Tài khoản

10 điều “cấm kị” khi chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi ba mẹ cần lưu ý (Phần 2)

Mẹ cu Bi 4 năm trước

Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là dễ dàng cả, đặc biệt với những phụ huynh lần đầu làm ba mẹ.

Xem nhanh

  • Tắm quá nhiều lần trong ngày
  • Cắt lông mi cho trẻ
  • Quá lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng
  • Đặt quá nhiều thứ xung quanh khu vực ngủ của bé
  • Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Với trẻ dưới 1 tuổi, các cơ quan trong cơ thể trẻ chưa được hoàn thiện về chức năng, hệ miễn dịch còn yếu nên rất dễ bị tổn thương. Chỉ một chút sai lầm vô ý khi chăm sóc trẻ của ba mẹ cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé. 

Trong phần 1 của bài, mình đã chia sẻ với các mẹ 05 sai lầm khi chăm sóc bé. Như đã hứa, trong bài viết hôm nay mình xin tiếp tục chia sẻ 05 sai lầm khác ba mẹ cần tránh khi chăm sóc con nhỏ. Cùng lưu ý nhé. 

Những sai lầm trong cách chăm sóc trẻ sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của bé (Ảnh: Internet)

1Tắm quá nhiều lần trong ngày

Trẻ sơ sinh, đặc biệt là những em bé mới chào đời thật ra rất sạch, bé không cần ba mẹ phải tắm quá nhiều lần trong ngày, nhất là vào mùa đông này. Lớp da của trẻ trong những tuần đầu vừa mềm vừa mỏng. Việc tắm cho trẻ nhiều lần dễ dẫn đến tình trạng da bị mất nước, giảm sức đề kháng của da. 

Các chuyên gia khuyên rằng, em bé sơ sinh ba mẹ có thể duy trì tắm 2 - 3 lần mỗi tuần là được. Tần suất này có thể tăng dần lên khi bé lớn dần.

Không phải tắm nhiều nhưng có một điềm ba mẹ nhất định phải đảm bảo cho bé, đó là vệ sinh sạch sẽ vùng kín của trẻ sau mỗi lần bé đi vệ sinh để loại bỏ chất bẩn còn bám dính trên da bé, ngăn ngừa hoạt động của các loại vi khuẩn, giảm nguy cơ trẻ bị hăm tã, viêm da. 

Ba mẹ không cần tắm cho bé quá thường xuyên (Ảnh: Internet)

2Cắt lông mi cho trẻ

Nhiều ba mẹ tin rằng, cắt lông mi cho trẻ thường xuyên sẽ khiến lông mi của bé mọc dài hơn và nhanh hơn, mềm mại và đen lánh hơn nên đã không ngần ngại cắt cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Điều này có thể không khiến lông mi bé mọc như ba mẹ mong đợi mà ngược lại có thể gây ra những nguy hiểm khôn lường. 

Lông mi có tác dụng bảo vệ mắt của em bé khỏi bụi bẩn, dị vật rơi vào trong mắt. Một khi em bé không còn lông mi nữa, đôi mắt em bé sẽ mất đi lớp giáp bảo vệ quan trọng, dễ dàng bị xâm nhập, dễ dàng bị tổn thương và mắc các bệnh về mắt rất nguy hiểm. 

Do đó, ba mẹ hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cắt lông mi cho trẻ. 

Cắt lông mi cho trẻ không "lợi" như nhiều người tưởng, hãy cân nhắc kỹ lưỡng (Ảnh: Internet)

3Quá lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng

Hiện nay, việc lạm dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho em bé diễn ra khá nhiều. Thực tế, các loại thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ, không phải yếu tố quyết định đến sức khỏe hệ miễn dịch và sự phát triển của em bé. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ và cân bằng các nhóm dưỡng chất mới là yếu tố mang tính chất quyết định. 

Việc lạm dụng, cho bé sử dụng quá nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng có thể khiến bé bị “nhờn thuốc”, hoặc phụ thuộc vào thuốc không hề tốt cho sự phát triển của bé. Thậm chí, một số trường hợp em bé dùng thuốc và thực phẩm hỗ trợ bị quá liều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng về các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn có ý định cho bé sử dụng. Để đảm bảo an toàn, hãy chỉ dùng khi có sự kê đơn, đồng ý của bác sĩ. 

Chỉ nên sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng cho trẻ khi có sự hướng dẫn từ bác sĩ (Ảnh: Internet)

4Đặt quá nhiều thứ xung quanh khu vực ngủ của bé

Nhất là những đồ dùng mềm, nhỏ như chăn mền, gấu bông, gối ôm, gối, đồ chơi,... Tại sao lại vậy? 

Những đồ dùng mềm như thế này rất có thể là nguyên nhân quan trọng khiến bé bị ngạt thở khi ngủ - một trong những biểu hiện của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS

Khu vực ngủ của bé nên được bố trí thoáng, rộng rãi, không có đồ dư thừa. Ba mẹ có thể lựa chọn túi ngủ thay vì dùng chăn, loại bỏ hết đồ chơi không cần thiết. Em bé trong khoảng 6 tháng đầu cũng chưa cần sử dụng gối. Nếu vẫn muốn bé nằm gối, hãy lựa chọn những chiếc gối không quá cứng cũng không quá mềm, đặc biệt tránh gối quá mềm vì em bé có thể bị ngạt thở. 

Không nên đặt quá nhiều đồ xung quanh khu vực ngủ của bé (Ảnh: Internet)

5Cho trẻ ăn dặm quá sớm

Rất nhiều ba mẹ lựa chọn cho con bắt đầu ăn dặm khi con mới được 4 - 5 tháng tuổi. Thời điểm này là quá sớm, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện đủ để đáp ứng hấp thu và chuyển hóa những thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Nếu ba mẹ cố gắng nài ép bé ăn thêm đồ ăn dặm từ sớm, hệ tiêu hóa của bé sẽ bị tổn thương, ảnh hưởng lâu dài sau này. 

Cho trẻ ăn dặm quá sớm, chỉ hại không có lợi (Ảnh: Internet)

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 6 tháng là thời điểm lý tưởng để bắt đầu cho bé làm quen với những thực phẩm khác ngoài sữa mẹ. Đặc biệt, ba mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm khi em bé đã có đủ các yếu tố: 

  • Có thể tự ngồi cứng cổ hoặc ngồi được dưới sự giúp đỡ của ba mẹ. 

  • Mất phản xạ đẩy lưỡi, bắt đầu tiếp nhận thức ăn từ bên ngoài. 

  • Bé bị hấp dẫn bởi các loại thức ăn khác, thường với tay xin đồ ăn. 

Vậy là mình đã tổng hợp 10 điều “cấm kị” khi chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi. Sẽ còn rất nhiều vấn đề khác chúng ta nên bàn thêm, nhưng mình xin phép chia sẻ trong những bài sau. Các ba mẹ cùng đón đọc nhé. 

Theo Bibabo.vn