Tài khoản

10 điều “cấm kị” khi chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi ba mẹ cần lưu ý (Phần 1)

Mẹ cu Bi 4 năm trước 17 bình luận

Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là dễ dàng cả, đặc biệt với những phụ huynh lần đầu làm ba mẹ. 

Xem nhanh

  • Để người khác hôn trẻ
  • Cho trẻ sơ sinh uống nhiều nước lọc
  • Cho trẻ nằm nôi với độ rung lắc mạnh
  • “Lười” thay tã cho trẻ
  • Dùng mật ong rơ lưỡi cho bé

Với trẻ dưới 1 tuổi, các cơ quan trong cơ thể trẻ chưa được hoàn thiện về chức năng, hệ miễn dịch còn yếu nên rất dễ bị tổn thương. Chỉ một chút sai lầm vô ý khi chăm sóc trẻ của ba mẹ cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé. Ba mẹ cần tránh xa những sai lầm dưới đây nhé. 

Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ dễ dàng (Ảnh: Internet)

1Để người khác hôn trẻ

Việc này cần liệt vào hàng “cấm kị” đầu tiên. Em bé mới sinh trắng trẻo, bụ bẫm và đáng yêu nên ai nhìn cũng muốn bế, muốn hôn, muốn cắn. Nhưng điều này có thể khiến trẻ mắc bệnh. 

Trong năm đầu tiên, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, hàng rào bảo vệ cơ thể trẻ vẫn còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, người lớn đi lại trong môi trường nhiều, tiếp xúc với nhiều vi khuẩn và vi trùng có thể gây bệnh. Đó còn chưa kể một số mầm bệnh ủ sẵn trong người, có thể lây truyền sang cho trẻ khi tiếp xúc cơ thể quá thân mật. 

Do đó, ba mẹ nên bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm này. Ngay cả ba mẹ cũng nên hạn chế việc hôn trẻ và đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ nhé. 

Không nên để người lớn hôn trẻ hoặc nói chuyện khi ở quá gần trẻ (Ảnh: Internet)

2Cho trẻ sơ sinh uống nhiều nước lọc

Có thể nhiều phụ huynh vẫn có quan niệm rằng trẻ em cũng giống như người lớn, ăn xong cần tráng miệng với nước, thỉnh thoảng cho bé uống cho đỡ khát. Thậm chí có những bậc phụ huynh cho bé tu một bình nước lọc “tráng miệng” sau khi bé đã uống sữa. Điều này là hoàn toàn không nên. 

Em bé dưới 6 tháng tuổi nếu bú mẹ hoàn toàn thì không cần bổ sung thêm nước, cũng không cần tráng miệng bằng nước. Trong sữa mẹ có đến 85% thành phần là nước, ba mẹ không cần lo bé bị khát. 

Nếu bé đang uống sữa công thức, thỉnh thoảng mẹ cho bé uống một chút nước để hoạt động bài tiết diễn ra dễ dàng hơn, nhưng không cần cho bé uống quá nhiều.

Việc cho bé dưới 1 tuổi uống nước lọc quá nhiều có thể làm giảm khả năng hấp thu sữa của cơ thể, tăng nguy cơ em bé bị nhiễm trùng (trong nước có thể chứa mầm bệnh, mà hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa của bé chưa được hoàn thiện) và nguy hiểm hơn, bé có thể bị ngộ độc nước. 

Ngộ độc nước không phải tình trạng thường gặp nhưng đã có bé mắc phải. Bé uống nhiều nước sẽ làm loãng nồng độ natri trong cơ thể. Nhiều nước khiến thận của bé hoạt động nhiều hơn, thải nước và natri (theo nước) ra bên ngoài, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt natri trong cơ thể. Em bé bị thiếu natri sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não, bé bị động kinh, co giật,...

Đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng tuổi, ba mẹ nên hạn chế cho trẻ uống nước lọc (Ảnh: Internet)

3Cho trẻ nằm nôi với độ rung lắc mạnh

Nhiều ba mẹ cho rằng đặt trẻ nằm trong nôi rung sẽ giúp bé dễ đi vào giấc ngủ hơn. Và sự thật là một số em bé ngủ dễ dàng hơn khi được đặt trong nôi rung. Thế nhưng, giấc ngủ với một số em bé nằm trong nôi rung có thể là “ép ngủ”. Bé nằm nôi, và nôi rung khiến bé cảm thấy mệt và từ từ lịm vào giấc ngủ - điều này không hề tốt cho sự phát triển của bé. 

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng việc đặt bé nằm ngủ trong nôi có độ rung lắc mạnh có thể khiến bé mắc phải hội chứng rung lắc, làm tổn thương đến não bộ của trẻ, thậm chí là gây chảy máu bên trong não. Nếu bé bị tổn thương nhẹ, ba mẹ có thể điều trị và khắc phục cho bé. Nhưng với những em bé tổn thương nặng, có thể khiến bé bị chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi, động kinh, khả năng nhận thức và học hỏi kém,... gây nhiều tác động lâu dài về sau. 

Do đó, nếu có ý định cho bé nằm nôi, ba mẹ nên lựa chọn nôi không rung hoặc độ rung lắc nhẹ trong giới hạn cho phép để bảo vệ bé khỏe mạnh nhé. 

Hội chứng rung lắc ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của bé (Ảnh: Internet)

4“Lười” thay tã cho trẻ

Nhu cầu đi tiểu và đi đại tiện của em bé luôn nhiều hơn so với người lớn. Mỗi ngày bé có thể đi tiểu và đại tiện 6 - 8 lần, thậm chí là nhiều hơn. Do đó, bé rất cần được ba mẹ kiểm tra tã bỉm và thay thường xuyên cho bé. 

Nếu ba mẹ trì hoãn việc thay tã, làn da mỏng manh của bé sẽ phải tiếp xúc lâu với các chất bẩn và vi khuẩn, dễ bị tổn thương làn da như viêm da, hăm tã, ngứa ngáy rất khó chịu. Do đó, hãy chịu kiểm tra giúp bé ba mẹ nhé. 

Ba mẹ nên để thay tã cho trẻ thường xuyên, hạn chế tình trạng hăm tã (Ảnh: Internet)

5Dùng mật ong rơ lưỡi cho bé

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh là thói quen được rất nhiều ba mẹ duy trì để loại bỏ mảng bám, vi khuẩn trên lưỡi bé, giúp lưỡi luôn sạch và hạn chế nấm miệng. Tuy nhiên, việc rơ lưỡi bằng mật ong là hoàn toàn không nên. 

Với trẻ dưới 1 tuổi, việc bé nuốt và ăn mật ong có thể khiến bé bị dị ứng và ngộ độc. Hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh, chưa đủ để tiêu diệt các bào tử vi khuẩn clostridium botulinum có trong mật ong. Do đó, khi mẹ rơ lưỡi và bé không may nuốt phải mật ong, độc tố botulinum đi vào cơ thể có khả năng tác động lên các dây thần kinh của bé gây tê liệt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé.

Để đảm bảo an toàn, ba mẹ nên áp dụng các phương pháp rơ lưỡi an toàn, sử dụng nước muối sinh lí, gạc rơ lưỡi để vệ sinh sạch sẽ cho bé nhé. 

Hãy cẩn thận khi dùng mật ong cho trẻ sơ sinh (Ảnh: Internet)

Bài viết đã hơi dài, mời các mẹ cùng đón đọc trong phần 2 nhé.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm