Tài khoản

05 nguyên tắc "vàng" giúp trẻ ngủ sâu giấc, không giật mình vào buổi tối

Linh Diệu 4 năm trước 9 bình luận

Làm thế nào để trẻ sơ sinh ngủ ngoan, không cựa quậy hay giật mình khó ngủ là băn khoăn lớn của các bậc phụ huynh.

Xem nhanh

  • Nguyên tắc 1: Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc ngủ ngắn vào ban ngày
  • Nguyên tắc 2: Điều chỉnh các cữ bú phù hợp với độ tuổi
  • Nguyên tắc 3: Xây dựng thói quen trước khi ngủ cho bé
  • Nguyên tắc 4: Hãy đặt bé xuống giường, không rung bé trên tay
  • Nguyên tắc 5: Hãy kiên nhẫn với trẻ

Em bé từ 0 - 2 tháng tuổi thường có giấc ngủ rất linh hoạt, không theo một quy củ, nền nếp nào cả. Dù ba mẹ có áp dụng rất nhiều các phương pháp luyện ngủ khác nhau nhưng cũng gần như "bất lực", không có tác dụng với những em bé này.  

Thực tế, sau khi sinh, em bé cần thời gian làm quen với những thay đổi trong môi trường sống. Nếu như khi còn trong bụng mẹ, bé luôn được bao quanh bởi nước, trong không gian ấm áp, ít ánh sáng, ít tiếng ồn thì khi chào đời, em bé phải làm quen với môi trường sống hoàn toàn mới, nhiệt độ thấp hơn, ánh sáng nhiều hơn (có khi là 24/24), ồn ào hơn và không còn nước bao quanh nữa. Những lạ lẫm này buộc cơ thể bé phải học cách thích nghi dần dần, bé chưa thể làm mọi thứ theo lịch ngay được.

Em bé 0 - 2 tháng tuổi giấc ngủ chưa ổn định (Ảnh: Internet)

Đó còn chưa kể, những ngày đầu sau sinh, cùng với việc học cách thích nghi với môi trường, các cơ quan và não bộ của thai nhi phát triển nhanh chóng, bé rất hay bị giật mình trong khi ngủ. Đây là dấu hiệu tốt, không phải vấn đề xấu như ba mẹ vẫn lo lắng.

Từ khoảng tháng thứ 3, khi em bé thích nghi tốt hơn với những thay đổi của môi trường sống, ba mẹ bắt đầu có thể áp dụng hiệu quả hơn các phương pháp luyện ngủ cho trẻ, hoặc đơn giản là áp dụng những nguyên tắc vàng dưới đây giúp trẻ ngủ ngon hơn, không sâu giấc, ít giật mình và ngủ được giấc dài hơn.

1Nguyên tắc 1: Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc ngủ ngắn vào ban ngày

Nhiều ba mẹ hay có suy nghĩ, trẻ ngủ nhiều vào ban ngày thì ban đêm sẽ không ngủ nữa, do đó, ba mẹ rất hạn chế việc cho bé ngủ ban ngày. Tuy vậy, việc cho bé ngủ đủ vào ban ngày là cần thiết để đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, phát triển tốt, và đặc biệt là ngủ ngon hơn vào buổi đêm. 

Điều quan trọng là, ba mẹ có thể giúp bé phân biệt giấc ngủ ban ngày và giấc ngủ ban đêm. Khi bé đã phân biệt được, bé sẽ tự ngủ ít hơn vào ban ngày và ngủ nhiều hơn vào ban đêm, hạn chế tình trạng ngủ ngày cày đêm

Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc ngủ ngắn vào ban ngày là cần thiết để bé ngủ ngon vào ban đêm (Ảnh: Internet)

Vậy bé ngủ giấc ngủ ngắn như thế nào là đủ?

  • Trẻ từ 0 - 8 tuần tuổi: Trẻ ngủ khoảng 16 tiếng mỗi ngày, ngủ rất tùy ý, chưa có một lịch trình sinh hoạt cụ thể nào cả. Một giấc ngủ có thể chỉ kéo dài 1 vài phút nhưng cũng có thể kéo dài đến vài giờ. Cuối giai đoạn này, nhìn chung, trẻ sẽ ngủ nhiều hơn về ban đêm và ít hơn về ban ngày.
  • Trẻ từ 3- 5 tháng tuổi: Trẻ thường ngủ khoảng 15 tiếng mỗi ngày, trong đó có 3 giấc ngủ ngắn và giấc ngủ dài vào buổi tối. Giấc ngủ ngắn thường kéo dài từ 1.5 - 02 tiếng vào buổi sáng và đầu giờ chiều, cuối giờ chiều là giấc ngủ ngắn từ 30 - 45 phút.
  • Trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi: Trẻ thường ngủ khoảng 14 tiếng mỗi ngày, trong đó có 2 giấc ngủ ngắn vào buổi sáng và buổi chiều. Buổi tối trẻ thường ngủ khoảng 10 tiếng.
  • Trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi: Trẻ thường ngủ khoảng 14 tiếng mỗi ngày với 2 giấc ngủ ngắn. Giấc ngủ buổi tối kéo dài khoảng 10 - 11 tiếng.

2Nguyên tắc 2: Điều chỉnh các cữ bú phù hợp với độ tuổi

Với em bé từ 0 - 4 tháng tuổi, bé có nhu cầu dậy ăn vào buổi đêm. Khi bé đói, bé sẽ tự dậy và đòi ăn mà không cần mẹ gọi. Chỉ khi nào giấc ngủ của bé quá 4 tiếng đồng hồ mà bé vẫn chưa dậy ăn, mẹ mới nên đánh thức bé.

Em bé từ 4 - 6 tháng tuổi đã có khả năng ngủ xuyên đêm mà không cần dậy ăn cữ ăn vào buổi đêm. Lúc này, mẹ hãy dần dần cắt cữ bú đêm của trẻ, bằng cách cho trẻ ăn nhiều hơn vào ban ngày và bữa tối để nạp đủ năng lượng cho bé.

Khi nào nên bỏ cữ đêm? Đó là khi mẹ thấy bé có dấu hiệu dậy bú vặt, bú lắt nhắt thay vì bú no như bình thường. Lúc này mẹ có thể cắt cữ đêm được rồi.

Cắt giảm dần cữ bú buổi đêm của trẻ (Ảnh: Internet)

3Nguyên tắc 3: Xây dựng thói quen trước khi ngủ cho bé

Trước khi bé ngủ vào buổi tối, mẹ có thể làm một số thói quen như tắm, đọc truyện cho bé nghe, massage nhẹ nhàng, bóp chân giúp cơ thể bé thư giãn. Mẹ không nên chơi đùa quá nhiều với bé trước khi bé đi ngủ buổi tối vì khi chơi đùa, não bộ bé dễ bị kích thích khiến bé khó đi vào giấc ngủ, hay giật mình tỉnh giấc.

4Nguyên tắc 4: Hãy đặt bé xuống giường, không rung bé trên tay

Đặt bé nằm trên tay mẹ, đung đưa nhẹ nhàng để dỗ dành bé, khiến bé dễ đi vào giấc ngủ hơn là thói quen của rất nhiều ba mẹ. Thực ra dỗ dành bé là tốt, nhưng dỗ dành bé bằng cách để bé ngủ trên tay lại không hề tốt chút nào. Em bé dễ hình thành thói quen xấu, ỷ nại và phụ thuộc, nếu không được bế rung sẽ không chịu ngủ. Khi ba mẹ đặt bé xuống giường, bé rất dễ giật mình và quấy khóc, đòi được bế trở lại mới yên giấc.

Cho nên, khi thấy bé có dấu hiệu buồn ngủ, điều ba mẹ cần làm là đặt bé ngay xuống dưới giường hoặc nôi, vỗ vỗ nhẹ nhàng để bé đi vào giấc ngủ. Nếu bé đang bú dở, mẹ hãy hất ru, trò chuyện cùng bé để bé tỉnh ngủ. Mình thấy việc cho bé bú khi ngủ không tốt. Đánh thức bé đến khi bé kết thúc cữ bú hãy bắt đầu dỗ bé ngủ.

Hạn chế bế rung lắc trẻ trên tay, tránh tạo thói quen ngủ không tốt (Ảnh: Internet)

5Nguyên tắc 5: Hãy kiên nhẫn với trẻ

Ba mẹ không thể đòi hỏi một em bé mới sinh vài tháng có thể sinh hoạt vào nếp, ngoan ngoãn như em bé 3 - 4 tuổi được. Hãy kiên nhẫn với bé, nhẹ nhàng và ân cần, đừng thể hiện rằng mình đang cáu gắt trong lời nói và nét mặt vì em bé của bạn đều sẽ cảm nhận được hết và dần dần bé sinh phản ứng ngược lại, việc dỗ bé ngủ sẽ khó khăn hơn.

Giúp bé ngủ ngoan chưa bao giờ là dễ dàng, chúng mình hãy học hỏi từng chút một, áp dụng và chắt lọc điều nào là phù hợp với bé yêu và áp dụng. Mình tin rằng chỉ cần ba mẹ kiên trì là sẽ có hiệu quả như mong muốn. Các mẹ cố lên nhé.

Theo Bibabo.vn