “ăn ngay” để giảm cân bền vững. Thậm chí, nếu không dùng gen nịt bụng đúng cách, sức khỏe của chị em có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

2Tác hại khôn lường khi nịt bụng ngay sau sinh

Nịt bụng ngay sau sinh nhất là thời điểm cơ thể chưa sạch sản dịch có thể mang lại những vấn đề bất tiện và nguy hiểm tới sức khỏe của chị em phụ nữ.

Gen nịt bụng sau sinh được làm chủ yếu từ cao su hoặc vải cotton với khả năng co giãn không cao. Khi sử dụng gen nịt bụng, chị em cần quấn 2 vòng, quấn càng chặt tay càng tốt, sau đó là để giữ trên người càng lâu càng tốt, có người còn nịt 24/24 giờ với hi vọng đạt hiệu quả tối đa. 

Nhưng khi nịt bụng, lớp vải/cao su non bám sát vào da khiến chị em ít nhiều không thoải mái. Cộng thêm sau sinh thân nhiệt cơ thể thường cao hơn, lại ôm ấp em bé thường xuyên tạo cảm giác bức bối, khó chịu. Tình trạng khó thở, tức bụng cũng diễn ra thường xuyên hơn. 

Nịt bụng ngay sau sinh không đúng cách gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe (Ảnh: Internet)

Việc nịt bụng, ép vòng bụng bằng gen nịt bụng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trào ngược dạ dày, thực quản sau khi sinh. Khi nịt bụng, áp lực tác động lên vùng bụng quá lớn khiến thức ăn trong dạ dày không được tiêu hóa thuận lợi, có nguy cơ trào ngược lên thực quản. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động ăn uống và phục hồi cơ thể của mẹ sau sinh. 

Không chỉ vậy, thường xuyên nịt bụng sau sinh có thể gây ra các vấn đề về da. Mẹ nịt bụng trong điều kiện thời tiết nóng bức, cơ thể sinh nhiệt nhiệt sẽ đổ nhiều mồ hôi. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, mồ hôi tích tụ, chất bẩn tích tụ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây hại phát triển, gây ngứa ngáy, mẩn đỏ và các vấn đề về da. 

Quan trọng nhất, một số chị em nôn nóng nịt bụng ngay sau khi sinh xong, nhất là các mẹ sinh thường. Điều này rất nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ, thậm chí có thể gây viêm nhiễm và tử vong. Nguyên nhân là do ngay sau sinh, sản dịch bên trong cơ thể chưa được đẩy hết ra bên ngoài. Nếu mẹ nịt bụng quá chặt có thể gây bế tắc sản dịch trong ổ bụng, lâu ngày gây viêm nhiễm, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe.

3Thời điểm tốt để nịt bụng sau sinh

Thứ 1, mẹ cần đảm bảo cơ thể sạch hết sản dịch. Thông thường từ 15 - 20 ngày cơ thể sẽ đào thải hết sản dịch ra ngoài, nhưng cũng có thể lâu hơn tùy theo cơ địa của từng người. 

Đặc biệt với mẹ sinh mổ, mẹ hãy chú ý đến mức độ lành của vết mổ. Thông thường, mẹ cần từ 1 - 2 tháng để đợi cho vết thương lành hẳn hoặc ít nhất là không cảm thấy đau đớn, khi đó hãy bắt đầu nịt bụng. Nếu quá vội vã, mẹ có thể khiết vết mổ bị nứt, lúc đó rất nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ. 

Hết sản dịch là một trong những điều kiện quan trọng khi nịt bụng (Ảnh: Internet)

4Nịt bụng sau sinh đúng cách

Mặc dù vậy, nịt bụng sau sinh đúng cách sẽ mang lại một số lợi ích nhất định cho chị em như tăng cường tốc độ phục hồi cơ thể (giúp các cơ quan bên trong bụng, vùng cơ và da ở đúng vị trí hơn), giúp chị em tự tin hơn khi đi ra ngoài. 

Chị em lưu ý những vấn đề dưới đây nhé: 

  • Chỉ nịt bụng sau sinh sau khi hết sản dịch hoặc vết sinh mổ đã lành. 

  • Không nên nịt bụng liên tục nhiều giờ liền, đặc biệt là ban đêm khi ngủ. 

  • Thời gian nịt bụng nên tăng một cách từ từ để cơ thể có thể thích nghi, từ 1 giờ 1 ngày tăng lên 2 giờ một ngày sau sinh 3 tháng, 4 - 6 giờ một ngày sau khi sinh 6 tháng. 

  • Cùng với nịt bụng, hãy chăm tập luyện thể dục thể thao và có chế độ ăn uống hợp lý. 

Không có chuyện gì là dễ dàng. Cũng không có phương pháp gì đơn giản, rẻ tiền lại mang đến hiệu quả cao nên chị em không nên kỳ vọng quá nhiều. Quan trọng nhất, đừng vội vàng hấp tấp để giảm eo sau sinh mà đánh đổi sức khỏe của mình và ảnh hưởng đến con. Trong 6 tháng đầu, nhiệm vụ quan trọng nhất là ăn uống thật tốt, nghỉ ngơi thật tốt để có đủ sữa nuôi con và nhanh chóng hồi phục sức khỏe, hồi phục cơ thể. 

Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp các mẹ phần nào hiểu hơn về nịt bụng và những vấn đề xung quanh nó.

Theo Bibabo.vn